Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, trong hai ngày 11-12/7, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc tiến hành các phiên thảo luận cuối cùng sau 3 tuần làm việc, thông qua 26 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền con người do Việt Nam, Philippines và Bangladesh đồng tác giả.
Nghị quyết về biến đổi khí hậu năm nay tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với quyền của người khuyết tật.
Nhận định người khuyết tật là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong các tình huống khẩn cấp, đặc biệt khi xảy ra thiên tai hoặc các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu, Nghị quyết kêu gọi các quốc gia tăng cường các biện pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật trước tác động bất lợi của biến đổi khí hậu, đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của người khuyết tật vào xây dựng và triển khai các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu ở cấp độ địa phương, quốc gia và quốc tế.
Bên cạnh đó, nghị quyết tiếp tục kêu gọi đẩy mạnh hợp tác quốc tế về trợ giúp tài chính, chuyển giao công nghệ và xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển để ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nghị quyết được thông qua bằng đồng thuận với 43 nước đồng bảo trợ tại thời điểm thông qua.
Bên cạnh Nghị quyết về biến đổi khí hậu, 15 nghị quyết khác đã được Hội đồng nhân quyền thông qua bằng đồng thuận, trong đó có một số nghị quyết đáng chú ý như Nghị quyết về Công nghệ thông tin và quyền con người, Nghị quyết về quyền của người di cư, Nghị quyết về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái…
Có 10 nghị quyết được thông qua bằng bỏ phiếu, đáng chú ý có Nghị quyết về tình hình nhân quyền tại Philippines, Nghị quyết về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân quyền, Nghị quyết về đóng góp của phát triển đối với việc thụ hưởng mọi quyền con người...
Đồng thời tại Khóa họp này, Hội đồng nhân quyền thông qua kết quả Báo cáo rà soát định kỳ phổ quát của Việt Nam trong chu kỳ III cùng Báo cáo của 13 quốc gia khác.
Việt Nam chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị mà các quốc gia đưa ra, đạt tỉ lệ gần 83%, gồm những nội dung quan trọng, toàn diện của công tác bảo đảm quyền con người, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, các biện pháp bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, cũng như các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, tăng cường thể chế bảo vệ quyền con người và các vấn đề mới đặt ra về di cư, biến đổi khí hậu, môi trường và phát triển bền vững.
Đoàn Việt Nam tích cực đóng góp vào thảo luận tại Khóa họp và các phiên thương lượng xây dựng các dự thảo Nghị quyết.
Bên cạnh Nghị quyết về biến đổi khí hậu, Việt Nam tham gia đồng bảo trợ 05 nghị quyết khác.
Đại sứ Dương Chí Dũng, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Geneva phát biểu tại nhiều phiên thảo luận về các vấn đề khác nhau. Đoàn Việt Nam cũng tham gia các phát biểu chung của ASEAN, Nhóm các nước Pháp ngữ và nhóm các nước đồng quan điểm tại các phiên thảo luận về các vấn đề thuộc quan tâm chung.
Kể từ 2014, mỗi năm Hội đồng nhân quyền đều xem xét và thông qua một nghị quyết về biến đổi khí hậu với trọng tâm từng năm tập trung vào từng chủ đề cụ thể như quyền trẻ em, quyền sức khoẻ, quyền của người di cư, quyền phụ nữ… trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Sự tham gia tích cực của Việt Nam trong việc xây dựng và thông qua nghị quyết này cũng như trong các hoạt động của Nhóm đồng tác giả của Nghị quyết hàng năm về biến đổi khí hậu tại Hội đồng nhân quyền phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần thực hiện chính sách đối ngoại chủ động, tích cực, có trách nhiệm với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế.
Khóa họp thường kỳ tiếp theo của Hội đồng nhân quyền sẽ được tổ chức vào tháng 9/2019 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Theo TTXVN/Vietnam+