“Phòng thủ” nhiều vòng, đảm bảo an toàn truyền máu

Thứ hai - 15/07/2019 02:08
Truyền máu rất quan trọng, là một trong những tiến bộ lớn, góp phần thúc đẩy ngành ngoại khoa phát triển. Tuy nhiên truyền máu chỉ đạt hiệu quả khi an toàn.
“Phòng thủ” nhiều vòng, đảm bảo an toàn truyền máu

Truyền máu rất quan trọng, là một trong những tiến bộ lớn, góp phần thúc đẩy ngành ngoại khoa phát triển. Tuy nhiên truyền máu chỉ đạt hiệu quả khi an toàn. Báo Phú Yên đã trao đổi với ông Phạm Tuấn Dương, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, phụ trách Trung tâm Máu quốc gia về an toàn truyền máu. Ông Dương cho biết:

 

- An toàn truyền máu là một quy trình khép kín gồm nhiều giai đoạn, từ việc tuyển chọn người hiến máu, khám lâm sàng, làm các xét nghiệm sàng lọc, thu thập máu, sản xuất các chế phẩm máu, lưu trữ, phân phối máu… đến chỉ định truyền máu và thực hành truyền máu trên lâm sàng.

 

Để đảm bảo an toàn truyền máu, đầu tiên là phải có đủ lượng máu trong kho. Với sự hỗ trợ của lãnh đạo các địa phương, đơn vị, phong trào hiến máu tình nguyện phát triển mạnh trong nhiều năm qua, số lượng máu đã tăng lên rất nhanh, chất lượng cũng có sự cải thiện, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề cần được quan tâm.

 

Đảm bảo an toàn truyền máu thì phải có nhiều khâu, nhiều lớp, kiểu như phòng thủ thì phải có vòng trong, vòng ngoài. Vòng đầu tiên chính là vận động hiến máu, với sự tham gia của những người thật sự tình nguyện, hiến máu vì cảm thương người bệnh, hoàn toàn không có động cơ hay sức ép nào cả.

 

Người từng hiến máu có thể hiến máu nhiều lần, mỗi lần hiến máu thật sự là một lần kiểm tra sức khỏe, xem thử có đủ sức khỏe để hiến máu không, và kiểm tra máu qua các xét nghiệm. Các xét nghiệm này có độ nhạy nhất định chứ không tuyệt đối.

 

Có thể trong lần xét nghiệm máu này, bệnh lây truyền qua đường máu mà người đó mắc phải còn trong giai đoạn “cửa sổ”, nhưng đến lần xét nghiệm máu sau thì đã qua giai đoạn “cửa sổ” rồi. Do vậy, những người hiến máu nhiều lần có độ an toàn rất cao.

 

Theo Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, để đảm bảo an toàn truyền máu, cần phải tìm ra các tác nhân lây qua đường truyền máu. Trước đây, trên thế giới dùng các xét nghiệm huyết thanh học để phát hiện kháng thể viêm gan C, HIV và kháng nguyên viêm gan B…, hiện nay thì dùng kỹ thuật xét nghiệm sinh học phân tử để phát hiện yếu tố di truyền (ADN hoặc ARN) của vi rút viêm gan B, viêm gan C, HIV. Xét nghiệm sinh học phân tử có độ chính xác, độ nhạy cao, rút ngắn giai đoạn “cửa sổ”, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất sự lây lan của các vi rút qua đường truyền máu. Đây là kỹ thuật xét nghiệm sàng lọc máu tiên tiến nhất được thế giới áp dụng.

Trước khi tiếp nhận máu, nhân viên y tế khai thác tiền sử bệnh của người hiến máu, sau đó kiểm tra bằng test nhanh viêm gan B, sẽ loại trừ đáng kể. Đấy là vòng ngoài, trước khi lấy máu. Vòng trong là các xét nghiệm. Sau khi lấy máu, máu sẽ được xét nghiệm huyết thanh học, có độ chính xác cao hơn.

 

Tuy nhiên, đối với những trường hợp nằm trong giai đoạn “cửa sổ”, lượng vi rút còn quá nhỏ, để phát hiện được thì phải làm tiếp xét nghiệm thứ ba là xét nghiệm sinh học phân tử. Kỹ thuật này sẽ giúp phát hiện khoảng 1/1.000 trường hợp viêm gan B, còn đối với HIV, viêm gan C thì giúp phát hiện khoảng 1/10.000, 1/100.000.

 

Năm 2018, xét nghiệm sinh học phân tử 1,3 triệu đơn vị máu, chúng tôi phát hiện được 10 trường hợp nhiễm HIV. Con số này thực sự rất quý. Bệnh nhân vào bệnh viện điều trị, mong chóng khỏi bệnh, nếu truyền máu vào lại nhiễm bệnh thì thật sự rất ân hận.

 

* Thưa ông, hiện có bao nhiêu cơ sở tiếp nhận máu thực hiện được xét nghiệm sinh học phân tử?

 

- Từ năm 2015, kỹ thuật này được triển khai ở một số cơ sở tiếp nhận máu tại các tỉnh, thành phố lớn và từ ngày 1/1/2018 thì triển khai trên toàn bộ các cơ sở tiếp nhận máu trong cả nước. Tuy nhiên, do có những khó khăn nên không phải nơi nào cũng thực hiện được kỹ thuật này. Xét nghiệm sinh học phân tử đòi hỏi về nhân lực, kỹ thuật và khá tốn kém.

 

Đến cuối năm 2018, có khoảng 85-86% các cơ sở tiếp nhận máu trên toàn quốc đã làm được xét nghiệm sinh học phân tử. Vẫn còn một số tỉnh, thành phố chưa làm được, vì vậy cần có sự phối hợp, chia sẻ giữa các địa phương. Nơi nào chưa làm được thì chuyển mẫu đến nơi gần nhất đã làm được để tiến hành kỹ thuật này.

 

* Làm thế nào để có đủ máu trong kho và cải thiện chất lượng máu, thưa ông?

 

- Chúng ta cần làm sao để mọi người hiểu, thông cảm với người bệnh, với ngành Y tế và tình nguyện hiến máu. Nếu được lãnh đạo các địa phương, đơn vị cho phép tổ chức vận động hiến máu tình nguyện, tổ chức những hoạt động như “Hành trình đỏ” vừa qua thì rất có ý nghĩa.

 

Lần đầu tiên, có thể chỉ khoảng 10-20 người trong một cơ quan hiến máu. Khi thấy đồng nghiệp hiến máu mà không có vấn đề gì thì những người khác cũng sẵn sàng tham gia; lần vận động hiến máu sau, số người tình nguyện hiến máu sẽ tăng lên.

 

Khoảng 10 năm về trước, con đi hiến máu phải giấu bố mẹ, vợ đi hiến máu phải giấu chồng. Bây giờ đã khác. Những cuộc vận động hiến máu không chỉ mang lại một lượng máu lớn để cung cấp cho người bệnh mà còn có hiệu quả rất lớn về mặt xã hội, tạo đà cho việc tiếp nhận máu trong cả năm.

 

Tôi mong mọi người hiểu rằng hiến máu là việc làm bình thường. Hiến máu cũng giống như làm từ thiện, chỉ có điều không cần phải có của ăn của để mà chỉ cần có sức khỏe là có thể làm từ thiện - hiến máu được, giúp người khác được.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp