Núi Cấm - truyện ngắn của TRẦN QUỐC CƯỠNG

Thứ bảy - 20/05/2023 23:06
Thắng đến bên tôi hỏi nhỏ: “Ông nghe gì chưa?”. Tôi xốc lại ba lô chuẩn bị ra sân ga vào Sài Gòn, không mặn mà với thông tin úp mở của bạn: “Chuyện gì nói nhanh lên chứ tàu đến rồi!”. Gã thẽ thọt: “Có một đạo cô và một con khỉ đuôi đỏ đến chiếm lĩnh núi Cấm.

1 Thắng đến bên tôi hỏi nhỏ: “Ông nghe gì chưa?”. Tôi xốc lại ba lô chuẩn bị ra sân ga vào Sài Gòn, không mặn mà với thông tin úp mở của bạn: “Chuyện gì nói nhanh lên chứ tàu đến rồi!”. Gã thẽ thọt: “Có một đạo cô và một con khỉ đuôi đỏ đến chiếm lĩnh núi Cấm. Nghe nói cô này có gương mặt đẹp như nghệ sĩ cải lương Thanh Nga. Hôm nào ông về, tôi và ông leo núi một chuyến nhé”. Tôi hứa đại để cắt đuôi gã nhiều chuyện: “Ông đợi đấy. Tôi về là đến với ông ngay”. Tiếng còi tàu vang lên chói tai. Tôi vẫy tay chào bạn rồi xắng xải đi về phía toa số 3. Lúc chuẩn bị bước lên tàu, tôi kịp thấy Thắng nhớn nhác tìm người thân ở sân ga.

 

Thời còn thanh niên, tôi từng lên núi Cấm hái củi. Đó là ngọn núi như có bàn tay sắp đặt của con người. Một phiến đá phẳng lỳ rộng vài chục mét vuông, tạo thế vững chãi cho một khối đá hình trụ chềnh ềnh, dựng đứng ở giữa, phía trên cùng là một tảng đá nhỏ nằm gọn một bên, đứng xa nhìn lại giống như mẹ bồng con. Gần đấy là bãi cát trắng phau phau vuông vức như chiếc chiếu khổng lồ trải ra một khoảnh đất trống hiếm hoi. Đường lên núi Cấm quanh co như rắn bò. Dọc hai bên đường có nhiều loại hoa rừng màu trắng, vàng, tím, đỏ ngát hương khiến người ta có cảm giác như lạc vào cõi thần tiên. Cuối đông và đầu xuân, núi Cấm thường xuyên có sương mù. Tương truyền đây là thời khắc các tiên nữ giáng trần tắm suối, ngoạn cảnh. Để giữ cho các nàng tiên hưởng thụ cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, mang lại mưa thuận gió hòa cho nhân gian, từ thuở xa xưa, nhà vua đã cấm mọi người lên núi. Và cái tên núi Cấm ra đời từ đó. Núi Cấm với hoa thơm cỏ lạ, nơi các loài chim quý tụ về sinh sản và còn có giống khỉ lông trắng (bạch mao hầu) thoắt ẩn thoắt hiện trên những cành cây. Chúng khọt khẹt khi nghe tiếng chân người.

 

Ngày trước, tôi và lũ bạn thường lên núi Cấm, sau khi hái xong củi khô xếp thành bó, xuống suối uống nước đã đời rồi trèo lên bàn thạch (tảng đá bằng phẳng) nằm nghỉ. Có khi cả bọn hái trái đỏ sặc, gọi là đỏ nhưng trái màu vàng cam bằng ngón tay út vỏ dày vừa ngọt, vừa chua ăn đê mê đầu lưỡi. Có đứa khoái khẩu với trái khế núi ngọt mát. Chúng hái nhét đầy ứ trong túi áo, túi quần đem về nhà làm quà cho các em nhỏ.

 

Chúng tôi lớn lên. Kỷ niệm về núi Cấm cũng lớn lên đầy ắp theo năm tháng. Nam nữ yêu nhau chỉ tay lên núi Cấm mà thề hẹn thủy chung. Phụ nữ có chồng đi làm xa lâu ngày chưa về nhìn lên núi Cấm nguyện cầu bình an. Còn tôi, những ngày trời trong xanh có áng mây như túi bông trắng xóa đậu trên chóp núi là đứng nhìn không biết mỏi. Tôi yêu mùa xuân khi trời bắt đầu mở mắt sương đã giăng lãng đãng trên sườn núi. Khi đoàn người và trâu bò ra đồng chấp chới trong màn sương huyền hoặc, có tiếng ọ ẹ của bê con chạy lỏng chỏng theo bò mẹ biểu hiện sự thích thú đáng yêu.

 

Con tàu xình xịch lao nhanh về phía trước, thi thoảng bánh tàu va vào đường ray nghe rào rạo, ken két, lạc lõng. Cô bé nằm trên chiếc giường tầng trên phía bên kia dán mắt vào chiếc điện thoại cảm ứng bàn tay lướt Facebook nhoay nhoáy. Bên ngoài có lẽ trời bắt đầu sụp tối.

 

2 Tôi về nhà buổi sáng thì buổi chiều Thắng đến chơi. Gã cười, nói rổn rảng từ ngoài sân: “Ông Huy đâu rồi? Ra đón khách quý mang đến cho ông điều tốt lành đây này”. Tôi vơ chiếc quần dài mặc vội cho phải phép, cười khùng khục: “Có cần hăm mốt phát đại bác chào mừng không nhỉ?”. Thắng cầm dứ dứ trước mặt tôi bì cá ngừ đại dương đỏ ưng ửng: “Tôi tặng ông món khoái khẩu nhất nè!”. Tôi đón lấy bì cá còn lạnh ngắt, chắc là Thắng lấy cá từ ngăn đá tủ lạnh rồi dong thẳng đến nhà tôi. “Cảm ơn ông bạn thảo ăn. Trên đường về, tôi mua tặng ông cái Zippo mà ông từng ao ước nè. Hì hì!”. Gã cầm cái bật lửa trên tay mừng như bắt được vàng: “Ông làm tôi bất ngờ quá”. Tôi gọi vợ: “Em làm món cá ngừ đại dương cho anh và Thắng uống rượu mừng cái bật lửa Zippo”. Nàng cười híp mắt: “Anh đi Sài Gòn có năm hôm mà anh Thắng gọi hỏi thăm anh về chưa những bảy lần. Hi hi!”.

 

Vừa chén tạc chén thù, Thắng khơi mào chuyện cũ: “Tôi đã mục sở thị đạo cô giống hệt nghệ sĩ Thanh Nga rồi đó ông. Cô nàng đi tu chi mà còn để tóc bó gọn trong chiếc mũ len, đi mua cá ở chợ xổm nữa mới lạ”. Tôi rót rượu cho Thắng: “Chuyện thời nay ma quỷ trà trộn, ông hơi đâu tin ba cái vụ tầm phào”. Thắng cười hềnh hệch: “Cái chính là đạo cô này còn trẻ đẹp, lên núi che lều bạt tu hành một mình gây sốc cho thiên hạ”. Tôi vỗ vai Thắng, nói thật chậm từng âm tiết: “Cô nàng gây tiếng thị phi chứ gây sốc cái nỗi gì. Biết đâu cô ta dụ cánh đàn ông để bòn rút tiền thì sao?!”. Thắng cười sùng sục: “Dụ khỉ trên núi Cấm thì có!”.

 

Theo tôi biết, ngày xưa núi Cấm đã có người tu hành. Đó là thầy Hai Khâu khai sinh ra đạo phái Vô Vi. Ông từng dùng nước suối Tiên hằng ngày chứ không dùng trà mọc trên núi dẫu rất thơm ngon. Ngày hai bữa, thầy Hai Khâu ăn hoa quả trừ cơm. Đạo Vô Vi buộc đàn ông để tóc dài búi tròn sau gáy như trái cam sành. Thầy Hai Khâu mặc “long bào”. Vợ thầy mặc cổ trang như hoàng hậu. Đến ngày lễ, “vua” Hai Khâu và “hoàng hậu” (vợ Hai Khâu) ngồi chễm chệ trên kiệu cho “quân sĩ” mặc đồng phục màu trắng, dùng dây vải thắt lưng màu đỏ, mang giày cỏ là người của bổn đạo khiêng đi quanh làng. Cờ bay phấp phới, trống gõ đùng đình, kèn kêu tí te, phèng la inh ỏi trên đường đi khiến mọi người tham gia giao thông phải dừng lại nhìn, cười cợt. Lũ trẻ con thì chạy theo sau reo hò, thích thú. Đặc biệt, những gia đình theo đạo Vô Vi ngầm giao kết bất thành văn với nhau người trong đạo lấy nhau làm vợ, làm chồng thế hệ này sang thế hệ khác. Có những chàng trai, cô gái lỡ yêu người ngoại đạo phải trốn khỏi địa phương tìm nơi chung sống. Thế rồi núi Cấm vắng bóng thầy Hai Khâu, đạo Vô Vi tự biến mất như quy luật muôn đời hợp rồi tan.

 

3 Thắng rủ rê quá, tôi nể tình bạn leo núi Cấm một chuyến để xem đạo cô tu tập thế nào. Vả lại lâu lắm rồi tôi chưa lên núi Cấm. Tôi muốn tìm lại cảm xúc thời trai trẻ. Gửi xe máy ở nhà một người quen, tôi lặng lẽ bước về phía chân núi. Chao ôi! Núi Cấm bây giờ đẹp hơn xưa rất nhiều. Cây cối xanh tươi, điệp trùng. Có những tán lá điểm hoa đỏ, tím, vàng… tạo nên nét chấm phá kỳ ảo. Trên chóp núi mây vờn. Những áng mây ngũ sắc. Ngọn gió chiều lả lơi, phóng túng giúp tôi nhẹ nhõm. Các loại chim tranh nhau gọi bạn tình. Tiếng suối róc rách. Chợt có tiếng hú lanh lảnh của loài vượn xen lẫn tiếng gọi gấp gáp của Thắng: “Huy ơi!... ơi… ơi!!! Chờ tôi với!... với… với…!!!”. Tiếng vọng dội ra từ vách đá rồi quật ngược trở lại như tiếng loa nhái. Tôi đoán Thắng đã lên đến con dốc thứ hai là ít. Tôi rướn cổ, khản giọng: “Tôi… tôi… tôi… đang… đang… đang… đứng… đứng… đứng… chờ… chờ… chờ!!!”.

 

Chúng tôi quyết tâm chinh phục núi Cấm mặc kệ cho mồ hôi chảy ròng ròng, miệng thở hồng hộc. Cả hai mệt lử cùng dừng lại, ngước đầu nhìn lên chóp núi. Thắng chợt reo lên: “Kia rồi, lều bạt của đạo cô!”. Tôi thấy nụ cười, gương mặt Thắng thật ngộ nghĩnh. Ai rồi cũng có khoảnh khắc hồn nhiên như đứa trẻ. Tôi quan sát kỹ, dường như không chỉ có một người đang ở trong lều bạt. Tiếng cười nói vọng ra thậm chí là của nhiều người. Thắng cũng có cảm nhận như tôi. Anh chàng dỏng tai, miệng há hốc: “Sao lại thế này nhỉ? Làm sao có chuyện đạo cô ở với nhiều người?”. Tôi bật cười khanh khách: “Ông nghe chuyện Khổng Tử và Nhan Hồi chưa? Thấy vậy nhưng không phải là vậy!”.

 

Cuối cùng rồi tôi và Thắng cũng leo lên đến bàn thạch. Có thể tạm gọi đây là mặt bằng chân đế của cụm đá có hình dáng mẹ bồng con. Bỗng dưng từ trong lều bạt có người nhô ra ngoài. Thắng kêu lên: “Đạo cô! Đạo cô!”. Người phụ nữ khựng lại khi phát hiện ra sự có mặt của chúng tôi. Cô ấy mặc váy ngắn, tóc phủ vai, quay mặt về phía lều bạt như đang nói chuyện với ai đó. Tôi phăm phăm tiến tới. Thắng theo sau với bước chân thăm dò. Lúc bấy giờ người phụ nữ đã quay mặt về phía chúng tôi. Cô ấy nhìn tôi trừng trừng rồi thảng thốt: “Anh Huy! Nhà báo Quốc Huy đúng không?”. Tôi vui sướng kêu lên: “Chao ôi, Ánh Tuyết! Em làm gì ở đây? Còn ai tu trên núi này?”. Ánh Tuyết nhìn tôi, cười ngặt nghẽo: “Em mà đi tu ư? Anh nhìn em có ra vẻ sư cô không? Nhà báo viết đi! Viết một bài về doanh nhân Lê Ánh Tuyết thất tình lên núi tu hành! Ha ha!”. Tôi quay sang nhìn Thắng, lắc đầu. Ánh Tuyết điềm tĩnh trở lại: “Em và mấy người ở công ty đi khảo sát núi Cấm để ký kết hợp đồng với địa phương mở điểm du lịch sinh thái. Anh dạo này đi đâu mất vậy? Trông anh trẻ, khỏe hơn trước đấy!”. Tôi trót lỡ lời nên tìm cách chống chế: “Em biết không, núi Cấm này ngày xưa có người đến tu hành thật đấy. Giờ đẹp không tưởng. Em tìm điểm du lịch sinh thái đúng chỗ rồi”.

 

Câu chuyện còn đang rôm rả thì mọi người trong lều bạt kéo ra. Đúng là họ có mang theo con khỉ nhưng con khỉ đỏ đuôi như Thắng nói thì chỉ có trong rừng nhiệt đới Amazon…

Nguồn tin: baophuyen.vn

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp