Với sáng kiến về thiết bị dạy học môn bóng chuyền để nâng cao sức khỏe, thể lực, sức bật cho học sinh, thầy Phạm Phóng Viên, giáo viên dạy môn Thể dục, Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Phú Hòa) không chỉ đạt sáng kiến cấp ngành, mà còn góp phần phát triển phong trào thể thao học đường ở trường này, nhất là môn bóng chuyền.
Tốt nghiệp Trường đại học Thể dục Thể thao 2 (TP Hồ Chí Minh), năm 2016, Phạm Phóng Viên đã thi đậu biên chế và được phân công giảng dạy môn Thể dục tại Trường THPT Trần Quốc Tuấn cho đến nay. Với lòng yêu nghề, trong quá trình dạy học, thầy Viên đã dày công nghiên cứu về thiết bị dạy học cho học sinh. Sáng kiến về Giá đập bóng chuyền cho học sinh là một ví dụ.
Theo thầy Viên, giáo dục thể chất là một trong những nội dung để góp phần giáo dục toàn diện cho học sinh. Trong đó, môn bóng chuyền có vị trí quan trọng để giúp học sinh nâng cao sức khỏe, thể lực, sức bật, tính nhanh nhẹn. Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy môn bóng chuyền cho học sinh, thầy Viên nhận thấy các em chưa có điều kiện học tập tốt nhất và đội tuyển của trường cũng cần được trang bị dụng cụ cần thiết để cải thiện thành tích tập luyện. Vì thế, năm 2017, thầy Viên bắt tay chế tạo Giá đập bóng chuyền để giảng dạy cho học sinh. Thiết bị này nhằm bổ trợ một số kỹ thuật trong bóng chuyền như: chuyền bóng cao tay, phát bóng cao tay, đập bóng… tạo thói quen cho học sinh phải tập được trạng thái dừng trên không.
Giá đập bóng chuyền là thiết bị cố định vị trí quả bóng chuyền trên cao bằng hai má ngàm chất liệu xốp mềm (độ cao của bóng tùy chỉnh phụ thuộc vào mức độ thể lực, khả năng sức bật của người tập). Khi tiến hành đập quả bóng đầu tiên bay đi thì quả bóng thứ hai tự động lăn xuống nằm vào vị trí hai má ngàm. Giá đập bóng được chế tạo dựa trên nguyên lý trọng lực tác dụng lên quả bóng để hoạt động. Cấu tạo giá đập bóng được làm trên hình thức hai bàn tay giữ bóng trên không và có chiều cao có thể hạ và tăng lên từ 1,9m cho đến 3,5m.
Thầy Viên cho biết: “Qua gần hai năm thiết kế và hoàn thiện, năm 2019, tôi đưa giá đập bóng chuyền vào giảng dạy tại trường. Khi áp dụng thiết bị này thì phương pháp giảng dạy kỹ thuật phát bóng cao tay được học sinh tiếp cận một cách dễ dàng. Còn phương pháp giảng dạy kỹ thuật đập bóng đã giúp các em tập trung vào các bước đà mà không lo về việc bóng rơi khi đà chưa tới hoặc đã vào đà xong nhưng bóng chưa rơi vào tầm tay. Từ đó giúp giáo viên củng cố bước đà đúng cho học sinh và học sinh không cần nhiều thời gian để có bước đà chuẩn. Khi có bước đà chuẩn lại không cần lo về tầm bóng, vì thiết bị lúc này phát huy vai trò thay thế cho một chuyền hai giữ tầm bóng chuẩn. Ngoài ra, thiết bị này còn giúp học sinh đội tuyển khả năng tự tập luyện đập bóng, vì có được vị trí bóng đập phù hợp, có thể điều chỉnh diện tích tiếp xúc giữa tay và bóng, người tập dù không có người chuyền bóng vẫn có thể tập một mình”.
Bên cạnh quan tâm đến việc sáng tạo các thiết bị trong dạy học môn Thể dục, thầy Viên còn tham gia huấn luyện đội tuyển môn nhảy cao của trường và mang về thành tích cao ở Giải thể thao học đường cấp tỉnh năm học 2020-2021. Trong quá trình huấn luyện, thầy Viên cũng áp dụng biện pháp mới để huấn luyện cho học sinh. Theo thầy Viên, để nâng cao thể lực, sức bật cho học sinh trong tập luyện nhảy cao, thầy dùng dây thun buộc vào eo ếch của học sinh để các em tập nhảy cao. Ban đầu, thầy Viên buộc 2 sợi, sau đó tăng lên 4 sợi rồi tăng lên 6 sợi. Nhờ đó, chỉ trong một tháng tập các em đã bật cao lên được 2 tấc. Em Lê Phương Đài, lớp 10A7 của trường cho biết: “Trong quá trình thầy Viên hướng dẫn, em không chỉ buộc dây thun vào bụng mà hai tay còn cầm thêm hai quả tạ tay để tập nhảy cao. Với phương pháp này, tại Giải Thể thao học đường cấp tỉnh năm học 2020-2021, em đạt HCB môn nhảy cao”.
“Thầy Phạm Phóng Viên là một giáo viên trẻ, năng động và tâm huyết với nghề, Những năm qua, thầy Viên không chỉ hoàn thành tốt công việc giảng dạy, làm tốt vai trò Phó Bí thư Đoàn trường mà còn tham gia sáng kiến thiết bị dạy học, nhất là thiết bị giá đập bóng chuyền mang lại hiệu quả trong dạy học. Với sáng kiến này, mới đây ngành Giáo dục công nhận sáng kiến cấp ngành”, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn Trần Văn Tuyên nói.
HIẾU TRUNG