Có nhu cầu đăng bài quảng cáo liên hệ [email protected], cảm ơn !

Xét nghiệm sớm, tiếp cận điều trị sớm để con khỏe mạnh

Thứ hai - 14/06/2021 04:48
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vũ Thị Ngọc Bích, hiệu quả của chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất lớn.
Xét nghiệm sớm, tiếp cận điều trị sớm để con khỏe mạnh

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vũ Thị Ngọc Bích, hiệu quả của chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là rất lớn. Nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV không tiếp cận điều trị, tỉ lệ trẻ sinh ra nhiễm HIV lên đến 40%. Một khi người mẹ đã tiếp cận điều trị, tỉ lệ lây truyền sang con giảm xuống dưới 5%.

 

Phụ nữ mang thai nhiễm HIV tiếp cận càng sớm với chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì hiệu quả điều trị càng cao. Báo Phú Yên đã trao đổi với bác sĩ Vũ Thị Ngọc Bích về chương trình này.

 

Hiệu quả của chương trình

 

Bác sĩ Vũ Thị Ngọc Bích

* Bác sĩ có thể cho biết đôi nét về kết quả thực hiện chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong thời gian qua ở Phú Yên?

 

- Từ năm 2016, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS (nay đã sáp nhập thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên - PV) phối hợp với Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên triển khai chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời gian qua, chương trình luôn được sự quan tâm của ngành Y tế, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể tại địa phương, thường xuyên tổ chức các buổi truyền thông, nói chuyện chuyên đề, tư vấn cho nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh con, đặc biệt là phụ nữ mang thai biết được lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm, để phụ nữ mang thai nhiễm HIV tiếp cận với chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Tại trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố và tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên đều có phòng tư vấn, thường xuyên tư vấn cho phụ nữ mang thai khi họ đến khám thai.

 

Từ trước năm 2016 trở về trước, hàng năm có khoảng 45-50% phụ nữ mang thai được xét nghiệm sàng lọc HIV. Từ 2016 đến nay, tỉ lệ phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV tăng hàng năm, trong đó từ 2016-2020, tỉ lệ phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV đạt 70-80%. Trong năm 2020, tỉ lệ này là 80%. Năm 2020, 100% phụ nữ mang thai đến các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh khám thai đều được tư vấn xét nghiệm HIV.

 

Từ năm 2016 đến nay, qua sàng lọc phát hiện 18 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV và họ tiếp cận điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, trong đó có một số trường hợp tiếp cận muộn, trước sinh. Bình quân mỗi năm có từ 3-5 trẻ chào đời, là con của các bà mẹ nhiễm HIV. Điều trị đến thời điểm này, hầu hết các trẻ có kết quả xét nghiệm âm tính; có 2 trường hợp dương tính, ở TX Đông Hòa và huyện Tuy An.

 

Trường hợp ở Đông Hòa tiếp cận điều trị muộn, khi đến sinh tại Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Tại đây, cán bộ y tế đã tư vấn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong giai đoạn nằm viện. Sau khi sản phụ cùng em bé xuất viện, người nhà lại không đồng ý; sản phụ và trẻ không tiếp tục điều trị. Mặc dù cán bộ y tế Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS khi đó và cán bộ y tế xã đã nhiều lần đến tận nhà tư vấn, nhưng người nhà bệnh nhân vẫn không hợp tác. Họ tiếp tục cho trẻ bú mẹ, trong khi người mẹ lại không được điều trị! 3 tháng sau chúng tôi lấy mẫu xét nghiệm lại, kết quả từ Viện Pasteur Nha Trang là trẻ dương tính với HIV. Đó là một trường hợp vô cùng đáng tiếc.

 

Trường hợp thứ hai ở Tuy An cũng tiếp cận điều trị muộn. Thai phụ đến cơ sở y tế sinh con mới phát hiện nhiễm HIV và được điều trị ngay, thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền sang con trong lúc chuyển dạ. Người phụ nữ này sinh đôi, kết quả xét nghiệm một bé dương tính với HIV, một bé âm tính.

 

Ngoài 2 trường hợp trên, các trường hợp được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con từ năm 2016 đến nay, trẻ đều âm tính.

 

Đặc biệt, trong năm 2020 có 4 đứa trẻ là con của những người mẹ nhiễm HIV chào đời, tất cả đều âm tính. Kết quả điều trị đạt 100%.

 

Hiệu quả của chương trình này mang lại là rất lớn. Nếu người mẹ mang thai nhiễm HIV không tiếp cận điều trị, tỉ lệ trẻ sinh ra nhiễm HIV lên đến 40%. Một khi người mẹ đã tiếp cận điều trị, tỉ lệ lây truyền sang con giảm xuống dưới 5%. Phụ nữ mang thai nhiễm HIV tiếp cận càng sớm với chương trình này thì hiệu quả điều trị càng cao.

 

Tiếp cận càng sớm càng tốt

 

* Tiếp cận khi nào được xem là sớm, thưa bác sĩ?

 

- Trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Càng sớm càng tốt.

 

Phụ nữ trong độ tuổi sinh con, trước khi muốn mang thai, nếu họ đi xét nghiệm, biết mình nhiễm HIV thì được điều trị sớm. Khi tải lượng vi rút trong cơ thể họ xuống thấp dưới ngưỡng, bác sĩ cho phép họ sinh con và họ có thai thì nguy cơ lây truyền HIV cho con là rất thấp.

 

* Theo bác sĩ, đâu là những khó khăn khi triển khai chương trình này?

 

- Tại Phú Yên, đến thời điểm này vẫn chưa sàng lọc 100% phụ nữ mang thai, để họ có thể tiếp cận sớm với chương trình này. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi Phú Yên. Các cơ sở y tế địa phương, gồm tuyến xã và tuyến huyện, có thực hiện chức năng khám, quản lý thai và đỡ đẻ nhưng không điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì để điều trị ARV cần phải có nhân lực và đáp ứng các yêu cầu khác. Phần lớn cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các cơ sở y tế chưa được tập huấn về tư vấn nên chưa tư vấn đầy đủ cho phụ nữ mang thai hiểu về lợi ích của việc xét nghiệm HIV sớm để điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

 

* Trong thời gian tới, những nội dung nào sẽ được chú trọng để chương trình này tiếp tục mang lại hiệu quả, thưa bác sĩ?

 

- Ưu tiên hàng đầu vẫn là công tác truyền thông: truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề, truyền thông lồng ghép trong các chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, các đợt tiêm chủng tại trạm y tế. Và khi phụ nữ mang thai đến cơ sở y tế khám thai định kỳ, nhân viên y tế tư vấn về lợi ích của việc xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con để phụ nữ mang thai nhiễm HIV tiếp cận sớm, điều trị sớm.

 

Từ ngày 1/7/2021, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) có hiệu lực. Khoản 1, Điều 35 Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) năm 2006 quy định phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV được miễn phí, nhưng chưa quy định cụ thể nguồn chi trả. Trong Luật sửa đổi, bổ sung, khoản 1, Điều 35 quy định phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được quỹ BHYT, ngân sách nhà nước chi trả chi phí xét nghiệm như sau: Quỹ BHYT chi trả cho người có thẻ BHYT theo mức hưởng quy định của pháp luật về BHYT; ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí quỹ BHYT không chi trả cho người có thẻ BHYT và chi trả cho người không có thẻ BHYT theo mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Đây là một nội dung cần truyền thông.

 

Bên cạnh đó, các lớp tập huấn cho cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ y tế làm công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản ở tất cả các cơ sở y tế trong toàn tỉnh sẽ được tổ chức, để họ có đầy đủ kiến thức về chương trình Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và tư vấn cho phụ nữ mang thai hiểu được lợi ích của việc xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng lây truyền.

 

Đó là những nội dung sẽ được chú trọng trong thời gian tới. Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục thực hiện các hoạt động, công tác khác để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

 

* Xin cảm ơn bác sĩ!

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp