Nhật Bản phát triển phương pháp xét nghiệm nhanh COVID-19 qua nước bọt

Thứ hai - 22/06/2020 08:55
Ngày 22/6, hãng dược phẩm Shionogi&Co của Nhật Bản cho biết đã tham gia một thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng với 3 trường đại học ở nước này để thương mại hóa một phương pháp xét nghiệm mới phát hiện virus SARS-CoV-2

Ngày 22/6, hãng dược phẩm Shionogi&Co của Nhật Bản cho biết đã tham gia một thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng với 3 trường đại học ở nước này để thương mại hóa một phương pháp xét nghiệm mới phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong nước bọt của bệnh nhân.

 

Phương pháp này không tốn kém và cho kết quả trong vòng khoảng 25 phút. Theo hãng Shionogi, phương pháp mới xét nghiệm virus SARS-CoV-2 do các trường Đại học Nihon, Đại học Y Tokyo và Đại học Gunma phối hợp phát triển không đòi hỏi thiết bị chuyên dụng hay chuyên gia kỹ thuật, song có thể phát hiện virus với độ chính xác tương đương các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) đang được sử dụng rộng rãi hiện nay.

 

Xét nghiệm PCR truy vết vật liệu di truyền của virus SARS-CoV-2 trong dịch mũi. Sử dụng phương pháp này các nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm virus trong quá trình lấy mẫu dịch mũi của bệnh nhân bằng bông tăm.

 

Trong khi đó, theo Shionogi, phương pháp xét nghiệm mới đo lường gene, protein và chất chuyển hóa của virus SARS-CoV-2 trong nước bọt và có thể nhìn thấy kết quả bằng mắt thường. Shionogi cho biết công ty này đặt mục tiêu sớm thương mại hóa phương pháp xét nghiệm mới này để đưa vào sử dụng tại các cơ sở y tế và các điểm cách ly.

 

* Trong diễn biến khác, theo nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Computational Biology Chemistry, một loại thuốc mới kháng virus vừa được chứng minh tính hiệu quả trong việc ngăn chặn sự phát triển của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 thông qua mô phỏng trên máy tính.

 

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Monash của Úc đã tiến hành mô phỏng khái quát thuốc alpha-ketoamide 13b trên một siêu máy tính, qua đó nhận thấy loại thuốc này có khả năng chặn đứng việc nhân bản virus SARS-CoV-2.

 

Nhà nghiên cứu cấp cao Tom Karagiannis cho biết alpha-ketoamide 13b đã "phong tỏa" chặt khu vực enzim chính của virus hoạt động và cơ chế này đóng vai trò phá hủy protein của virus bên trong các tế bào, từ đó cản trở việc nhân bản virus SARS-CoV-2.

 

Hoạt động mô phỏng trên máy tính cho thấy quá trình phong tỏa nói trên diễn ra ổn định trong nhiều lần mô phỏng kéo dài.

 

Alpha-ketoamide 13b là một hợp chất mới và được nhóm nghiên cứu của Giáo sư Rolf Hilgenfeld tại Đức phát triển dựa trên các hợp chất ketoamide sau đợt bùng phát dịch SARS hồi năm 2003.

 

Nhà nghiên cứu Karagiannis cho biết các nhà khoa học Đức cũng đã chỉ ra cơ chế hoạt động của hoạt chất alpha-ketoamide trong việc nuôi cấy tế bào và bày tỏ hy vọng rằng hoạt chất này có thể đạt hiệu quả qua đường hô hấp.

 

Ông Karagiannis cho biết thêm ông và các cộng sự sẽ tiếp tục thẩm định các loại thuốc mới kháng virus SARS-CoV-2 có nhiều triển vọng.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp