* Mỹ điều vệ binh quốc gia bảo vệ các tượng đài tại Washington
Ngày 24/6, các nghị sĩ Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ đã bác bỏ một dự luật cải tổ lực lượng cảnh sát do Đảng Cộng hòa đề xuất, với lý do văn kiện này chưa bao gồm các biện pháp thực sự mạnh mẽ.
Cụ thể, với 55 phiếu thuận và 45 phiếu chống, dự luật cải tổ cảnh sát do Đảng Cộng hòa đề xuất đã không đạt đủ tối thiểu 60 phiếu để được thông qua tại thượng viện.
Dự luật của đảng Cộng hòa, được Tổng thống Donald Trump ủng hộ, đưa ra sau cái chết của công dân da màu George Floyd do một cảnh sát da trắng gây ra ở thành phố Minneapolis hồi tháng trước, làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối nạn phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ và lan ra nhiều nước trên thế giới.
Dự luật không khuyến khích nhưng cũng không cấm lực lượng bảo vệ pháp luật có các hành động vũ lực mạnh tay như ghì cổ khi xử lý các đối tượng.
Ngoài ra, văn kiện này cũng đề xuất cập nhập thông tin về các cảnh sát có hành vi lạm dụng vũ lực vào cơ sở dữ liệu quốc gia để thực hiện "thanh lọc" lực lượng cảnh sát.
Tuy nhiên, dự luật không chấm dứt hoặc hạn chế quyền miễn trừ trách nhiệm của cảnh sát, vốn là một quy định gây tranh cãi khi tạo điều kiện để cảnh sát không bị truy tố khi có các vi phạm.
Lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại thượng viện, Chuck Schumer, cho rằng dự luật của Đảng Cộng hòa thậm chí không tạo ra một sự thay đổi đáng kể nào để buộc những cảnh sát lạm dụng vũ lực phải chịu trách nhiệm với hành động của mình. Ông nhấn mạnh văn kiện này có nhiều lỗ hổng và không thể mang lại một cải cách thực sự cho ngành cảnh sát.
Tổng thống Trump đã lập tức lên tiếng chỉ trích quyết định của phe Dân chủ tại thượng viện, cho rằng các nghị sĩ Dân chủ muốn làm suy yếu hệ thống cảnh sát.
Hiện mọi sự chú ý đổ dồn về hạ viện, nơi Đảng Dân chủ dự kiến sẽ phê chuẩn một dự luật cải cách toàn diện hơn trong ngày 25/6. Dự luật của hạ viện sẽ giới hạn quyền miễn trừ trách nhiệm đối với cảnh sát, cấm các hành động trấn áp thân thể và bắt giữ mà không báo trước.
Các cuộc biểu tình đã xảy ra trên toàn nước Mỹ trong nhiều ngày qua nhằm phản đối tình trạng bạo lực sắc tộc sau vụ người đàn ông da màu Floyd tử vong. Biểu tình cũng đã lan ra tại nhiều nước trên toàn thế giới, từ châu Âu, châu Mỹ, châu Phi tới châu Đại dương.
Nhiều sự kiện diễn ra trong hòa bình, nhưng cũng tại một số nước, các cuộc biểu tình đã biến thành bạo loạn đường phố, cướp phá cửa hàng hay đập phá tượng đài nhiều nhân vật lịch sử, buộc cảnh sát phải can thiệp.
* Ngày 24/6, khoảng 400 binh sĩ thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia ở thủ đô Washington đã được triển khai trong tình trạng sẵn sàng hành động để hỗ trợ các quan chức thực thi pháp luật bảo vệ một số tượng đài của các nhân vật lịch sử. Quyết định này được thực hiện theo đề nghị của Bộ Nội vụ Mỹ.
Trước đó, ngày 23/6, Tổng thống Trump đã đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với người biểu tình tại thủ đô Washington với tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực nếu người biểu tình tìm cách thiết lập "vùng tự trị" không cảnh sát ở thành phố này.
Ông đe dọa sẽ phạt tù tối đa 10 năm các đối tượng hành xử theo chủ nghĩa vô chính phủ - những người gây hư hại các công trình kiến trúc là tài sản quốc gia trong làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc.
Tổng thống Trump đưa ra tuyên bố trên một ngày sau khi cảnh sát buộc phải sử dụng hơi cay để giải tán đám đông biểu tình tìm cách xô đổ tượng đài cố Tổng thống Mỹ Andrew Jackson trong công viên cạnh Nhà Trắng.
Ông Jackon làm Tổng thống Mỹ giai đoạn 1829-1837. Người biểu tình tìm cách hủy hoại tượng đài để phản đối các chính sách hà khắc với thổ dân Mỹ dưới thời vị tổng thống này.
L.H (tổng hợp từ Vietnam+)