* Iran chỉ trích lời kêu gọi đàm phán hạt nhân của Mỹ
Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi ngày 8/6 khẳng định Baghdad sẽ ủng hộ bất kể nỗ lực nào nhằm ổn định khu vực Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Mỹ ngày càng gia tăng.
Phát biểu của Thủ tướng Mahdi được đưa ra tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Đức Heiko Maas và phái đoàn tháp tùng đang ở thăm Iraq.
Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Iraq cho biết, tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận về các mối quan hệ song phương và những vụ việc căng thẳng tại khu vực Trung Đông. Thủ tướng Iraq nhấn mạnh: “Chúng tôi ủng hộ bất cứ nỗ lực nào phục vụ sự ổn định của khu vực và thế giới, và chúng tôi đang hợp tác với Liên minh châu Âu vì mục đích này”.
Về phần mình, Ngoại trưởng Heiko Maas bày tỏ quan ngại sâu sắc của Đức đối với tình hình khu vực và khẳng định lợi ích to lớn của Berlin trong sự ổn định của Trung Đông, đồng thời cho biết về dự định tới thăm Tehran trong những ngày tới để thảo luận về vấn đề này.
Ông Maas cho hay: “Chúng tôi muốn đảm bảo với các quan chức Iran về cam kết của Đức và châu Âu đối với thỏa thuận hạt nhân, và châu Âu đang phác thảo một kế hoạch nhằm nới lỏng các lệnh trừng phạt và các giao dịch tài chính với Iran”.
Ngoại trưởng Đức cho biết “sẽ khẳng định với Iran về tầm quan trọng của việc duy trì thỏa thuận hạt nhân”. Trước chuyến thăm tới Iraq, ngày 7/6, Ngoại trưởng Đức đã đến Jordan, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông, và tới thăm căn cứ không quân Al-Asrak, nơi quân đội Đức tập trung hoạt động chống lại nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Sau Iraq, ông Maas sẽ tới thăm Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UEA) và Iran.
Truyền thông Đức đánh giá, chuyến đi tới Iran của Ngoại trưởng Maas đang được coi là một hoạt động ngoại giao lớn của Đức nhằm giảm bớt căng thẳng và có thể ngăn chặn một cuộc đối đầu quân sự ở Trung Đông.
* Ngày 8/6, Iran khẳng định các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào ngành hóa dầu của nước này đã cho thấy "sự sáo rỗng" trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc mở ra các cuộc đàm phán mới với Tehran.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nêu rõ: "Chỉ một tuần là đủ chứng minh được sự sáo rỗng trong tuyên bố của Tổng thống Mỹ rằng ông ấy sẵn sàng đàm phán với Iran".
Đánh giá này được đưa ra sau khi Bộ Tài chính Mỹ thông báo các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Tập đoàn hóa dầu Persian Gulf Petrochemical Industries Company (PGPIC) của Iran với mục đích gia tăng sức ép đối với nước này liên quan đến chương trình tên lửa đạn đạo. PGPIC là tập đoàn hóa dầu lớn nhất và mang lại nhiều lợi nhuận nhất của Iran.
Trước đó, Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận hạt nhân, do người tiền nhiệm Barack Obama ký, là không hiệu quả vì không bao gồm chương trình tên lửa đạn đạo của Iran cũng như vai trò của Iran trong các cuộc xung đột ở Trung Đông.
Do đó, ông kêu gọi Iran trở lại đàm phán để đạt được một thỏa thuận mới với cam kết là Washington sẽ “không tìm kiếm sự thay đổi chế độ” ở Iran. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng nhấn mạnh Paris và Washington đều muốn ngăn cản Tehran có được các vũ khí hạt nhân và các cuộc đàm phán mới nên tập trung vào việc kiềm chế chương trình tên lửa đạn đạo và các vấn đề khác.
Đáp lại, thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Tehran sẽ không từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình và sẽ không để bị “mắc mưu” trước lời đề nghị đàm phán của Mỹ.
Iran cũng từ chối lời kêu gọi của Pháp mở rộng cuộc đàm phán quốc tế về chương trình hạt nhân và quân sự của mình, nhấn mạnh nước này sẽ chỉ thảo luận về thỏa thuận hạt nhân đạt được với các cường quốc thế giới năm 2015.
L.H (tổng hợp từTTXVN/Vietnam+)