* Liên Hợp Quốc mong muốn vắcxin phòng bệnh COVID-19 sẽ được chia sẻ
Theo AFP, ngày 20/4, 193 thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua một nghị quyết, theo đó kêu gọi cách tiếp cận "công bằng, hiệu quả và kịp thời" đối với bất kỳ loại vắcxin nào trong tương lai được phát triển để phòng chống virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây đại dịch COVID-19.
Nghị quyết trên cũng nêu bật "vai trò đi đầu then chốt" của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cơ quan đang vấp phải sự chỉ trích từ Mỹ và các nước khác về cách giải quyết cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra.
Nghị quyết trên, do Mexico soạn thảo và được Mỹ ủng hộ, kêu gọi thúc đẩy "hợp tác quốc tế một cách khoa học để đối phó với COVID-19 và tăng cường phối hợp," trong đó bao gồm lĩnh vực tư nhân.
Trong diễn biến khác, Quỹ phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) của Liên Hợp Quốc ngày 20/4 đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để tránh một cuộc khủng hoảng lương thực xảy ra do tác động của COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc, IFAD cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể tiếp tục tác động xấu đến người nông dân và cộng đồng dân cư ở nông thôn, đẩy hàng triệu người vào tình trạng nghèo đói và nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần phải hành động ngay lập tức để tránh đại dịch COVID-19 khiến một khủng hoảng lương thực xảy ra.
Chủ tịch quỹ IFAD Gilbert F. Houngbo cho rằng “hậu quả từ dịch bệnh COVID-19 có thể đẩy các gia đình ở khu vực nông thôn rơi vào tình trạng nghèo, đói ăn và tuyệt vọng hơn. Đó là một mối đe dọa thực sự đối với sự thịnh vượng và ổn định toàn cầu.
Với việc hành động ngay lập tức, chúng ta có thể cung cấp cho người dân ở khu vực nông thôn các công cụ để thích nghi và đảm bảo phục hồi nhanh chóng, ngăn chặn một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn”.
Cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu kéo theo sự suy thoái kinh tế đang đe dọa đến cuộc sống và sinh kế của những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới. IFAD đã dành 40 triệu USD để hỗ trợ người nghèo ở khu vực nông thôn và ra lời kêu gọi khẩn cấp với mục tiêu huy động thêm ít nhất 200 triệu USD từ các quốc gia thành viên, các quỹ và khu vực tư nhân.
IFAD cho biết số tiền gây quỹ cần thiết để hỗ trợ cho những người nông dân và cộng đồng dân cư nông thôn tiếp tục sản xuất và bán thực phẩm, giảm thiểu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đối với sản xuất lương thực, tiếp cận thị trường và việc làm ở khu vực nông thôn. IFAD đang cân nhắc khả năng sẽ cho phép người nông dân tại các quốc gia dễ bị tổn thương nhất có thể tiếp cận kịp thời đầu vào sản xuất, thông tin, thị trường và tính thanh khoản.
Cùng ngày 20/4, Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, ông Stephane Dujarric, cho biết Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres mong muốn một loại vắcxin phòng bệnh COVID-19 sẵn sàng cho tất cả mọi người trên khắp thế giới.
Phóng viên TTXVN tại Liên Hợp Quốc dẫn lời người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh: “Vắcxin cần phải sẵn sàng sử dụng cho tất cả mọi người, đó không chỉ là vì lý do đạo đức mà không ai trong chúng ta an toàn cho đến khi tất cả mọi người trong chúng ta an toàn”.
Trong cuộc họp báo trực tuyến, ông Stephane Dujarric cho rằng: “Có sự cạnh tranh giữa các nhà phát triển vắcxin là tốt, nếu có sự hợp tác cùng nhau thậm chí còn tốt hơn. Tôi nghĩ điều quan trọng là khi chúng ta có một loại vắcxin có hiệu quả, đó là loại vắcxin sẵn sàng sử dụng cho tất cả mọi người”.
Người phát ngôn cho biết Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã liên lạc với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - cơ quan chỉ đạo và điều phối y tế toàn cầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc về vấn đề này. Ông Stephane Dujarric nhấn mạnh Liên Hợp Quốc mong muốn đảm bảo vắcxin không làm trầm trọng thêm các vấn đề bất bình đẳng và sẽ được sản xuất và chia sẻ vì lợi ích của tất cả mọi người.
Trong diễn biến khác, theo kết quả cuộc khảo sát thực hiện đối với 40.000 người tại 186 quốc gia trên thế giới, biến đổi khí hậu và môi trường sẽ là mối quan tâm hàng đầu trong tương lai. Phóng viên TTXVN tại New York dẫn báo cáo ngày 20/4 của Liên Hợp Quốc liên quan đến cuộc khảo sát trên, cho biết ngoài những mối quan tâm trên, các cuộc xung đột và rủi ro về sức khỏe sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện sẽ là những vấn đề chi phối thế giới.
Cuộc khảo sát là một phần của sáng kiến đánh dấu kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc trong năm nay. Số người được khảo sát cũng cho thấy 95% đánh giá hợp tác quốc tế là “cần thiết” hoặc “rất quan trọng” để giải quyết các xu hướng trên, với sự gia tăng đáng chú ý từ cuối tháng 2, khi dịch bệnh COVID -19 lan rộng.
Kết quả sơ bộ khảo sát trực tuyến kéo dài một phút, bắt đầu từ ngày 1/1 đến ngày 24/3 cho thấy các ưu tiên của người dân toàn cầu đối với “thế giới chúng ta muốn tạo ra”: bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, ít xung đột hơn, tiếp cận bình đẳng các dịch vụ cơ bản và không phân biệt đối xử.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã đưa ra sáng kiến này và sẽ tiếp tục trong suốt cả năm 2020 để nhận phản hồi từ mọi người dân trên toàn thế giới về quan điểm của họ đối với mối các quan tâm lớn, cách họ nhìn thế giới vào năm 2045 và hợp tác toàn cầu.
Liên Hợp Quốc cho biết những phát hiện sẽ được công bố tại lễ kỷ niệm chính thức 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc vào tháng 9 tới. Sau đó, Liên Hợp Quốc sẽ khởi động các cuộc thảo luận về cách tốt nhất để đưa ra kết quả và trình bày báo cáo cuối cùng vào tháng 1/2021.
Ông Antonio Guterres bày tỏ mong muốn sử dụng sáng kiến và “cột mốc kỷ niệm 75 năm” thành lập Liên Hợp Quốc để phản ánh sự hợp tác đa phương mà thế giới cần vào thời điểm này, bao gồm giải quyết đại dịch COVID-19 hiện nay và đạt được các mục tiêu thiên nhiên kỷ mà Liên Hợp Quốc đã đặt ra.
Ngoài cuộc khảo sát trực tuyến, sáng kiến đánh dấu 75 năm thành lập Liên Hợp Quốc còn bao gồm các cuộc đối thoại tập trung trong tương lai, thăm dò dư luận và phân tích về báo in, báo phát thanh, báo mạng trực tuyến và phương tiện truyền thông xã hội
H.N (tổng hợp từ TTTXVN, Vietnam+)