Nhiều nước châu Âu ghi nhận ngày có số ca nhiễm mới cao nhất

Thứ sáu - 09/10/2020 11:02
Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có dấu hiệu lây lan mạnh trở lại tại nhiều nước châu Âu như Nga, Ukraine, Bulgaria,... khi số ca nhiễm mới hằng ngày cao chưa từng thấy.

* Mỹ có thể tiêm vắcxin COVID-19 cho mọi người dân vào đầu năm 2021

 

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có dấu hiệu lây lan mạnh trở lại tại nhiều nước châu Âu như Nga, Ukraine, Bulgaria,... khi số ca nhiễm mới hằng ngày cao chưa từng thấy.

 

Nga ngày 9/10 ghi nhận có thêm 12.126 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nước này. Tính đến nay, Nga ghi nhận tổng cộng 1.272.238 ca mắc COVID-19 và 22.257 ca tử vong.

 

Cùng ngày, Ukraine ghi nhận 5.804 ca nhiễm mới, cao chưa từng thấy và vượt số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất trước đó là 5.397 ca ghi nhận ngày 8/10. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Ukraine ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất từ khi dịch bệnh bùng phát. Ukraine đã ghi nhận tổng cộng 250.538 ca mắc COVID-19, trong đó 4.779 ca tử vong. Diễn biến dịch bệnh hiện nay đã buộc Chính phủ nước này gia hạn các biện pháp phong tỏa cho đến cuối tháng 10.

 

Với 5.394 ca nhiễm mới ghi nhận trong 24 giờ qua, CH Czech cũng ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày liên tục tăng trong 3 ngày qua, trong bối cảnh quốc gia châu Âu này tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh lây lan. Bộ Y tế Czech ngày 9/10 cho biết đến nay nước này đã có tổng cộng 100.757 người mắc COVID-19 và 869 người tử vong do dịch bệnh này.

 

Tại Bulgaria, nước này cũng trải qua ngày thứ 3 có số ca mắc COVID-19 tăng liên tục. Trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Âu này ghi nhận 516 ca nhiễm mới, tăng so với 437 ca và 436 ca của hai ngày trước đó. Đây cũng là số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Bulgaria hồi tháng 3. Đến nay nước này đã ghi nhận tổng cộng 23.259 ca mắc COVID-19 với 880 ca tử vong. Tại thời điểm đỉnh dịch hồi tháng 7, Bulgaria ghi nhận số ca nhiễm mới hằng ngày cao nhất là 330 ca.

 

Ba Lan ngày 9/10 cũng ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất trong 24 giờ qua, 4.739 ca. Ba Lan thông báo từ ngày 10/10 thực hiện quy định đeo khẩu trang bắt buộc trên toàn quốc, tại tất cả các địa điểm công cộng cũng như các trung tâm, tòa nhà thương mại trên cả nước. Song song với quy định này, một số biện pháp khác như hạn chế giờ mở cửa các quán bar, nhà hàng, quán cafe. Riêng các sự kiện thể thao chỉ duy trì ở mức 25% công suất bình thường. Lễ cưới và các sự kiện gia đình cũng hạn chế tối đa số người ở mức 75 người.

 

Trước làn sóng dịch bệnh gia tăng, nhiều nước khác ở châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp cũng đã tăng cường biện pháp hạn chế đề phòng nguy cơ dịch bệnh lây lan mạnh. 

 

* Ngày 8/10, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azara cho biết sớm nhất là tháng 3/2021 quốc gia này có thể sẽ đủ vắcxin cho mỗi người dân.

 

Phát biểu tại sự kiện trực tuyến Goldman Sachs Healthcare, Bộ trưởng Azara cho biết chương trình phát triển vắcxin COVID-19 của Chính phủ Mỹ Operation Warp Speed hy vọng sẽ có tối đa 100 triệu liều vắcxin vào cuối năm nay.

 

Theo quan chức này, Mỹ đang sản xuất sáu loại vắcxin tiềm năng được chính phủ Mỹ tài trợ tại hơn 23 cơ sở sản xuất. Một số loại vắcxin của Mỹ đang trong các thử nghiệm giai đoạn cuối trong đó có các sản phẩm của Moderna, Pfizer, AstraZeneca và Johnson & Johnson.

 

Nền kinh tế số một thế giới là Mỹ không tham gia cơ chế tiếp cận toàn cầu vắcxin COVID-19 (COVAX) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vì cho rằng cách WHO dẫn dắt cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 chưa hợp lý.

 

Tính đến trưa 9/10 (theo giờ Việt Nam) thế giới đã ghi nhận tổng cộng hơn 36,75 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 1.066.860 ca tử vong.

 

Dịch bệnh phức tạp khiến việc tìm ra những loại vắcxin phòng bệnh và làm sao để phân phối công bằng loại "vũ khí" chống dịch tiềm năng này càng được quan tâm.

 

Ngày 8/10, Trung Quốc đã ký kết thỏa thuận tham gia Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắcxin COVID-19 (COVAX) của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong khi Nhật Bản cũng cam kết sẽ đóng góp hơn 130 triệu USD để hỗ trợ cung cấp vắcxin dịch cho các nước đang phát triển.

 

Như vậy, tới nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn nhất tham gia chương trình đảm bảo đưa vắcxin tới các quốc gia nghèo hơn ngay khi được tìm ra để xua tan những lo ngại rằng các quốc gia giàu có sẽ nhanh tay hơn trong kiểm soát phân phối loại dược phẩm có vai trò "xoay chuyển cục diện" này.

 

Theo thỏa thuận, Trung Quốc sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực toàn cầu nhằm chia sẻ vắcxin cho các quốc gia kém phát triển hơn.

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oanh cho biết Bắc Kinh tham gia COVAX theo đúng cam kết sử dụng vắcxin COVID-19 vì mục đích cộng đồng tốt đẹp. Tuy nhiên, bà không nêu chi tiết số tiền Trung Quốc sẽ đóng góp theo thỏa thuận.

 

Trước đó, quốc gia này đăt mục tiêu gây quỹ 2 tỉ USD và hướng tới cung cấp vắcxin COVID-19 cho 92 quốc gia thu nhập thấp và trung bình. Bà Hoa Xuân Oánh cũng cho biết các loại vắcxin của Trung Quốc sẽ được ưu tiên cung cấp cho các quốc gia đang phát triển.

 

L.H (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp