Các lực lượng và phe phái quốc gia, Hồi giáo tại Dải Gaza vừa đạt được thỏa thuận về kế hoạch hành động quốc gia thống nhất nhằm chống lại "thỏa thuận thế kỷ" của Mỹ.
Kế hoạch trên có nội dung khởi động cuộc kháng chiến toàn diện nhằm chống lại kế hoạch sáp nhập, kêu gọi người dân tham gia "Ngày nổi giận" - dự kiến được tổ chức vào ngày 1/7, và một hoạt động quy mô lớn với sự tham gia của tất cả các phe phái ở Gaza.
Trong tuyên bố sau hội nghị "Đoàn kết chống quyết định sáp nhập và thỏa thuận thế kỷ", các phe phái ở Gaza đã kêu gọi tổ chức một cuộc họp khẩn nhằm thống nhất quyết tâm ngăn chặn hành động sáp nhập và triển khai một chiến dịch quốc gia về vấn đề này.
Bên cạnh đó, tuyên bố cũng kêu gọi thành lập một ủy ban truyền thông đặc biệt để giám sát một chiến dịch truyền thông quy mô lớn, đồng thời thành lập một ủy ban pháp lý nhằm chuẩn bị hồ sơ khởi kiện hành vi chiếm đóng.
Trong khi đó, ngày 29/6, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Nhân quyền Michelle Bachelet tuyên bố kế hoạch của Israel sáp nhập một phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng ở Bờ Tây là "trái phép", đồng thời cảnh báo động thái này có thể gây ra hậu quả "thảm khốc".
Trong một tuyên bố, bà Bachelet khẳng định bất cứ hành động nào của Israel dù là sáp nhập 5% hay 30% khu Bờ Tây đều trái phép, đồng thời bà bày tỏ quan ngại động thái này sẽ gây ra làn sóng phản kháng kéo dài nhiều thập kỷ, và sẽ hủy hoại nghiêm trọng Israel, cũng như người Palestine.
Trước đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố ông sẵn sàng đàm phán với Palestine trên nền tảng "kế hoạch hòa bình" Trung Đông của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Phát biểu hai ngày trước thời điểm ông đặt ra để thực hiện sáp nhập khu Bờ Tây bị chiếm đóng, Thủ tướng Netanyahu hối thúc người Palestine "theo đuổi" kế hoạch này. Thủ tướng Netanyahu đã lên kế hoạch vào ngày 1/7 tới sẽ sáp nhập Thung lũng Jordan, khoảng 30% diện tích lãnh thổ Bờ Tây, đồng thời áp đặt chủ quyền đối với một số khu định cư Do Thái tại Bờ Tây.
Palestine và cộng đồng quốc tế đã chỉ trích kế hoạch, coi động thái này vi phạm luật pháp quốc tế, đe dọa sự ổn định của khu vực.
Người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas - ông Nabil Abu Rudeineh nêu rõ Palestine chưa thay đổi lập trường về quan hệ với chính quyền hiện tại của Mỹ cũng như của Israel.
Ông Abu Rudeineh một lần nữa khẳng định lãnh đạo Palestine phản đối hoạt động sáp nhập của Israel, nhấn mạnh tất cả các kế hoạch sáp nhập một lần hay theo giai đoạn đều là "vấn đề nguyên tắc".
Hãng thông tấn chính thức của Palestine WAFA dẫn lời ông Abu Rudeineh nêu rõ: "Bất kỳ đối thoại nào cũng phải dựa trên các nghị quyết của Liên Hợp Quốc, Sáng kiến hòa bình Ả-rập và kế hoạch hòa bình do Tổng thống Mahmoud Abbas đệ trình tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và trên cơ sở nguyên tắc giải pháp hai nhà nước, theo đó chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, thành lập một nhà nước Palestine độc lập với các đường biên giới năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô".
Trong cuộc chiến tranh sáu ngày với các nước Ả-rập, Israel đã chiếm giữ Bờ Tây vào ngày 7/6/1967, bao gồm Đông Jerusalem, và kiểm soát vùng lãnh thổ này cho đến nay. Tòa án Công lý quốc tế sau đó đã ra phán quyết khu Bờ Tây là vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, Chính phủ Israel coi Bờ Tây là "vùng tranh chấp".
Trong khuôn khổ các chính sách được chính quyền Israel thực thi liên quan hoạt động chiếm đóng, Israel đã xây dựng một loạt khu định cư trên khắp Bờ Tây, bao gồm Đông Jerusalem. Cộng đồng quốc tế luôn coi đó là hành động bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Vấn đề này là một trong những trở ngại lớn khiến các cuộc hòa đàm giữa Palestine và Israel luôn rơi vào bế tắc.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)