Ngày 10/7, truyền thông Trung Đông cho biết, Iran và Nga đã lên tiếng chỉ trích lời kêu gọi của Mỹ tại phiên họp đặc biệt của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về vấn đề hạt nhân Iran, diễn ra tại Vienna (Áo), trong đó Washington yêu cầu Tehran phải tuân thủ những giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký với các cường quốc thế giới.
Cuộc họp đặc biệt của IAEA được diễn ra theo yêu cầu của phía Mỹ, sau khi Iran hồi tuần trước xác nhận nước Cộng hòa Hồi giáo này đã vượt qua mức dự trữ urani được làm giàu theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), mà Iran ký với Nhóm P5+1 (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).
Tại phiên họp, Đại sứ Mỹ tại các tổ chức quốc tế ở Vienna, Jackie Wolcott cho rằng Iran đang theo đuổi hành vi “tống tiền hạt nhân", khi Tehran thông báo sẽ không tuân thủ những giới hạn trong JCPOA chừng nào các bên còn lại trong thỏa thuận, đặc biệt là Anh, Pháp và Đức, có các hành động mạnh mẽ hơn để giảm thiểu tác động từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran. Đại sứ Wolcott tuyên bố: “Thông báo của Iran có nghĩa đây là một nỗ lực rõ ràng nhằm tống tiền cộng đồng quốc tế".
Đáp trả, người đồng cấp Iran Kazem Gharib Abadi cho rằng cuộc họp của IAEA được diễn ra theo yêu cầu của Mỹ và tình thế hiện nay là kết quả của những hành vi “ngoài vòng pháp luật” của Washington, đồng thời lên án cách hành xử của Mỹ khi áp đặt trừng phạt Iran.
Chia sẻ quan điểm, Đại sứ Nga Mikhail Ulyanov tuyên bố sau cuộc họp rằng, Mỹ đã bị cô lập về vấn đề hạt nhân Iran, khi bản thân Washington từng cho rằng JCPOA là một “thỏa thuận tồi” và những tuyên bố của Mỹ tại cuộc họp này lại cho thấy Washington đã nhận ra tầm quan trọng của JCPOA.
Về phần mình, Anh, Pháp và Đức vẫn duy trì lập trường tiếp tục những nỗ lực ngoại giao nhằm cứu vãn JCPOA.
Trong thông cáo chung đưa ra sau cuộc họp, ba nước cho rằng sự tiếp tục ủng hộ của mình đối với JCPOA sẽ phụ thuộc vào việc Iran thực thi đầy đủ những cam kết trong thỏa thuận hạt nhân. Bên cạnh đó, vấn đề hiện nay cần phải được giải quyết với sự tham gia của các bên trong JCPOA, đồng thời kêu gọi tổ chức khẩn cấp một cuộc họp ủy ban chung.
Trước đó, Reuters (Anh) dẫn các nguồn thạo tin cho biết, trong phiên họp kín ngày 10/7, IAEA đã thông báo với các quốc gia thành viên rằng Iran đang làm giàu urani tới độ tinh khiết 4,5%.
Mức độ làm giàu urani này cao hơn giới hạn 3,67% mà Tehran đã nhất trí với Nhóm P5+1 (gồm năm thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức), trong thỏa thuận hạt nhân lịch sử năm 2015 có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
IAEA còn cho biết, kho dự trữ urani được làm giàu của Iran hiện ở mức 213,5kg, cao hơn so với mức 202,8kg được đặt ra trong thỏa thuận JCPOA và cao hơn so với con số 205kg được xác nhận vào ngày 1/7.
Trong khi đó, kênh truyền hình Press TV dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi ngày 10/7 cho hay, Tehran vẫn để ngỏ cánh cửa ngoại giao và đàm phán về vấn đề hạt nhân của nước này. Ông Mousavi nhấn mạnh Iran vẫn kiên định về JCPOA, song cùng với đó là bảo vệ các quyền của nước này.
Ông nhấn mạnh, Tehran không tìm kiếm căng thẳng liên quan vấn đề hạt nhân, đồng thời cho rằng các nước châu Âu nên giải quyết "nguyên nhân sâu xa của những căng thẳng này" nếu họ thực sự muốn xoa dịu tình hình. Theo ông Mousavi, các chính sách của Mỹ đối với Iran là nguyên nhân chính gây rắc rối đằng sau vấn đề hạt nhân này.
Thỏa thuận hạt nhân JCPOA đã giúp hóa giải cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran kéo dài hàng chục năm ở "điểm nóng" Trung Đông. Thỏa thuận này dựa trên hai cam kết then chốt của Tehran, đó là chỉ được phép làm giàu urani ở tỉ lệ tối đa 3,67% - một tỉ lệ vừa đủ để sản xuất năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, và số lượng urani làm giàu ở tỉ lệ thấp này cũng chỉ được tối đa 300kg.
Ngoài ra, Tehran cũng cam kết không xây dựng thêm các lò phản ứng nước nặng, không tích lũy nước nặng và không phát triển thiết bị nổ hạt nhân.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)