Ngày 15/11, Chile thông báo sẽ tổ chức cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2020 nhằm thay thế bản Hiến pháp cũ, đáp ứng đòi hỏi chính của người biểu tình sau gần một tháng khủng hoảng xã hội nghiêm trọng.
Hiến pháp hiện hành, được chính quyền quân sự của cựu Tổng thống Augusto Pinochet ban hành và có hiệu lực từ năm 1980, đã trải qua nhiều lần sửa đổi.
Nhưng văn kiện này vẫn không quy định trách nhiệm của nhà nước trong việc cung cấp các dịch vụ về giáo dục và y tế - hai đòi hỏi của hàng triệu người dân Chile xuống đường tuần hành thời gian qua.
Sáng sớm 15/11, Quốc hội Chile đã bỏ phiếu thông qua việc tổ chức trưng cầu ý dân vào tháng 4/2020, sau nhiều giờ thảo luận giữa liên minh cầm quyền và các đảng đối lập.
Chủ tịch Thượng viện Jaime Quintana cho biết trong cuộc trưng cầu tới, cử tri sẽ được hỏi liệu có muốn thay thế bản Hiến pháp hiện hành hay không, và nếu có thì bản mới nên được soạn thảo như thế nào.
Chile đã rơi vào khủng hoảng xã hội nghiêm trọng từ giữa tháng 10 vừa qua, ban đầu là các cuộc biểu tình phản đối việc chính phủ tăng giá vé tàu điện ngầm sau đó phát triển thành làn sóng phản đối những bất bình đẳng kinh tế và bất công xã hội.
Hầu hết các cuộc thăm dò dư luận cho thấy phong trào biểu tình đã nhận được sự ủng hộ của 75% người dân.
Nhằm xoa dịu tình hình, đầu tháng 11 này, chính phủ của Tổng thống Sebastian Pinera đã tiến hành cải tổ và công bố một loạt biện pháp, trong đó có luật đảm bảo mức lương tối thiểu 467 USD/tháng.
Cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài tại Chile đã khiến nước này phải rút lại việc đăng cai Hội nghị thượng đỉnh APEC 2019 và Hội nghị thượng đỉnh COP 25 của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Theo TTXVN/Vietnam+