Dịch COVID-19: Biến thể Delta không gây bệnh nặng ở trẻ em

Thứ bảy - 04/09/2021 11:50
Số ca trẻ em nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng kể từ khi biến thể Delta trở nên phổ biến, nhưng một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã cho thấy những lo ngại biến thể này gây bệnh nặng ở trẻ em là vô căn cứ.

Số ca trẻ em nhập viện vì COVID-19 ở Mỹ đã tăng kể từ khi biến thể Delta trở nên phổ biến, nhưng một nghiên cứu mới đây của Trung tâm Phòng và kiểm soát dịch bệnh (CDC) đã cho thấy những lo ngại biến thể này gây bệnh nặng ở trẻ em là vô căn cứ.

 

Tài liệu trên cũng cho thấy vắc xin giúp giảm số trẻ em phải nhập viện khi mắc COVID-19. CDC phân tích số liệu của bệnh viện tại một khu vực có 10% dân số Mỹ trong giai đoạn 1/3/2020 đến 14/8/2021, từ trước khi xuất hiện biến thể Delta cho đến khi biến thể siêu lây nhiễm này trở tác tác nhân gây bệnh chính tại Mỹ từ ngày 20/6.

 

Tỉ lệ trẻ em từ 0-17 tuổi phải nhập viện hằng tuần đã ở mức thấp nhất tính trong thời gian từ ngày 12/6-3/7 là 0,3 trên 100.000 em, sau đó tăng lên 1,4/100.000 trong tuần kết thúc ngày 14/8, nghĩa là tăng 4,7 lần.

 

Mức đỉnh của tỉ lệ này là 1,5/100.000, ghi nhận được trong tuần đến ngày 9/1, khi Mỹ chứng kiến làn sóng lây nhiễm mùa đông do biến thể Alpha gây ra.

 

Sau khi xem xét số liệu của 3.116 bệnh viện trước giai đoạn xuất hiện biến thể Delta và so sánh với số liệu của 164 bệnh viện trong giai đoạn biến thể này hoành hành, tỉ lệ trẻ em mắc bệnh nặng không khác biệt nhiều.

 

Đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân nhập viện nặng là 26,5 trước khi xuất hiện Delta và 23,2 sau khi xuất hiện biến thể này. Tỉ lệ phải dùng máy trợ thở là 6,1 trước khi xuất hiện Delta, sau đó là 9,8. Trong khi tỉ lệ trẻ em tử vong là 0,7 trước và 1,8 sau khi xuất hiện Delta.

 

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo rằng vì số bệnh nhân nhập viện sau khi xuất hiện biến thể Delta thấp, nên cần thêm các dữ liệu để các nhà khoa học chắc chắn hơn về kết luận này.

 

Nghiên cứu cũng nhấn mạnh tính hiệu quả của vắc xin trong việc ngăn ngừa trẻ em phải nhập viện vì nhiễm biến thể Delta. Trong thời gian từ ngày 20/6-31/7, trong số 68 em nhập viện có 59 em chưa tiêm phòng, 5 em đã tiêm một mũi và 4 em đã tiêm đủ hai mũi. Như vậy, trẻ em chưa tiêm phòng có khả năng nhập viện cao gấp 10,1 lần so với những em đã tiêm.

 

Trong bối cảnh biến thể Delta đang làm số ca nhiễm gia tăng nhanh chóng tại Mỹ, ngày 3/9, Tổng thống Joe Biden thông báo trong tuần tới sẽ công bố những bước đi tiếp theo trong cuộc chiến chống biến thể Delta, đồng thời cho biết tiến trình hồi phục của nền kinh tế lớn nhất thế giới đang diễn ra một cách bền vững và mạnh mẽ. Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden nhấn mạnh: “Chúng ta cần đạt thêm tiến triển trong cuộc chiến chống biến thể Delta”.

 

Trong khi đó, nhật báo New York Times cùng ngày đưa tin các quan chức y tế hàng đầu của Mỹ cho biết họ chưa có đủ dữ liệu để đưa ra khuyến cáo tiêm mũi tăng cường ở mức độ rộng rãi hơn vào cuối tháng 9 như Tổng thống Biden đã đề cập trước đó.

 

Báo trên dẫn một nguồn thạo tin cho biết các quan chức trên đã đề nghị Nhà Trắng thu hẹp quy mô của kế hoạch tiêm mũi thứ 3 cho người dân Mỹ vào cuối tháng 9, cho rằng cần có thêm thời gian để thu thập và đánh giá lại toàn bộ dữ liệu cần thiết.

 

Theo Tiến sĩ Janet Woodcock, quyền Giám đốc Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) và Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC), 2 cơ quan này có thể đưa ra khuyến nghị về việc tiêm mũi tăng cường vào cuối tháng 9 chỉ với những người đã được tiêm vắc xin Pfizer/BioNTech.

 

* Trong diễn biến khác, Cơ quan quản lý dược phẩm Úc (TGA) ngày 4/9 phê chuẩn việc tiêm vắc xin của hãng Moderna cho trẻ em từ 12 tuổi trong bối cảnh nước này đang nỗ lực ứng phó với làn sóng lây nhiễm thứ 3 của dịch COVID-19.

 

Thông báo của TGA nêu rõ vắc xin sử dụng công nghệ mRNA của hãng Moderna đã được cấp phép sử dụng tạm thời cho công dân Úc từ 18 tuổi bắt đầu giữa tháng 8 vừa qua, nay được mở rộng ra với các cá nhân từ 12 tuổi trở lên.

 

Liều khuyến cáo và thời gian giữa các mũi tiêm cũng tương tự như người lớn, với 2 mũi cách nhau 28 ngày. Với quyết định trên, vắc xin của Moderna đã trở thành loại vắc xin thứ hai sau Pfizer được áp dụng tiêm cho trẻ em ở Úc.

 

Sáng 4/9, Úc đã có1.755 ca nhiễm mới, là ngày thứ ba liên tiếp ghi nhận những mức cao mới. Trong số này, 1.533 ca ở bang New South Wales (NSW), đông dân nhất với thủ phủ là TP Sydney. Trong khi đó, bang đông dân thứ hai Victoria đã ghi nhận 199 ca nhiễm.

 

Úc hiện đang vật lộn với làn sóng lây nhiễm nghiêm trọng nhất kể từ khi bùng phát dịch COVID-19. Nhà chức trách cảnh báo điều tồi tệ nhất vẫn ở phía trước. Hiện mới có 1/3 số người từ 16 tuổi trở lên đã được tiêm phòng. Với tốc độ hiện nay, dự kiến Úc có thể đạt mục tiêu 70% người dân được tiêm phòng vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.

 

Đến nay, Úc thuộc diện những quốc gia ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh hơn so với các nước khác. Nước này đã ghi nhận 58.200 ca nhiễm và 1.032 ca tử vong. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch do biến thể Delta siêu lây nhiễm đã đặt câu hỏi lớn đối với chiến lược "Không ca nhiễm" được áp dụng trong các làn sóng lây nhiễm trước.

 

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp