Chính phủ Mỹ ngày 25/3 cho biết nước này không tính tới việc thành lập một tòa án quốc tế xét xử các phần tử thuộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, thay vào đó Washington hối thúc các quốc gia tiếp nhận lại công dân từng tham chiến.
Tuyên bố này của Mỹ được đưa ra sau khi chính quyền người Kurd ở Syria đề xuất đưa các tay súng IS ra xét xử tại tòa án quốc tế đặt tại quốc gia này.
Nhóm vũ trang Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) - lực lượng do người Kurd đứng đầu được Mỹ hậu thuẫn tại Syria, đang giam giữ khoảng 9.000 chiến binh nước ngoài cùng những người thân trong gia đình của họ tại trại Al-Hol, trong số này có 6.500 trẻ em.
Trong bối cảnh lời kêu gọi của Mỹ đối với các nước phương Tây về việc hồi hương các tay súng và xét xử tại quê nhà không nhận được nhiều sự hưởng ứng, chính quyền người Kurd ở Syria đề xuất một ý tưởng mà họ cho là tốt hơn, đó là thành lập một tòa án quốc tế ở đông bắc Syria để xét xử các tay súng IS - những người vốn đang phải đối mặt với nhiều tội danh như áp đặt một cách hà khắc các đạo luật Hồi giáo đối với hàng triệu người trên khắp Iraq và Syria, tiến hành nhiều vụ hành quyết và tấn công tình dục.
Khi được báo giới ở Washington hỏi về đề xuất trên của SDF, ông James Jeffrey, Đại diện đặc biệt của Mỹ về vấn đề Syria, tuyên bố: "Chúng tôi (Mỹ) chưa xem xét vấn đề đó vào lúc này". Ông nhấn mạnh ưu tiên của Chính phủ Mỹ hiện nay là gây sức ép để các quốc gia tiếp nhận trở lại công dân của mình - những người có thể đã phạm tội hoặc không phạm tội, cho rằng nếu các chính phủ nỗ lực, họ sẽ có thể giải quyết được vấn đề này.
Hồi hương cho các công dân từng tham gia IS là một vấn đề nhạy cảm đối với các nước phương Tây, như Pháp hay Anh - những nước vốn đã phải chịu nhiều vụ tấn công do những phần tử cực đoan trong nước tiến hành và do đó không hào hứng với việc tiếp nhận thêm những đối tượng từng trong hàng ngũ khủng bố.
Tháng trước, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã kêu gọi Anh, Pháp, Đức và các đồng minh châu Âu khác nhận về hơn 800 tay súng IS bị bắt giữ tại Syria, và đưa các đối tượng này ra xét xử.
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh rằng khi cái gọi là "vương quốc Hồi giáo" sụp đổ, có khả năng lực lượng địa phương tại Syria đã bắt giữ các tay súng IS sẽ buộc phải thả các phần tử thánh chiến này, và khi đó Mỹ không muốn chứng kiến các tay súng IS thâm nhập châu Âu. Trên thực tế, trại Al-Hol cũng đang quá tải khi phải trở thành nơi lưu trú cho 70.000 người, trong khi sức chứa chỉ là 20.000 người.
Tuy nhiên, đáp lại lời yêu cầu này, nước Anh thậm chí đã tước quốc tịch của các công dân từng gia nhập IS. Áo cũng tuyên bố rút lại việc bảo hộ công dân đối với công dân nước này tham chiến cho IS tự xưng, đồng thời bác bỏ lời kêu gọi của Mỹ về việc bắt giữ, hồi hương các tay súng và đưa các đối tượng này ra xét xử. Bộ Ngoại giao Đức thì cho rằng sẽ "vô cùng khó khăn" khi tổ chức hồi hương những công dân châu Âu từng tham chiến cho IS.
Ngay trong lòng nước Mỹ, cô Hoda Muthana, một phụ nữ trẻ sống tại bang Alabama từng tham gia IS, hồi tháng trước cũng đã không được công nhận là công dân xứ Cờ hoa, với lý do được nêu là vì quy chế ngoại giao trước đây của cha cô.
Từ năm 2014, IS đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq và biến những nơi này làm thành trì hoạt động chính trước khi dần bị tan rã do các cuộc tấn công từ các lực lượng quốc tế. Sau nhiều năm chống IS, SDF đã bắt giữ hàng trăm tay súng nước ngoài bị cáo buộc tham chiến cho IS.
Tháng 12/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm choáng váng các đồng minh khi ông ra lệnh rút 2.000 binh sỹ Mỹ khỏi Syria, bất chấp những chỉ trích trong nội bộ chính quyền cho rằng ông đã giảm sự hiện diện và tầm ảnh hưởng của "Chú Sam" ở khu vực này.
Theo ông Jeffrey, lực lượng Mỹ đã bắt đầu rút quân từ tháng 12/2018 và sẽ chỉ đồn trú "một số lượng rất hạn chế" ở đông bắc Syria.
Theo TTXVN/Vietnam+