* Venezuela mở trở lại cửa khẩu biên giới với Colombia
Ngày 7/6, Chủ tịch Quốc hội lập hiến (ANC) của Venezuela Diosdado Cabello đã có chuyến thăm Cuba và gặp Ngoại trưởng nước chủ nhà Bruno Rodriguez.
Theo Ngoại trưởng Cuba Rodriguez, cuộc thảo luận giữa ông và Chủ tịch ANC Cabello ở La Habana diễn ra "hữu nghị và hiệu quả”.
Ông Cabello thăm Cuba hai ngày để tổ chức các cuộc họp trù bị trước thềm hội nghị của Diễn đàn Sao Paolo - một liên minh gồm các đảng cánh tả ở Mỹ Latin. Venezuela đăng cai hội nghị này vào tháng 7 tới.
Ngay sau khi gặp ông Cabello, Ngoại trưởng Cuba Rodriguez cùng ngày đã tới thành phố Toronto của Canada để thảo luận với người đồng cấp Canada Chrystia Freeland về tình hình Venezuela. Phát biểu sau cuộc gặp trên, Ngoại trưởng Canada Freeland cho rằng Cuba có vai trò trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Venezuela.
Canada là một thành viên trong Nhóm Lima được thành lập nhằm tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Venezuela. Cuộc gặp giữa bà Freeland và ông Rodriguez là cuộc gặp lần thứ hai trong chưa đầy một tháng qua. Trước đó, ngày 16/5, hai Bộ trưởng đã gặp nhau tại La Habana với nội dung thảo luận tập trung vào tình hình Venezuela.
Trong diễn biến khác cùng ngày 7/6, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã quyết định cho mở lại các cửa khẩu biên giới với Colombia thuộc bang Tachira từ ngày 8/6, sau hơn ba tháng ngừng hoạt động.
Theo phóng viên TTXVN tại Mỹ Latin, nhà lãnh đạo Venezuela cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi các cơ quan chức năng đã rà soát kỹ lưỡng tình hình an ninh trật tự ở khu vực trên, cũng như nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân ở khu vực biên giới.
Theo các nguồn tin, Citibank và Deutsche Bank đã giữ lại số vàng nhận trước đó từ Chính phủ Venezuela để bảo đảm cho các khoản vay trị giá 1,4 tỉ USD, do các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Ngân hàng trung ương Venezuela (BCV).
Trong các năm từ 2014-2016, BCV đã sử dụng một phần vàng trong kho dự trữ ngoại tệ để bảo đảm cho các hoạt động tài chính với các ngân hàng, với dự định sẽ hoàn trả các khoản vay để không bị mất số vàng này.
Năm nguồn tin khác nhau cho biết, BCV đã đồng ý với Citibank và Deutsche Bank về việc mua lại số vàng trên vào năm 2020 và 2021, nhưng do Chính phủ Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với BCV hồi tháng Tư, hai ngân hàng này đã dẫn một điều khoản trong hợp đồng về quyền yêu cầu thanh toán trước hạn để giữ lại số vàng đó.
Citibank có quyền kiểm soát số vàng bảo đảm khoản vay khoảng 400 triệu USD mà BCV dự kiến trả vào năm 2020, trong khi Deutsch Bank có quyền kiểm soát khoảng 1 tỉ USD. Theo các nguồn tin và số liệu chính thức, kể từ năm 2017, BCV đã thu lại một phần vàng đã sử dụng để bảo đảm khoản vay, trong khi bắt đầu bán hàng chục tấn vàng cho Thổ Nhĩ Kỳ và các nước đồng minh khác ở Trung Đông để thu ngoại tệ.
Năm 2018, BCV đã hoàn trả 172 triệu USD cho Citibank để nhận lại một phần số vàng đã dùng để bảo đảm trong một thỏa thuận hoán đổi vàng. Tháng 3/2019, BCV không thể thanh toán 1,1 tỉ USD cho Citibank thông qua một thỏa thuận mua lại để lấy lại số vàng đã chuyển cho Citibank khi vay 1,6 tỉ USD.
BCV dự kiến sẽ trả 400 triệu USD khoản vay khác vào năm 2020 cho Citibank theo thỏa thuận, nhưng Citibank hiện đã giữ số vàng bảo đảm. Cả hai ngân hàng trên hiện đều có thể bán số vàng của Venezuela để thu hồi tiền cho vay và số tiền còn dư nếu có sẽ được trả lại cho nước này. Tuy nhiên, theo các biện pháp trừng phạt của Mỹ, hai ngân hàng bị cấm tiến hành bất kỳ giao dịch nào với BCV.
Liên quan đến việc Mỹ trừng phạt Venezuela, Bộ Tài chính Mỹ ngày 6/6 đã gia tăng áp lực đối với công ty dầu khí quốc doanh của Venezuela (PDVSA) khi nói rõ rằng hoạt động xuất khẩu chất làm loãng của các nhà xuất khẩu quốc tế có thể bị Mỹ trừng phạt. Đây là biện pháp mới nhất của Mỹ nhằm gây sức ép với Tổng thống Maduro bằng việc hạn chế tiếp cận nguồn lợi nhuận từ hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của PDVSA.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)