Dịch COVID-19: Philippines tái áp đặt phong tỏa tại thủ đô Manila

Thứ tư - 08/09/2021 00:55
Ngày 7/9, Philippines tái áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Manila, chỉ một ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hơn 13 triệu người.

* Thái Lan chuẩn bị tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ từ 12-18 tuổi

 

Ngày 7/9, Philippines tái áp đặt lệnh phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại thủ đô Manila, chỉ một ngày sau khi thông báo dỡ bỏ yêu cầu ở nhà đối với hơn 13 triệu người.

 

Chính phủ Philippines đã lên kế hoạch bắt đầu thử nghiệm “phong tỏa quy mô hẹp hơn” tại Manila kể từ ngày 8/9, dù ghi nhận ca mắc COVID-19 cao kỷ lục do biến thể Delta siêu lây nhiễm.

 

Kế hoạch bất ngờ này quy định “phong tỏa cứng” đối với các hộ gia đình, các tòa nhà, các tuyến đường hoặc các khu dân cư lân cận, thay vì toàn bộ thủ đô.

 

Điều này giúp giảm bớt các biện pháp hạn chế ở phần còn lại của Manila - vốn đóng góp hơn 30% cho nền kinh tế của đất nước - và tạo điều kiện để các doanh nghiệp mở cửa trở lại và thúc đẩy du lịch địa phương.

 

Tuy nhiên, lực lượng đặc trách phòng COVID-19 của chính phủ cùng ngày đã đảo ngược kế hoạch trên, theo đó gia hạn các biện pháp phong tỏa hiện hành đến ngày 15/9 tới - hoặc cho đến khi việc thử nghiệm phong tỏa các địa điểm cụ thể được triển khai.

 

Với quyết định mới nhất này, các nhà hàng, các thẩm mỹ viện chưa được phép mở cửa trở lại. Trong khi đó, các nhà thờ chỉ được phép tổ chức sinh hoạt tôn giáo trực tuyến.

 

Philippines đang nỗ lực ngăn chặn số ca mắc mới COVID-19 gia tăng cao trong bối cảnh các bệnh viện ở nước này đang trong tình trạng quá tải.

 

Tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này đã vượt 2 triệu ca, trong đó có 34.000 ca tử vong. Cho đến nay, mới chỉ có khoảng 19% dân số Philippines đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

 

Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo ghi nhận 18.547 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 1.880.734 ca.

 

Quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, ông Noor Hisham Abdullah, cho biết trong số ca mắc mới, chỉ có 18 ca nhập cảnh trong khi có 18.529 ca lây nhiễm trong cộng đồng.

 

Ngoài ra, với thêm 311 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Malaysia đã tăng lên 18.802 người.

 

Cũng theo số liệu của Bộ Y tế, khoảng 18.902 bệnh nhân đã phục hồi, nâng tổng số bệnh nhân khỏi bệnh lên 1.609.930 người, chiếm 85,6% trong tổng số ca mắc COVID-19.

 

Tính đến nay, khoảng 63,3% dân số Malaysia đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin, trong đó 49,3% đã tiêm đủ liều.

 

Tại Indonesia, Bộ Y tế ghi nhận thêm 7.201 ca mắc COVID-19 trong một ngày qua, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 4.140.634 ca, trong đó có 137.156 ca tử vong, tăng 683 ca so với ngày 6/9.

 

Cũng theo bộ trên, với thêm 14.159 trường hợp được xuất viện, tổng số bệnh nhân đã hồi phục hiện lên tới 3.864.848 người.

 

Cho đến nay, 68,20 triệu người tại Indonesia đã tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong khi 39,16 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi. Quốc gia này đặt mục tiêu tiêm chủng cho hơn 208 triệu dân.

 

* Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan sẽ bắt đầu tiêm vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 12 tuổi trở lên bằng vắc xin của hãng Pfizer vào cuối tháng này, với những học sinh thuộc diện có nguy cơ ở thủ đô sẽ được tiêm đầu tiên.

 

Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) ngày 7/9 thông báo rằng những học sinh thuộc nhóm dễ bị tổn thương trong độ tuổi từ 12-18 tại 437 trường công lập của thủ đô có thể tiêm liều vắc xin ngừa COVID-19 đầu tiên tại Đại học Navamindradhiraj từ ngày 21/9.

 

Các học sinh sẽ được bác sĩ đánh giá và phải có chứng nhậnvề tình trạng khuyết tật, sức khỏe yếu hoặc bệnh mãn tính. BMA cho biết bằng chứng có thể là giấy chứng nhận y tế, giấy hẹn khám sức khỏe, giấy chứng nhận khuyết tật hoặc tài liệu cho thấy bệnh mãn tính.

 

Theo BMA, nhóm dễ bị tổn thương được ưu tiên bao gồm trẻ em mắc bất kỳ một trong bảy bệnh mãn tính và/hoặc béo phì.

 

Trẻ em được phân loại là béo phì nếu từ 12-13 tuổi và có cân nặng từ 70kg trở lên, từ 13-15 tuổi và có cân nặng từ 80kg trở lên, và từ 15-18 tuổi và có cân nặng từ 90kg trở lên.

 

Bảy tình trạng mãn tính là ngưng thở khi ngủ, bệnh hô hấp mãn tính bao gồm hen suyễn vừa phải và nặng, bệnh tim mạch, bệnh thận mãn tính, ung thư và suy giáp, tiểu đường, và các bệnh di truyền bao gồm hội chứng Down, suy giảm thần kinh nghiêm trọng và chậm phát triển.

 

Sáu tháng sau khi những người đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 vào ngày 28/2, Thái Lan đã đi được một nửa chặng đường tiến tới miễn dịch cộng đồng đối với bệnh COVID-19, với hơn 25 triệu người đã tiêm mũi vắc xin đầu tiên và 10 triệu người đã tiêm mũi thứ hai.

 

Chính phủ của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đặt mục tiêu có 50 triệu người, chiếm 70% dân số nước này, được tiêm mũi vắc xin đầu tiên để tạo ra miễn dịch cộng đồng.

 

Dự kiến, Thái Lan sẽ đảm bảo được khoảng 124 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 vào cuối năm nay, kể cả 43,3 triệu liều vắc xin của hãng AstraZeneca và 30 triệu liều vắc xin của hãng Pfizer mà nước này nhận được từ nay đến tháng 12.

 

Thái Lan cũng có kế hoạch mua ít nhất 200 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 trong năm 2022 để tiêm nhắc lại và đối phó với các biến thể của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.

 

Bộ Y tế Thái Lan sáng 8/9 cho biết nước này có thêm 14.176 ca mắc mới COVID-19 và 228 ca tử vong trong 24 giờ qua.

 

Như vậy, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận tổng cộng 1.322.519 ca mắc COVID-19 kể từ đầu dịch, trong đó có 13.511 ca tử vong.

 

Hầu hết các ca mắc và tử vong ở Thái Lan được ghi nhận trong làn sóng COVID-19 thứ ba bùng phát kể từ đầu tháng 4.

 

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp