Phát hiện sớm để “sửa chữa” những trái tim bị dị tật

Thứ hai - 02/11/2020 04:12
Được sinh ra với trái tim bị “lỗi” trong cấu trúc, những đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không thể sinh hoạt, vui chơi như bạn bè, cho dù có thể sống đến tuổi trưởng thành. Dị tật tim bẩm sinh gặp ở khoảng 1% trẻ sơ sinh.

Được sinh ra với trái tim bị “lỗi” trong cấu trúc, những đứa trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh không thể sinh hoạt, vui chơi như bạn bè, cho dù có thể sống đến tuổi trưởng thành. Dị tật tim bẩm sinh gặp ở khoảng 1% trẻ sơ sinh.

 

Báo Phú Yên đã phỏng vấn ThS.BS Cao Đằng Khang, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh về tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh, tránh tình trạng tim bị tổn thương quá lâu dẫn đến suy tim hoặc các biến chứng nguy hiểm khác.

 

* Thưa bác sĩ, trong những lần đến các địa phương khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em, bác sĩ thường gặp những dị tật tim bẩm sinh nào?

 

- “Trái tim cho em” là chương trình từ thiện do Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) phối hợp với Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam thực hiện, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã có nhiều đợt khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em ở nhiều địa phương. Năm nay là năm đầu tiên chương trình này được tiến hành tại Phú Yên. Được thông báo rộng rãi, nhiều gia đình đã đưa con đến khám. Bệnh tim bẩm sinh thường gặp như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, tứ chứng Fallot... chiếm số lượng lớn trong lần khám này.

 

* Ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, trẻ em rất ít có cơ hội được khám sàng lọc bệnh tim bẩm sinh cho đến khi bệnh diễn tiến nặng. Bác sĩ có thể cho biết một số dấu hiệu cảnh báo bệnh tim bẩm sinh?

 

- Bệnh tim bẩm sinh nên được chẩn đoán ban đầu tại hệ thống y tế địa phương. Nhưng thực tế hiện nay, Việt Nam vẫn còn thiếu bác sĩ chuyên khoa Tim mạch, đặc biệt là bác sĩ Tim mạch nhi, cho nên có những trường hợp mắc bệnh tim bẩm sinh được phát hiện trễ dẫn đến chậm trễ trong điều trị, dù tình trạng này đã giảm rất nhiều so với trước đây.

 

Có một số dấu hiệu nghi ngờ em bé mắc bệnh tim bẩm sinh như viêm phổi, ho, khó thở, tái đi tái lại nhiều lần, trẻ xanh xao, suy dinh dưỡng, không tăng cân như biểu đồ tăng trưởng bình thường, chậm phát triển như chậm mọc răng, biết lật, biết bò trễ... Ngoài ra còn có những dấu hiệu rõ ràng hơn như bị tím ở môi và tay chân; chỉ cần vận động một chút thì em bé khó thở, tim đập nhanh; kể cả khi bú, em bé cũng mệt, phải ngừng lại để thở… Một số dị tật khác cũng thường có bệnh tim bẩm sinh đi kèm: hội chứng Down, dị hình đầu, mặt, sứt môi - chẻ vòm... Đó là những dấu hiệu cảnh báo và cha mẹ phải đưa bé đi khám càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp khác, bệnh tim bẩm sinh có thể không có biểu hiện gì đáng kể, chỉ tình cờ phát hiện khi đi khám vì một lý do khác.

 

* Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tim bẩm sinh có ý nghĩa như thế nào đối với chất lượng cuộc sống của đứa trẻ, thưa bác sĩ?

 

- Nếu phát hiện sớm bệnh tim bẩm sinh, sau khi hoàn tất toàn bộ quá trình chẩn đoán, các bác sĩ chuyên khoa sẽ tư vấn cho gia đình hướng điều trị và quyết định thời điểm phẫu thuật hoặc can thiệp sớm, tránh tình trạng tim bị tổn thương quá lâu dẫn đến suy tim hoặc các biến chứng khác. Điều này có thể thay đổi hẳn cả tương lai của trẻ.

 

* Những dị tật liên quan đến cấu trúc của tim có thể được phát hiện sớm, trong quá trình mang thai hay không?

 

- Hiện tại, Việt Nam đã phát triển kỹ thuật chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh trong thời kỳ mang thai tại các đơn vị y tế ở các thành phố lớn. Hy vọng trong tương lai gần, kỹ thuật đó sẽ được thực hiện tại các địa phương. Nếu chẩn đoán sớm thai nhi mắc bệnh tim bẩm sinh, chúng ta có thể tư vấn cho cha mẹ sớm và có kế hoạch chuẩn bị cho đứa bé ra đời, chuẩn bị những phương án cần thiết. Như vậy, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn.

 

* Những yếu tố nguy cơ nào có thể dẫn đến bệnh tim bẩm sinh, thưa bác sĩ?

 

- Nguyên nhân gây bệnh tim bẩm sinh vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng trong nhiều trường hợp. Người ta tìm thấy một số yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ bé bị bệnh tim bẩm sinh, ví dụ như trong lúc mang thai, người mẹ có tiếp xúc với một số hóa chất, tia phóng xạ, rượu, thuốc an thần, nội tiết tố hoặc bị nhiễm virus quai bị, Rubella, Herpes... Yếu tố di truyền: trong gia đình, nếu bố hoặc mẹ, hoặc anh chị mắc bệnh tim bẩm sinh thì đứa bé có nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh cao hơn. Bất thường về nhiễm sắc thể: số 13, 18, hội chứng Down (nhiễm sắc thể số 21), số 22, nhiễm sắc thể giới tính thì nguy cơ mắc bệnh tim bẩm sinh là cao. Tuy nhiên, nhiều trường hợp không có một yếu tố nguy cơ nào trong số các yếu tố nguy cơ kể trên nhưng vẫn mắc bệnh tim bẩm sinh.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

Một số dấu hiệu nghi ngờ em bé mắc bệnh tim bẩm sinh như ho, khó thở, viêm phổi tái đi tái lại nhiều lần, trẻ xanh xao, suy dinh dưỡng, không tăng cân như biểu đồ tăng trưởng bình thường, chậm phát triển như chậm mọc răng, biết lật, biết bò trễ... Ngoài ra còn có những dấu hiệu rõ ràng hơn như bị tím ở môi và tay chân; chỉ cần vận động một chút thì em bé khó thở, tim đập nhanh; kể cả khi bú, em bé cũng mệt, phải ngừng lại để thở… Một số dị tật khác cũng thường có bệnh tim bẩm sinh đi kèm: hội chứng Down, dị hình đầu, mặt, sứt môi - chẻ vòm... Đó là những dấu hiệu cảnh báo và cha mẹ phải đưa bé đi khám càng sớm càng tốt.

 

ThS.BS Cao Đằng Khang, Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp