Giữ ánh sáng cho đôi mắt

Chủ nhật - 21/07/2019 23:15
Đục thủy tinh thể (dân gian gọi là cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước, thiên đầu thống) là những bệnh thường gặp. Cườm khô là nguyên nhân gây giảm thị lực nhiều nhất tại Việt Nam, còn cườm nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn.
Giữ ánh sáng cho đôi mắt

Đục thủy tinh thể (dân gian gọi là cườm khô) và tăng nhãn áp (cườm nước, thiên đầu thống) là những bệnh thường gặp. Cườm khô là nguyên nhân gây giảm thị lực nhiều nhất tại Việt Nam, còn cườm nước là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn.

 

Làm thế nào nhận diện và phòng ngừa hai bệnh này? Báo Phú Yên đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Thị Đam, Phó Trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên.

 

* Ngoài quá trình lão hóa còn có những nguyên nhân nào gây đục thủy tinh thể, thưa bác sĩ?

 

- Đục thủy tinh thể có nhiều nguyên nhân: bẩm sinh, trẻ sinh non tháng, mắc các bệnh khác tại mắt tái đi tái lại, chấn thương mắt do tai nạn, mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, sử dụng thuốc có chứa corticoid trong thời gian dài… Tuy nhiên, tác nhân phổ biến nhất là tuổi tác. Đây cũng là nguyên nhân gây giảm thị lực nhiều nhất tại Việt Nam.

 

* Quá trình lão hóa là không thể tránh khỏi. Vậy làm thế nào để hạn chế nguy cơ đục thủy tinh thể do tuổi tác?

 

- Muốn hạn chế nguy cơ đục thủy tinh thể do tuổi tác cần có chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, bổ sung sinh tố và có chế độ sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, đồng thời luyện tập thể dục thể thao để làm chậm quá trình lão hóa. Khi đi ngoài trời nắng nên mang kính râm để giảm tác dụng của tia UV…

 

Lão hóa là quy luật không thể tránh khỏi; có người bị lão hóa sớm, có người muộn hơn. Nếu quá trình lão hóa chậm lại thì nguy cơ đục thủy tinh thể cũng giảm đi.

 

Nếu mắc bệnh huyết áp, đái tháo đường hay những bệnh mà phải sử dụng corticoid thì cần kiểm soát tốt các bệnh đó để ngăn ngừa nguy cơ đục thủy tinh thể.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Đam thăm hỏi bệnh nhân 80 tuổi vừa được phẫu thuật thay thủy tinh thể và phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp - Ảnh: YÊN LAN

* Bác sĩ có thể cho biết những phương pháp điều trị đục thủy tinh thể hiện nay?

 

- Đục thủy tinh thể trong thời gian đầu, khi thị lực chưa giảm đáng kể thì bệnh nhân có thể sử dụng kính để tăng thị lực. Khi sử dụng kính mà không hiệu quả thì phải phẫu thuật thay thủy tinh thể. Có nhiều phương pháp thay thủy tinh thể, phương pháp hiện đại, phổ biến nhất hiện nay là phẫu thuật Phaco.

 

Phẫu thuật viên sử dụng một thiết bị siêu âm “đánh” nhuyễn thủy tinh thể, hút ra rồi thay bằng thủy tinh thể nhân tạo. Ưu điểm của phẫu thuật Phaco là can thiệp rất ít, không gây chảy máu, thời gian phẫu thuật ngắn, từ 10-15 phút/ca và bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày.

 

Đối với bệnh nhân mắc các bệnh huyết áp, đái tháo đường và các bệnh toàn thân..., việc sử dụng thuốc tê tại chỗ và phối hợp điều trị của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch, nội khoa thì cuộc phẫu thuật sẽ diễn ra an toàn và hiệu quả hơn.

 

Để thực hiện phẫu thuật này, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ngoài các trang thiết bị hiện đại: hệ thống máy Phaco, sinh hiển vi phẫu thuật thì đội ngũ phẫu thuật viên chuyên nghiệp có nhiều kinh nghiệm nên đã thực hiện được rất nhiều ca thành công, mang lại ánh sáng cho bệnh nhân.

 

* Còn bệnh tăng nhãn áp thì sao, thưa bác sĩ?

 

- Bệnh tăng nhãn áp hay glocom do nhiều nguyên nhân: bẩm sinh, những bệnh lý khác tại mắt; thủy tinh thể đục quá mức cũng dẫn đến tăng nhãn áp. Cườm nước phức tạp hơn cườm khô vì thị lực đã giảm thì không hồi phục. Khi áp lực trong mắt tăng lên, nhãn cầu căng ra, gây đau nhức, chèn ép dây thần kinh mắt.

 

Một khi bệnh nhân bị đau nhức, mờ mắt rồi thì phẫu thuật là biện pháp giảm đau nhức và giúp mắt không mờ hơn nữa, chứ không thể giúp mắt bệnh nhân sáng lại như bình thường. Cho nên khi bị tăng nhãn áp thì phải được khám và điều trị kịp thời. Nếu phát hiện muộn, dây thần kinh thị giác bị teo và chết thì dù có phẫu thuật cũng không giúp bệnh nhân phục hồi thị lực.

 

* Bác sĩ có thể cho biết những dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp?

 

- Khác với đục thủy tinh thể là mắt mờ từ từ, không đau nhức, không đỏ, tăng nhãn áp gây đau nhức rất nhiều ở mắt rồi lan lên nửa đầu, mắt đỏ, thị lực giảm, bệnh nhân nôn… Các triệu chứng này rất dễ nhầm lẫn với những bệnh nội khoa khác.

 

Mới đây, có một bệnh nhân 80 tuổi bị tăng nhãn áp nhưng vì không được khám bởi bác sĩ chuyên khoa mắt nên không phát hiện bệnh, khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên mới phát hiện bà cụ bị tăng nhãn áp do đục thủy tinh thể quá mức.

 

Sau mấy ngày điều trị nội khoa cho ổn định, bệnh nhân đã được phẫu thuật thay thủy tinh thể và phẫu thuật điều trị tăng nhãn áp. Chúng tôi thực hiện hai phẫu thuật loại 1 trên một bệnh nhân, thời gian mổ gấp đôi bình thường.

 

Trường hợp như bà cụ này rất phổ biến. Nhiều bệnh nhân nhập viện với nhiều bệnh kèm theo, trong đó có bệnh tăng nhãn áp mà không biết. Những trường hợp này, khi có sự phối hợp giữa bác sĩ nội khoa với bác sĩ chuyên khoa mắt thì bệnh tăng nhãn áp được phát hiện và điều trị.

 

Đối với các trường hợp tăng nhãn áp góc đóng, bác sĩ có chỉ định phẫu thuật, còn tăng nhãn áp góc mở thì điều trị bằng thuốc.

 

* Bác sĩ có khuyến cáo gì với người dân?

 

- Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về mắt thì phải đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám, không tự ý mua thuốc vì người bán thuốc không có chuyên môn, thành phần thuốc không đúng chỉ định, và nếu để thời gian quá dài thì hậu quả sẽ lớn hơn là đi khám và điều trị kịp thời.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp