Siêu âm - “con mắt thứ ba” của thầy thuốc

Thứ hai - 03/06/2019 04:36
Trong y khoa, siêu âm được ví như “con mắt thứ ba”, giúp cho bác sĩ rất nhiều trong việc sàng lọc, chẩn đoán. Đây là một kỹ thuật an toàn, chính xác và đơn giản nên được sử dụng phổ biến ở tất cả các nước.
Siêu âm - “con mắt thứ ba” của thầy thuốc

Trong y khoa, siêu âm được ví như “con mắt thứ ba”, giúp cho bác sĩ rất nhiều trong việc sàng lọc, chẩn đoán. Đây là một kỹ thuật an toàn, chính xác và đơn giản nên được sử dụng phổ biến ở tất cả các nước.

 

Báo Phú Yên phỏng vấn BSCKI Nguyễn Quang Trọng (Bệnh viện Việt Pháp), Tổng Thư ký Chi hội Siêu âm Việt Nam về sự phát triển của ngành Siêu âm chẩn đoán và việc đào tạo bác sĩ trong lĩnh vực này khi ông đến Phú Yên giảng dạy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

 

BSCKI Nguyễn Quang Trọng hướng dẫn một số kỹ năng siêu âm đau bụng cấp ở người lớn cho các bác sĩ tại Phú Yên - Ảnh: HÀ MY

 

* Ngành Siêu âm chẩn đoán đã có 33 năm thành lập và phát triển tại Việt Nam. Hiện nay, ngành này phát triển như thế nào, thưa ông?

 

- Đầu những năm 1980, một số máy siêu âm đầu tiên đã được Pháp viện trợ cho các bệnh viện ở Việt Nam; nhưng phải đến năm 1986, ngành Siêu âm mới chính thức được thành lập tại nước ta với sự đào tạo bài bản từ các chuyên gia về siêu âm của Đức và Pháp. Nếu như những năm 1990, số lượng máy siêu âm tại Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay thì hiện nay, hầu hết bệnh viện, phòng mạch đều trang bị loại máy này. Thấy được vai trò quan trọng của siêu âm nên Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành đã đầu tư cho các bệnh viện công mua máy siêu âm từ 2D đến Doppler màu rồi 3D, 4D. Các phòng khám tư nhân cũng trang bị các máy siêu âm hiện đại để cạnh tranh. So với ngày trước, bây giờ, mẫu mã máy siêu âm đa dạng hơn nhiều, giá thành cũng “mềm” hơn.

 

Từ 25 bác sĩ siêu âm đầu tiên vào năm 1986, đến nay số bác sĩ siêu âm đã lên đến vài ngàn người, trong đó có hàng trăm bác sĩ đi tu nghiệp về chẩn đoán hình ảnh ở nước ngoài. Chính lực lượng bác sĩ này, khi trở về nước, đã trở thành những giảng viên về chẩn đoán hình ảnh, trong đó có siêu âm và đã làm cho trình độ của ngành Siêu âm Việt Nam được nâng cao. Năm 2016, Chi hội Siêu âm Việt Nam được thành lập. Ngoài thường xuyên tổ chức hội thảo chuyên môn, từ năm 2017 đến nay, hàng năm, chi hội đều tổ chức hội nghị siêu âm toàn quốc, tạo cơ hội để các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa siêu âm trong, ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm và cập nhật các kiến thức mới trong lĩnh vực siêu âm, góp phần nâng cao chất lượng khám và điều trị bệnh.

 

* Là một bác sĩ chuyên sâu về chẩn đoán hình ảnh, Tổng Thư ký Chi hội Siêu âm Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của siêu âm trong chẩn đoán, sàng lọc?

 

- Khi tôi còn học đại học y, lúc đó Việt Nam chưa có máy siêu âm. Ống nghe khi đó là thiết bị rất quan trọng, giúp bác sĩ rất nhiều, từ nghe tim, phổi đến bụng. Nếu khám thai thì cần thêm một cái thước dây để đo chiều cao tử cung, từ đó suy ra em bé bao nhiêu tuần…

 

Từ khi có máy siêu âm, việc chẩn đoán các bệnh nội khoa và sản khoa trở nên dễ dàng, nhanh chóng và chính xác hơn. Đây là một kỹ thuật dùngsóng siêu âmcó tần số cao tạo ra hình ảnh y học về cấu trúc bên trong cơ thể con người, nhờ đó bác sĩ có thể xem được, từ đó chẩn đoán bệnh tật hay đánh giá sự phát triển của bào thai. Vì vậy, siêu âm được ví như ống nghe của người thầy thuốc. Cho đến nay, bên cạnh những lợi ích và tầm quan trọng đã được khẳng định thì vẫn chưa có nghiên cứu nào cho thấy ảnh hưởng có hại của siêu âm. Có thể nói hiện nay, siêu âm chẩn đoán là phương tiện cơ bản trong tất cả các cơ sở y tế công lập từ tuyến cơ sở đến tuyến trung ương, cũng như tại các cơ sở y tế, phòng khám tư nhân.

 

* Chúng ta vẫn còn nghe những phản ánh về sự nhầm lẫn, sai sót trong một vài trường hợp siêu âm chẩn đoán. Vậy theo ông làm thế nào để nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ siêu âm?

 

- Sự chính xác của siêu âm liên quan đến nhiều yếu tố. Ngoài kỹ thuật máy móc thì kỹ năng của người siêu âmkhi sử dụng trang thiết bị để quét hình và diễn giải kết quả siêu âm mang tính quyết định. Do vậy, việc huấn luyện hay tập huấn kỹ năng siêu âm một cách bài bản, chuyên nghiệp là rất quan trọng.

 

Tại Việt Nam, tất cả các bệnh viện Trung ương, nhiều bệnh viện tỉnh và bộ môn Chẩn đoán hình ảnh của các trường đại học y khoa đều có các khóa đào tạo siêu âm từ 3-4 tháng về bụng tổng quát, sản phụ khoa, mạch máu, cơ xương khớp... Phần lớn bác sĩ trải qua các khóa học này rồi, làm tương đối ổn. Nhưng thực ra nghề này khó, ngoài thực hành nhiều để có kinh nghiệm, kỹ năng, bác sĩ còn phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới qua internet, sách vở, tham gia các buổi trao đổi chuyên môn, các khóa đào tạo, hội thảo…

 

Theo tôi, cách khắc phục các sai lầm trong chẩn đoán bằng siêu âm đó là cần phải trang bị máy siêu âm có độ ly giải cao, đầu dò thích hợp với cơ quan được khám để cho hình ảnh rõ và từ đó chẩn đoán cũng chính xác. Và quan trọng hơn hết là bác sĩ siêu âm phải là người có lương tâm, trách nhiệm với bệnh nhân, yêu thích chuyên khoa của mình, có ý thức tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực và nhất là có thái độ kỹ lưỡng, cẩn thận trong công việc.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

HÀ MY (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp