Indonesia, Nam Phi ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất

Thứ năm - 02/07/2020 09:12
Ngày 2/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận thêm 1.264 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19.

* Một số bang ở Mỹ dừng hoặc đảo ngược lộ trình mở cửa trở lại

 

Ngày 2/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này ghi nhận thêm 1.264 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp COVID-19.

 

Đây là ngày có số ca nhiễm cao nhất tại nước này kể từ khi dịch bệnh bùng phát đầu tháng 3. Tính đến nay, số ca nhiễm ở Indonesia là 59.394 ca, trong đó có 2.987 ca tử vong.

 

Cùng ngày, Nam Phi cũng ghi nhận thêm 8.214 ca nhiễm - mức cao nhất từ trước tới nay. Hiện tổng số ca đã lên tới 159.333 ca, trong đó có 2.749 ca tử vong.

 

Nam Phi vẫn là nước có nhiều ca mắc COVID-19 nhất ở châu Phi, chiếm tới gần 50% số ca nhiễm của cả châu lục. Theo giới chuyên gia, số ca nhiễm tăng nhanh một phần do Nam Phi thực hiện nhiều hơn các xét nghiệm trong cộng đồng. Hiện mỗi ngày nước này tiến hành hơn 30.000 xét nghiệm.

 

Trong khi đó, Kenya cũng ghi nhận số ca mắc COVID-19 trong ngày cao nhất, với 307 ca, đưa tổng số lên 6.673 ca. Bộ Y tế Kenya cho rằng số ca tăng nhanh sau khi chính phủ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế vì người dân phớt lờ các quy định giãn cách xã hội, rửa tay và đeo khẩu trang.

 

Trong khi đó, một số phương tiện giao thông công cộng chở đầy hành khách bất chấp khuyến cáo của nhà chức trách. Hiện số ca tử vong do mắc COVID-19 tại Kenya là 149 ca. Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, tổng số ca mắc COVID-19 ở Úc đã lên tới 8.001 ca, với 86 ca mới được xác định trong 24 giờ qua.

 

Phó Giám đốc Y tế Úc, Giáo sư Michael Kidd cho biết số người nhập viện và được chăm sóc đặc biệt trên cả nước cũng tăng. Điều này cho thấy tác động rất nghiêm trọng mà đại dịch có thể gây ra, đặc biệt là đối với sức khỏe của người già và những người có bệnh mạn tính.

 

Tính đến nay, Úc đã thực hiện hơn 2,56 triệu xét nghiệm. Kể từ đêm 1/7, bang Victoria đã tái áp đặt lệnh phong tỏa tại khoảng 30 khu vực dân cư có số ca mắc COVID-19 cao nhất ở Melbourne - thành phố lớn thứ hai của Úc.

 

Cảnh sát bang Victoria đã dựng các trạm kiểm soát ở các "ổ dịch" mới, sẽ tuần tra các khu vực được phong tỏa và phạt tiền ngay tại chỗ những ai đi ra ngoài mà không có lý do chính đáng.

 

Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrews tuyên bố việc áp dụng các biện pháp đặc biệt là điều cần thiết để ngăn chặn số ca nhiễm gia tăng. Ông cũng yêu cầu người dân tự giác, tuân thủ và đi xét nghiệm ngay nếu có bất kỳ triệu chứng của bệnh.

 

Thủ hiến Andrews cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Scott Morrison yêu cầu các chuyến bay quốc tế chuyển hướng sang các thành phố khác và không được hạ cánh ở Melbourne trong hai tuần tới, nhằm giảm số lượng người cần được cách ly tại bang.

 

Tại Mỹ, thống đốc các bang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đợt bùng phát trở lại dịch COVID-19 đã phải dừng hoặc đảo ngược lộ trình mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế, dẫn đầu là bang California, bang đông dân nhất và là tâm dịch mới của nước này.

 

Thống đốc bang California, Gavin Newsom, đã ra sắc lệnh đóng cửa các quán bar, cấm ăn tối bên trong nhà hàng và hạn chế các hoạt động trong nhà ở 19 quận - động thái ảnh hưởng đến trên 70% dân số bang này. Ông cho rằng dịch bệnh tiếp tục lây lan với tốc độ đặc biệt đáng quan ngại.

 

Động thái của California, bang đầu tiên ở Mỹ thực hiện yêu cầu người dân ở trong nhà vào tháng Ba, có thể gây thêm những thiệt hại về tài chính cho các chủ quán bar và nhà hàng.

 

Tâm dịch của Mỹ đã chuyển từ Tây Bắc sang California, Arizona và New Mexico ở phía tây cùng với Texas, Florida và Georgia. Mỹ có số ca mắc mới COVID-19 trong ngày 30/6 cao nhất, với gần 48.000 ca, với trên 8.000 ca ở mỗi bang California và Texas.

 

Thống đốc bang New Mexico Michelle Grisham, ngày 1/7 đã gia hạn sắc lệnh y tế khẩn cấp cho đến ngày 15/7, nói rằng các nhà chức trách sẽ siết chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang.

 

Trong khi đó, Thống đốc bang Indiana, Eric Holcomb, đã dừng lộ trình mở cửa trở lại theo giai đoạn ở bang này đến ít nhất là giữa tháng bảy. Ông Bill de Blasio, Thị trưởng New York, thành phố từng là tâm dịch ở nước Mỹ trong nhiều tháng, cùng ngày 1/7 đã nói sẽ hoãn kế hoạch cho phép ăn tối bên trong các nhà hàng vào ngày 6/7.

 

Những quyết định trên của các bang được đưa ra khi một khảo sát của Reuters và Ipsos cho thấy người Mỹ ngày càng lo ngại về sự lây lan của dịch. Theo khảo sát, có 81% số người trưởng thành Mỹ rất lo ngại hoặc phần nào lo ngại về đại dịch, tỉ lệ cao nhất kể từ khi một khảo sát tương tự được tiến hành vào ngày 11-12/5.

 

L.H (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp