Cảnh báo các triệu chứng mới ở bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2

Thứ tư - 08/09/2021 05:55
Các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Ấn Độ ngày 7/9 kêu gọi các bác sĩ cần xếp vào dạng nghi nhiễm các trường hợp xuất hiện những triệu chứng như giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc

* Nga phát triển thiết bị phát hiện virus SARS-CoV-2 trong 27 phút

 

Các thành viên lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Ấn Độ ngày 7/9 kêu gọi các bác sĩ cần xếp vào dạng nghi nhiễm các trường hợp xuất hiện những triệu chứng như giảm thính lực, khô miệng, đau nhói đầu, viêm kết mạc, giảm tiết nước bọt và phát ban trên da, ngay cả khi không có các triệu chứng phổ biến như sốt, ho, khó thở. 

 

Phát biểu tại một hội nghị trực tuyến do Thống đốc bang Maharashtra, ông Uddhav Thackeray chủ trì, bác sĩ Rahul Pandit, một thành viên của lực lượng trên cho biết: “Dù đã 17 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các triệu chứng mới vẫn tiếp tục được phát hiện, đòi hỏi giới khoa học phải theo sát những triệu chứng này” .

 

Bác sĩ Samir Bhargava, chuyên gia tai mũi họng tại Bệnh viện RN Cooper, cho biết hiện tượng viêm dây thần kinh thính giác hoặc xuất hiện cục máu đông do nhiễm virus ảnh hưởng tới thính giác tương tự như khứu giác.

 

Hiện có ít trường hợp được thống kê có biểu hiện giảm thính giác liên quan đến COVID-19.

 

Về phần mình, bác sĩ Sanjay Oak, trưởng nhóm đặc nhiệm, cho biết trong làn sóng lây nhiễm thứ hai do biến thể Delta gây ra, hầu hết các triệu chứng chỉ liên quan đến đường tiêu hóa, như tiêu chảy, buồn nôn và nôn. Biểu hiện sốt cũng dưới nhiều dạng khác nhau. Một số người không sốt, một số người sốt cao, một số người thì chu kỳ sốt và tái sốt trong vòng 2-3 ngày, nhưng với nhiều người thì sốt chỉ khi bệnh trở nặng.

 

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết nước này đã ghi nhận 38.948 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, 43.903 ca đã bình phục và 219 ca tử vong mới.

 

Trong khi số ca mắc mới do biến thể Delta đang tăng trên toàn cầu, các chuyên gia Malaysia cảnh báo cần theo dõi chặt chẽ biến thể có tên Mu vì biến thể này có khả năng lây nhiễm cao hơn, độc lực mạnh hơn và có thể vô hiệu hóa vắc xin ngừa COVID-19.

 

Biến thể Mu, còn được gọi là biến thể B.1.621, lần đầu tiên được phát hiện ở Colombia vào tháng 1/2021.

 

* Các chuyên gia của Cơ quan Y sinh Liên bang (FMBA) đã phát triển một thiết bị có thể xác định người nhiễm virus SARS-CoV-2 trong 27 phút.

 

Đây là thông tin do bà Daria Kryuchko, người đứng đầu Phòng y học chuyển dịch và công nghệ đổi mới trực thuộc FMBA, cung cấp ngày 7/9. 

 

Bà Kryuchko cho biết thiết bị này hoạt động dựa trên phương pháp khuếch đại đẳng nhiệt. “Hệ thống chẩn đoán trong vòng 27 phút (kể từ thời điểm lấy mẫu đến khi có kết quả) với độ chính xác cao sẽ xác định được sự hiện diện của kháng nguyên”.

 

Chuyên gia này cũng nhấn mạnh rằng trong trường hợp cần thiết, thiết bị này còn có thể xác định các loại kháng nguyên khác.

 

Trước đó, ngày 19/7, Cơ quan Liên bang Giám sát quyền lợi người tiêu dùng Rospotrebnadzor cho biết các chuyên gia của cơ quan này đang nghiên cứu để chế tạo một loại chip sinh học nhằm kiểm tra các tác nhân gây bệnh đường hô hấp không triệu chứng trong cộng đồng, bao gồm cả bệnh COVID-19.

 

Các nghiên cứu tương tự cũng đang được tiến hành tại Trung tâm kỹ thuật công nghệ vi mô và chẩn đoán của Đại học kỹ thuật điện quốc gia St. Petersburg (LETI).

 

Hiện trung tâm này đang phát triển một hệ thống cải tiến để chẩn đoán và điều trị COVID-19 một cách nhanh chóng thông qua việc sử dụng các peptide.

 

Nếu tất cả các thử nghiệm đều thành công, đây sẽ là hệ thống xét nghiệm đầu tiên ở Nga có thể phát hiện mầm bệnh chỉ trong vòng 10 phút.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp