Tăng thuế thuốc lá: Lợi cả đôi đường

Chủ nhật - 30/05/2021 21:55
Bảo vệ sức khỏe cho người dân được xem là nhiệm vụ chung của tất cả quốc gia. Ngày Thế giới phòng chống tác hại của thuốc lá (31/5) năm nay, do đại dịch COVID-19 nên việc tổ chức các hoạt động có nhiều hạn chế

Bảo vệ sức khỏe cho người dân được xem là nhiệm vụ chung của tất cả quốc gia. Ngày Thế giới phòng chống tác hại của thuốc lá (31/5) năm nay, do đại dịch COVID-19 nên việc tổ chức các hoạt động có nhiều hạn chế; các buổi mít tinh, hội thảo đông người chắc chắn không diễn ra hoặc được tổ chức với quy mô nhỏ để phòng chống lây lan dịch bệnh do SARS-CoV-2 gây ra.

 

Biết tác hại nhưng vẫn sử dụng

 

Tác hại của thuốc lá không ai là không biết. Thuốc lá là nguyên nhân làm tử vong 1,2 triệu người trên thế giới mỗi năm. Thuốc lá gây nên 10 bệnh ung thư hàng đầu cho con người; trong khói thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất khác nhau, trong đó có hàng trăm chất độc gây ung thư, các bệnh tim mạch và các bệnh về hô hấp.

 

Đặc biệt, chất nicotin trong thuốc lá là chất gây nghiện, làm cho hàng trăm triệu người nghiện thuốc lá. Mặt khác, việc trồng cây thuốc lá làm cho đất bạc màu; nhiều vụ hỏa hoạn do thuốc lá gây ra, làm tổn thất nhiều về kinh tế - xã hội. Hàng năm, chi phí bỏ ra để sử dụng thuốc lá lên đến hàng tỉ đô la Mỹ. Tổn hại do thuốc lá gây ra cho sức khỏe, cho kinh tế, cho môi trường hàng năm trên toàn thế giới quả là khủng khiếp.

 

Hiện nay, các quốc gia trên thế giới đã quan tâm triển khai mạnh mẽ các hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá và đã gặt hái được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tỉ lệ người sử dụng thuốc lá giảm đáng kể; các hoạt động sản xuất, kinh doanh thuốc lá đã giảm về quy mô, số lượng. Hoạt động truyền thông phòng chống tác hại của thuốc lá mạnh mẽ hơn; thông điệp truyền thông, loại hình truyền thông phong phú hơn; chất lượng truyền thông hiệu quả hơn.

 

Từ năm 2005, Việt Nam tham gia Công ước khung về phòng chống tác hại thuốc lá của Liên Hợp Quốc. Đến năm 2013, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được ban hành và có hiệu lực. Nhiều nghị định của Chính phủ, nhiều thông tư, chỉ thị, quyết định của các bộ, ban ngành được ban hành và triển khai khá quyết liệt nên chúng ta đã có những kết quả khá mừng.

 

Tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc lá từ hơn 48,6% năm 2010 đến nay còn dưới 45%; quy hoạch đất nông nghiệp sản xuất thuốc lá được thu hẹp; nhiều xí nghiệp, nhà máy sản xuất thuốc lá đã giảm về quy mô, có nơi chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa khác. Hoạt động quảng cáo thuốc lá đã được quản lý khá hiệu quả, từ đó giảm đáng kể số lượng thuốc lá được sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng và số người hút giảm so với trước đây.

 

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới; tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc vẫn khá cao (gần 45%). Số người bị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá, tử vong do các bệnh lý này vẫn thuộc nhóm đầu các bệnh lý hiện nay. Hàng năm, tại Việt Nam, hàng trăm ngàn trường hợp ung thư được phát hiện, trong đó nhiều bệnh liên quan đến thuốc lá.

 

Hàng năm có khoảng 40.000 người chết do các bệnh lý liên quan đến thuốc lá. Ngân sách chi cho điều trị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá ước lên đến hơn 40.000 tỉ đồng. Nếu tính tất cả chi phí sử dụng thuốc lá lẫn chi phí điều trị thì sẽ có một con số khổng lồ. Số tiền chi tiêu cho thuốc lá, nếu chi cho các hoạt động khác như đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội… quả là tốt biết bao!

 

Giải pháp giảm số người hút thuốc lá

 

Tại sao vẫn còn người hút thuốc lá, dù chúng ta đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống tác hại của thuốc lá? Thực tế cho thấy kiến thức của người dân về tác hại của thuốc lá khá tốt; truyền thông về tác hại của thuốc lá đầy đủ, được thực hiện thường xuyên... Có lẽ do nguồn cung thuốc lá quá dồi dào và giá cả thuốc lá ở Việt Nam quá rẻ nên tỉ lệ người hút thuốc lá ở nước ta giảm không đáng kể.

 

Vậy làm thế nào để giảm số người hút thuốc lá, từ đó giảm được gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hàng năm thế giới mất đi 1,4 tỉ đô la Mỹ do dùng thuốc lá. Tăng thuế thuốc lá là một trong nhiều cách cứu sống nhiều người, tiết kiệm được ngân sách đáng kể để đầu tư cho phát triển sau đại dịch COVID-19.

 

Thiết nghĩ bên cạnh các giải pháp như truyền thông, quản lý sản xuất, kinh doanh thuốc lá, chúng ta nên xây dựng chính sách tăng cao thuế thuốc lá và tăng giá thành thuốc lá lên nhiều lần so với hiện nay. Với những biện pháp này, chắc chắn tỉ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam sẽ giảm nhanh, công cuộc phòng chống tác hại của thuốc lá sẽ mang lại hiệu quả cao hơn so với thời gian vừa qua. Đồng thời, chúng ta vừa tiết kiệm được chi phí, vừa có nguồn kinh phí bổ sung đầu tư cho nhiều hoạt động khác để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khi đại dịch COVID-19 được dập tắt.

 

Việt Nam vẫn là quốc gia có tỉ lệ người hút thuốc lá đứng thứ 15 trên thế giới; tỉ lệ người trưởng thành hút thuốc vẫn khá cao (gần 45%). Số người bị các bệnh lý liên quan đến thuốc lá, tử vong do các bệnh lý này vẫn thuộc nhóm đầu các bệnh lý hiện nay.

 

BS NGUYỄN VINH QUANG

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp