Thái Lan cảnh báo đợt lây nhiễm mới

Thứ hai - 06/09/2021 08:53
Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 6/9 đã cảnh báo về một đợt lây nhiễm mới vào tháng tới nếu người dân hạ thấp cảnh giác do các hạn chế được nới lỏng và sự tự mãn do số ca mắc mới ngày càng giảm.

Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) ngày 6/9 đã cảnh báo về một đợt lây nhiễm mới vào tháng tới nếu người dân hạ thấp cảnh giác do các hạn chế được nới lỏng và sự tự mãn do số ca mắc mới ngày càng giảm.

 

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi thảo luận với Bộ Y tế, người phát ngôn CCSA Taweesilp Visanuyothin cho biết các ca mắc mới COVID-19 ở nước này có thể lên tới 30.000 ca/ngày trong tháng tới nếu người dân nới lỏng giản cách xã hội và các biện pháp khác.

 

Người dân Thái Lan đã có thể đến các trung tâm mua sắm và nhà hàng kể từ ngày 1/9 khi một số hạn chế được nới lỏng. Số lượng các ca mới tiếp tục giảm trong những ngày gần đây và Bộ Y tế cho rằng điều đó là nhờ việc phong tỏa từng phần nhằm khống chế làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát từ đầu tháng 4.

 

Theo người phát ngôn, CCSA sẽ đánh giá tác động của việc nới lỏng các hạn chế vào ngày 10/9 hoặc vào đầu tuần tới. Số ca mới hàng ngày tại Thái Lan ngày 6/9 đã lần đầu tiên giảm xuống dưới ngưỡng 14.000 ca sau khi đạt đỉnh 23.418 ca hôm 13/8.

 

Bộ Y tế Thái Lan sáng 6/9 thông báo có thêm 13.988 ca mắc và 187 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số từ đầu dịch tới nay lên 1.294.522 ca, trong đó có 13.042 người không qua khỏi. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có số ca mắc mới và các ca tử vong cao nhất nước, với 3.660 ca mắc mới và 24 ca tử vong được ghi nhận trong ngày 6/9.

 

Philippines bỏ phong tỏa ở thủ đô Manila

 

Cùng ngày, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila vào ngày 8/9 tới trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này tiến hành thử nghiệm chỉ phong tỏa cục bộ nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan và phục hồi nền kinh tế.

 

Theo ông Roque, các biện pháp phong tỏa cục bộ sẽ được thực hiện thí điểm ở vùng đô thị Manila. Một hộ gia đình, một toà nhà hay một khu phố có thể là mục tiêu bị áp đặt phong tỏa.

 

Các biện pháp hạn chế ở mức nhẹ hơn này sẽ giúp nhiều cơ sở kinh doanh vốn chịu thiệt hại nặng nề do tác động của đại dịch COVID-19 có thể hoạt động trở lại và thúc đẩy ngành du lịch địa phương.

 

Theo các hướng dẫn ban hành trước đây, các nhà hàng sẽ được phép tiếp nhận thực khách đến ăn tối và các tiệm làm đẹp được phép mở cửa trở lại với công suất hoạt động giảm. Các tín đồ tôn giáo sẽ được phép tham dự các hoạt động của nhà thờ, song với số lượng hạn chế.

 

Chính phủ Philippines đưa ra thông báo trên sau khi số ca mắc COVID-19 trên toàn nước này vượt hơn 20.000 ca/ngày trong ba ngày qua, tăng gấp đôi so với thời điểm bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa gần đây nhất, khiến các bệnh viện hoạt động quá tải trong khi đang chật vật với tình trạng thiếu y tá.

 

Trước đó, vùng đô thị Manila gồm 16 thành phố - nơi sinh sống của hơn 13 triệu dân, đã bị áp đặt lệnh phong tỏa kể từ ngày 6/8 trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tăng ở mức cao nhất do biến thể Delta gây ra.

 

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây cho biết nước này không thể áp đặt thêm lệnh phong tỏa sau khi các lệnh phong tỏa từng được áp đặt gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp. Trong khi đó, chỉ 19% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ. Đến nay, số ca mắc COVID-19 ở Philippines đã vượt quá 2 triệu ca, với hơn 34.000 ca tử vong.

 

Campuchia: Số ca nhập cảnh tăng

 

Ngày 6/9, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này ghi nhận 528 ca mới và 13 ca tử vong vì dịch COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 188 ca nhập cảnh và 340 ca lây nhiễm cộng đồng. Số ca nhập cảnh vẫn ở mức cao khi lao động Campuchia tại Thái Lan tiếp tục đổ về nước.

 

Tính đến ngày 6/9, Campuchia có tổng cộng 95.828 ca mắc COVID-19, trong đó 91.131 người đã khỏi bệnh và 1.970 người tử vong.

 

Trước đó, ngày 5/9, Bộ Y tế Campuchia cũng thông báo phát hiện thêm 251 ca nhiễm biến thể Delta, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 2.647 ca, trong đó nhiều nhất ở Phnom Penh.

 

Bộ trưởng Y tế Campuchia Mam Bunheng một lần nữa kêu gọi người dân thận trọng hơn với biến thể Delta, đồng thời thích ứng với trạng thái bình thường mới bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, duy trì giãn cách, tránh đám đông và tiêm vắc xin ngay khi đến lượt.

 

Kể từ khi bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19 ngày 10/2/2021 đến nay, Campuchia đã tiêm cho hơn 95% dân số trong độ tuổi trưởng thành.

 

Theo thống kê của Bộ Y tế Campuchia, 9.571.313 người trong tổng số 10 triệu người từ 18 tuổi trở lên tại Campuchia đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong đó 8.405.571 người đã tiêm đủ hai mũi.

 

Sau 36 ngày triển khai tiêm phòng cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi, từ ngày 1/8 đến 5/9, Campuchia đã tiêm vắc xin của Sinovac cho 1.671.493 em, tương đương 84,98% trong tổng số 1.996.931 thanh thiếu niên trong độ tuổi này.

 

Campuchia đang nỗ lực hoàn thành tiêm phòng COVID-19 cho thanh thiếu niên sớm nhất có thể để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng và để học sinh, đặc biệt từ lớp 9 đến lớp 12, có thể sớm quay lại trường học.

 

Sau thông báo ngày 31/8 của Bộ Giáo dục, Thanh niên, Thể thao Campuchia về việc chuẩn bị mở cửa lại trường học ở các khu vực có rủi ro lây nhiễm COVID-19 ở mức thấp, tại một số địa phương (bao gồm cả Phnom Penh), một số trường trung học, trước đây được sử dụng làm trung tâm cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19 bắt đầu được dọn dẹp và khử trùng, chuẩn bị mở cửa đón học sinh trở lại.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp