Cẩn thận với bệnh Whitmore

Thứ hai - 30/11/2020 02:25
Theo Bộ Y tế, số ca mắc Whitmore gia tăng trong thời gian gần đây. Bệnh nhiễm trùng này do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập qua da) gây ra.

Theo Bộ Y tế, số ca mắc Whitmore gia tăng trong thời gian gần đây. Bệnh nhiễm trùng này do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei (sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập qua da) gây ra. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán, tỉ lệ tử vong cao ở những người bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. 

 

Lội nước lụt, “gặp” Whitmore

 

Lội nước lụt, ông L.V.H, một nông dân ở Tuy An, bị vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei xâm nhập qua da. Một tuần sau, ông sốt và ho. Bệnh diễn tiến, rất giống với ung thư nên khi ông H lần lượt đến 3 bệnh viện tại các thành phố lớn, bác sĩ thăm khám và nghi ngờ ung thư phổi. Trở về nhà, ông H bị tụt huyết áp, trụy mạch, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu vào ngày 14/11.

 

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu tăng rất cao (WBC: 41.8), bạch cầu đa nhân trung tính (NEU) tăng đến 84,4%; các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nên cho làm xét nghiệm cấy máu phân lập vi khuẩn, đồng thời dùng kháng sinh liều cao để điều trị. “Bệnh nhân sốc nhiễm trùng bắt buộc phải cấy máu phân lập vi khuẩn và phải dùng kháng sinh phổ rộng Meropenem”, BSCKII Châu Khắc Toàn, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết. Phác đồ này đã giúp bệnh nhân 67 tuổi thoát khỏi nguy kịch.

 

Ngày 19/11, kết quả cấy máu phân lập vi khuẩn cho thấy tác nhân là vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei, gây bệnh Whitmore. Sau khi ổn định, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, tiếp tục điều trị theo phác đồ trên. Gần 10 ngày sau, BSCKII Nguyễn Thành Lãm, Phó Trưởng khoa này cho biết bệnh nhân bớt sốt, bạch cầu trở về bình thường (WBC: 5.81, NEU còn 58,1%), giảm ho, tổn thương phổi có cải thiện. Bệnh nhân đáp ứng với phác đồ điều trị nhưng cần phải theo dõi thêm do diễn tiến bệnh này phức tạp.

 

Bệnh khó chẩn đoán, tỉ lệ tử vong cao

 

Theo Bộ Y tế, bệnh Whitmore thường gặp ở khu vực Bắc Úc và các nước Đông Nam Á. Ca bệnh đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam là vào năm 1925. Thời gian gần đây, số ca mắc Whitmore gia tăng. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán, tỉ lệ tử vong cao ở những người bị viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng. Những người có bệnh nền (đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính...) có nguy cơ cao mắc bệnh.

 

Ngày 30/12/2019, Bộ Y tế có Quyết định 6101 về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore. Theo hướng dẫn này, thời gian ủ bệnh từ 1-21 ngày, có thể kéo dài và khó xác định. Nhiễm trùng Burkholderia Pseudomallei có thể là nhiễm trùng tiềm ẩn và tái kích hoạt giống bệnh lao.

 

Thể bệnh thường gặp nhất là viêm phổi, có thể tiến triển thành viêm phổi hoại tử dẫn đến suy hô hấp, sốc nhiễm trùng. Một thể bệnh hay gặp khác là nhiễm khuẩn huyết, dễ dẫn đến sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng gây tử vong. Các biểu hiện lâm sàng ít gặp hơn gồm: áp xe gan, áp xe lách…; loét da, áp xe dưới da, mụn mủ rải rác, viêm mô tế bào, viêm cân mạc, áp xe cơ; viêm thận bể thận, viêm tiền liệt tuyến, áp xe tiền liệt tuyến; viêm tủy xương, viêm khớp nhiễm trùng; viêm màng não mủ, áp xe não, viêm màng não - tủy; viêm màng ngoài tim, phình mạch; viêm hạch bạch huyết…

 

Bác sĩ Châu Khắc Toàn cho biết: “Bệnh Whitmore không có dấu hiệu đặc trưng gợi ý gì, chỉ phát hiện qua nuôi cấy phân lập vi khuẩn như cấy máu, đàm, mủ, nước tiểu... Vi khuẩn B. Pseudomallei tồn tại tự nhiên trong đất, có thể gây ô nhiễm nguồn nước và lây truyền chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người”.

 

Những năm qua, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên được tài trợ phương tiện xét nghiệm; bác sĩ Khoa Hóa sinh - Vi sinh và Khoa Truyền nhiễm đã được tập huấn về chẩn đoán và điều trị bệnh Whitmore. Bác sĩ Nguyễn Thành Lãm cho biết: “Thể bệnh rất giống nhiều bệnh khác. Vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei lại đề kháng với các kháng sinh hay sử dụng để điều trị những bệnh khác; tỉ lệ tử vong cao.

 

Bệnh Whitmore cần rất nhiều thời gian để điều trị, ban đầu dùng kháng sinh đường tĩnh mạch để điều trị từ 2-8 tuần, tùy theo diễn tiến, sau đó điều trị duy trì kháng sinh đường uống từ 3-6 tháng hoặc lâu hơn nữa. Nếu đang điều trị mà bệnh nhân bỏ thuốc thì bệnh sẽ tái phát và bệnh nhân tử vong”.

 

Hiện chưa có vắc xin nên để phòng bệnh Whitmore, bác sĩ Lãm nói: Tốt nhất là mang ủng và dùng găng tay không thấm nước khi tiếp xúc với đất, nước bẩn (như lội nước lụt); tránh tiếp xúc với đất, nước bẩn khi có vết thương hay trầy xước da. Nếu bị xây xát da, bị phỏng mà tiếp xúc với chỗ bẩn, như té xe nơi đất bẩn, trên đường bẩn… thì phải rửa vết thương thật kỹ.

 

Những người từng tiếp xúc với đất, nước bẩn, có vết thương, sau đó có biểu hiện sốt, ho, nhiễm trùng da thì phải nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị. Nhân viên y tế cần nghĩ đến bệnh này, hỏi kỹ tiền sử và cho cấy mủ, cấy máu... để khỏi bỏ sót bệnh.

 

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp như sau:

 

- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.

 

- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.

 

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.

 

- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.

 

- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.

 

- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.

 

- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

 

YÊN LAN

 

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp