Những người mang trái tim “ra trận”

Thứ hai - 20/09/2021 07:58
“Ra trận”, họ toàn tâm toàn ý cho công việc hết sức đặc thù. Những buồn vui, hy sinh âm thầm và cả những giọt nước mắt, chỉ người trong cuộc mới hiểu.

“Ra trận”, họ toàn tâm toàn ý cho công việc hết sức đặc thù. Những buồn vui, hy sinh âm thầm và cả những giọt nước mắt, chỉ người trong cuộc mới hiểu.

 

Một ngày cuối tháng 6/2021, Nguyễn Thị Thu Hà, cử nhân sinh học làm việc tại Phòng xét nghiệm (Khoa Xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh, Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa) ra An Phú để lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Cô không hề biết rằng thời điểm đó, Bệnh viện Dã chiến TX Đông Hòa với quy mô 100 giường, thực kê 150 giường, đã không còn chỗ để tiếp tục thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 và các ca bệnh nghi ngờ; Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa sẽ trở thành nơi chăm sóc và điều trị F0.

 

Gần 3 tháng làm nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến

 

Thu Hà nhớ lại: “Chúng tôi thường đi lấy mẫu từ sáng đến tối. Hôm đó ra An Phú, điện thoại hết pin. Về tới nhà, tôi đang sạc pin thì sếp gọi: “Hà ơi, chuẩn bị đồ đạc vô bệnh viện dã chiến nghen”. Sếp dặn nhớ đem theo quần áo, đồ dùng cá nhân. Tôi “dạ”, xách valy đi, và ở lại bệnh viện từ đó đến nay”.

 

“Đó” là mốc thời gian mà Thu Hà và các đồng nghiệp của cô ở Bệnh viện Dã chiến TP Tuy Hòa không thể nào quên: Ngày 29/6. Thấm thoắt, đã gần 3 tháng.

 

Điều dưỡng Nguyễn Thị Mỹ Cẩm, một “bà mẹ bỉm sữa” làm việc tại Khoa Cấp cứu - Nội - Nhi - Nhiễm thuộc Trung tâm Y tế TP Tuy Hòa, gia nhập đội ngũ điều trị F0 theo cách khác. Cô cho biết: “Trước đó, trong ca trực, tôi tiếp xúc với 2 F0. Xét nghiệm có kết quả âm tính rồi, tôi tình nguyện làm việc cùng các anh chị tại bệnh viện dã chiến. Cứ nghĩ đi khoảng một tháng rồi về, ai ngờ dịch bùng phát mạnh, tôi và các anh chị ở lại bệnh viện cho đến giờ”.

 

Đến ca trực, Mỹ Cẩm có nhiệm vụ tiếp nhận bệnh nhân, phát cơm, phát thuốc cho họ và tham gia cấp cứu nếu có trường hợp cần cấp cứu. COVID-19 có thể chuyển từ nhẹ sang nặng rất nhanh, vì vậy bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ. Tại các bệnh viện, những người tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 nhiều nhất chính là điều dưỡng.

 

Thu Hà và một đồng nghiệp khác có nhiệm vụ lấy mẫu bệnh phẩm của F0 để xét nghiệm. Cô nói, ngoài công việc được giao, nhân viên y tế thường xuyên thăm hỏi, động viên bệnh nhân. “Mình mặc đồ phòng hộ đầy đủ nên không lo lắng, không xa lánh người bệnh. Vào bệnh viện, F0 chỉ có một mình. Nhiều người hoang mang, căng thẳng, tâm ký bất ổn. Bác sĩ phụ trách bệnh viện dã chiến gọi điện động viên họ. Chúng tôi cũng thường xuyên thăm hỏi bệnh nhân. Lấy mẫu xong thì mình trò chuyện, động viên để bệnh nhân bớt lo lắng, yên tâm điều trị”, Thu Hà chia sẻ.

 

Ngày nối ngày, đêm tiếp đêm, công việc cuốn các “chiến sĩ áo trắng” vào “trận chiến” mới. F0 vào Bệnh viện Dã chiến TP Tuy Hòa tăng nhanh, vượt qua con số 200. Làm việc trong môi trường đặc biệt, trang phục phòng hộ kín bưng, nóng bức, mồ hôi tuôn như tắm, nhân viên y tế bị mất nước, đuối sức. Và đã có những lúc, họ lặng người. Một bà cụ bị té gãy xương, sau đó nhiễm SARS-CoV-2, buổi sáng vẫn bình thường, buổi chiều khó thở. Nhanh chóng chụp X-quang phổi, nhanh chóng hội chẩn và chuyển viện. Hai ngày sau nghe tin bệnh nhân đã trút hơi thở cuối cùng. Một em bé bị thiểu năng trí tuệ, ngày hôm trước vẫn bình thường, hôm sau sốt cao, co giật…, lập tức cho chuyển viện; cha đứa trẻ cũng đi theo để chăm sóc con. Mấy ngày sau, cha đứa trẻ trở về bệnh viện dã chiến, rưng rưng nói thằng bé “đi” rồi. Nơi này không điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng nhưng các “chiến sĩ áo trắng” biết SARS-CoV-2 đáng sợ như thế nào, khi virus tấn công hai lá phổi. Vì vậy, khi những bệnh nhân đầu tiên xuất viện, họ vui không kể xiết. “Tôi xin sếp cho đổi ca trực sáng hôm đó để chứng kiến hình ảnh các bệnh nhân đầu tiên ra viện. Vừa mừng cho bà con, vừa mừng cho bệnh viện”, Thu Hà nói.

 

Con trai chị Thu Hà rơi nước mắt mỗi lần gọi điện cho mẹ. Ảnh: T.L

 

“Mẹ ơi, chừng nào mẹ về?”

 

Khi Mỹ Cẩm tình nguyện vào bệnh viện dã chiến, con đầu lòng của cô mới 16 tháng tuổi. Đứa trẻ được cha và ông bà ngoại trông nom. “Ra trực, tôi gọi video về nhà. Em bé còn nhỏ, mới bập bẹ gọi “ba”, “mẹ”. Con cũng dễ nên tôi yên tâm làm việc”, Mỹ Cẩm kể.

 

Thu Hà có hai con, gởi ở nhà ngoại vì trước khi dịch bệnh bùng phát, vợ chồng cô đều bận bịu, đi suốt. Cô nhóc 6 tuổi sống với ngoại từ nhỏ nên dễ thích nghi khi vắng mẹ dài ngày, còn cậu con trai học lớp 3 vốn gắn bó với mẹ nên rất nhớ. Trong hơn một tháng kể từ khi mẹ vào bệnh viện dã chiến, đêm nào trước khi đi ngủ cậu bé cũng khóc, ông bà ngoại dỗ không được, bèn lấy cái áo của mẹ lồng vào gối cho cậu bé ôm… Đêm nọ, cậu nhóc lén lấy điện thoại của ngoại, trốn vô phòng, gọi mẹ. Vừa nhìn thấy mẹ trên màn hình, nước mắt thằng bé lăn dài: “Mẹ ơi, chừng nào mẹ về? Con không cần đồ chơi nữa, con chỉ cần mẹ về với con”.

 

Ngày nọ, trên đường đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên gửi mẫu xét nghiệm, Thu Hà nhờ lái xe đi ngang qua nhà, chuyển cho cha cô giấy tờ cần thiết. Từ trong nhà, thằng bé thấy chiếc xe dừng trước cổng. Cửa sổ trên xe không đóng, thằng bé nhìn thấy mẹ, bước thấp bước cao chạy ra kêu mẹ ơi mẹ hỡi. Ngoại ngăn lại, thằng bé khóc nức nở. Xe lăn bánh, nước mắt của Thu Hà cũng rơi theo…

 

Vợ chồng cùng “ra trận”

 

Trong công cuộc phòng chống dịch, có những đôi vợ chồng cùng làm việc trong ngành Y và cùng “ra trận”, như cử nhân hộ sinh Nguyễn Thị Sim (Khoa Ngoại tổng hợp - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Tuy An) và chồng Lê Minh Thi, cán bộ Phòng Dân số - Y tế cơ sở thuộc Trung tâm Y tế huyện. Chị Sim nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến huyện Tuy An trong một tháng, chồng tham gia truy vết; hai con ở nhà bảo ban nhau, đứa lớn chăm sóc đứa nhỏ. Trong thời gian làm việc tại bệnh viện dã chiến, chị Sim cùng ê kíp đỡ đẻ cho một thai phụ F0. Đây là ca đẻ chỉ huy, thai đã 39 tuần; thai phụ có triệu chứng ho, tức ngực, khó thở. Đơn vị đã sẵn sàng cho tình huống đẻ chỉ huy thất bại thì tiến hành mổ lấy thai. Song, với sự cố gắng của ê kíp và nỗ lực của thai phụ, ca “vượt cạn” thành công, mẹ tròn con vuông.

 

Hoàn thành nhiệm vụ tại bệnh viện dã chiến, kết thúc 14 ngày cách ly, chị Sim về nhà cha mẹ ở phường 9 (TP Tuy Hòa), quỳ trước bàn thờ cha mình. Trước khi nhận nhiệm vụ mới vào ngày 9/7, chị đã về Tuy Hòa thăm cha mẹ già. Có ngờ đâu đó là lần cuối cùng chị được gặp cha. Người cha tuổi cao sức yếu của chị đã trút hơi thở cuối cùng, khi con gái tất bật chăm sóc bệnh nhân COVID-19 ở bệnh viện dã chiến.

 

Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa cũng có đôi vợ chồng cùng “ra trận”. Chồng - bác sĩ Huỳnh Tấn Việt, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh tật, điều hành đội truy vết và tham gia truy vết; vợ - bác sĩ Hồ Thị Nhã Trân, Phó trưởng Khoa Ngoại tổng hợp - Chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm việc tại bệnh viện dã chiến, hoàn thành nhiệm vụ vào cuối tháng 8 vừa qua. “Đúng là vất vả nhưng “chống dịch như chống giặc”, là cán bộ y tế thì mình phải gương mẫu đi đầu”, bác sĩ Việt nói. Trước khi “ra trận”, vợ chồng bác sĩ Việt chuẩn bị nhu yếu phẩm cho hai con ở nhà; đứa lớn bảo ban đứa nhỏ. Sau khi hoàn thành công việc truy vết, anh tạt qua nhà, lo cho các con, gọi điện động viên vợ yên tâm công tác, “hậu phương” ở ngoài lo được mọi việc. “Vất vả nhưng tự hào vì được phục vụ”, bác sĩ Việt nói rất giản dị. 

 

Trong “cuộc chiến” chống COVID-19, nhân viên y tế cũng như các lực lượng khác trên tuyến đầu đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Vợ, chồng, con, cha mẹ họ cũng có những hy sinh thầm lặng, là chỗ dựa rất lớn để nhân viên y tế và những lực lượng khác trên tuyến đầu yên tâm công tác. Có được kết quả phòng, chống dịch như ngày hôm nay có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia đóng góp của toàn dân, của những người trên tuyến đầu và cả những người ở “hậu phương”.

 

BSCKII Nguyễn Thị Mộng Ngọc, Giám đốc Sở Y tế,

Phó Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh

 

PHƯƠNG TRÀ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp