WHO kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống thuốc lá

Chủ nhật - 28/07/2019 00:21
Mặc dù nhiều nước trên thế giới đang đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống thuốc lá, song báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy các chính phủ có thể hành động nhiều hơn nữa để giúp người dân từ bỏ thói quen nguy hại tới sức khỏe này.
WHO kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến chống thuốc lá

Mặc dù nhiều nước trên thế giới đang đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống thuốc lá, song báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy các chính phủ có thể hành động nhiều hơn nữa để giúp người dân từ bỏ thói quen nguy hại tới sức khỏe này.

 

Trong báo cáo về thực trạng hút thuốc lá trên toàn cầu năm 2019 công bố ngày 26/7, hiện có khoảng 5 tỉ người, tương đương 65% dân số thế giới, được bảo vệ bởi ít nhất một trong số các biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá được WHO khuyến nghị và công bố năm 2007.

 

Con số này đã tăng hơn 4 lần kể từ năm 2007 khi chỉ có khoảng 1 tỉ người (15% dân số thế giới), được bảo vệ bởi một trong các biện pháp này.

 

Gói giải pháp kiểm soát thuốc lá, gọi tắt là MPOWER, bao gồm 6 chiến lược chính, cụ thể là giám sát các chính sách kiểm soát thuốc lá, bảo vệ con người khỏi tình trạng hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc), cung cấp trợ giúp để cai thuốc lá, cảnh báo mọi người về tác hại của thuốc lá, thực thi quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá, và tăng thuế thuốc lá.

 

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng việc bỏ thuốc lá là một trong những điều tốt nhất mà bất kỳ ai cũng có thể làm để bảo vệ sức khỏe của mình. Ông cũng nhấn mạnh gói giải pháp MPOWER cung cấp những công cụ thiết thực để giúp mọi người từ bỏ thói quen hút thuốc lá và kéo dài tuổi thọ.

 

Tuy nhiên, WHO lưu ý nhiều quốc gia vẫn chưa thực hiện đầy đủ các biện pháp MPOWER vốn có thể giúp mọi người cai thuốc lá hiệu quả và giảm tỉ lệ tử vong do những tác hại của thuốc lá.

 

Báo cáo nhấn mạnh mặc dù tỉ lệ hút thuốc lá đã giảm ở hầu hết các quốc gia và khu vực trên thế giới, song sự gia tăng dân số đồng nghĩa với việc tổng số người sử dụng thuốc lá vẫn ở mức cao.

 

Kể từ khi báo cáo về tình trạng hút thuốc lá trên toàn cầu gần đây nhất được công bố vào năm 2017, chỉ có một quốc gia là Brazil gia nhập danh sách cùng với Thổ Nhĩ Kỳ trở thành những quốc gia duy nhất trên thế giới đã thông qua tất cả các chính sách MPOWER ở cấp cao nhất.

 

Ngoài ra, chỉ có một số ít các quốc gia khác có nhiều hơn 2 biện pháp được thực thi ở mức độ tốt nhất, trong khi có 59 quốc gia vẫn chưa áp dụng một biện pháp MPOWER nào. Báo cáo cũng bày tỏ mối lo ngại về tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong giới trẻ.

 

Theo WHO, hút thuốc lá là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe cộng đồng mà thế giới từng đối mặt.

 

Khói thuốc đã cướp đi sinh mạng của hơn 8 triệu người trên thế giới mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu ca tử vong là do hút thuốc lá trực tiếp, trong khi khoảng 1,2 triệu ca là do hút thuốc lá thụ động.

 

Theo TTXVN/Vietnam+

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp