Anh Tấn làm tốt vai trò cầu nối vốn chính sách

Thứ sáu - 15/03/2019 10:50
Hơn 10 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lê Văn Tấn (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là cầu nối đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
Anh Tấn làm tốt vai trò cầu nối vốn chính sách

Hơn 10 năm làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Lê Văn Tấn (thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, TX Sông Cầu) đã hoàn thành tốt nhiệm vụ là cầu nối đưa vốn tín dụng ưu đãi đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

 

Anh Lê Văn Tấn - Ảnh: VIỆT AN

Năm 2008, Lê Văn Tấn được các tổ viên tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Khi đó, tổ chỉ có 15 tổ viên với dư nợ vài trăm triệu đồng. Còn hiện tại tổ của anh Tấn có 60 tổ viên, vay 6 chương trình tín dụng với dư nợ gần 2,8 tỉ đồng.

 

“Là một người tay ngang, không có nghiệp vụ về quản lý vốn ủy thác nên để hoàn thành tốt nhiệm vụ “từ con số không”, tôi luôn cố gắng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm từ thực tiễn và tham gia đầy đủ các đợt tập huấn do ngân hàng tổ chức”, anh Tấn chia sẻ.

 

Nói là làm, từ khi nhận trách nhiệm tổ trưởng tổ TKVV đến nay, anh Tấn luôn tham gia họp giao ban hàng tháng với ngân hàng và xem đây là dịp quan trọng để lắng nghe những chính sách mới để về phổ biến lại cho tổ viên. Đồng thời qua giao ban, anh cũng đề xuất ý kiến hộ vay để NHCSXH nắm bắt được tâm tư của bà con.

 

Anh Tấn cho biết: Khi có vốn phân bổ về địa phương, tôi thường họp tổ để bình xét chọn hộ vay; sau đó ưu tiên làm hồ sơ cho những trường hợp khó khăn hơn để họ được nhận vốn trước. Khi hộ vay nhận tiền, tôi thường xuyên nhắc nhở họ sử dụng đúng mục đích, cố gắng làm ăn để thoát nghèo, cải thiện kinh tế gia đình và hoàn trả vốn đúng hạn cho ngân hàng.

 

Mặc dù quản lý tổ TKVV có nhiều tổ viên, dư nợ lớn, địa bàn lại phức tạp vì hoạt động sản xuất của bà con thường bị rủi ro do thiên tai, dịch bệnh nhưng anh Tấn không để tổ có nợ quá hạn, nợ khoanh hay lãi tồn. 100% hộ vay gửi tiết kiệm qua tổ, 55/60 hộ gửi tiết kiệm định kỳ hàng tháng.

 

Theo anh Tấn, để làm được điều này, hàng tháng trước ngày giao dịch xã, anh mời các thành viên trong tổ họp định kỳ, một là để tổ viên đóng tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm hàng tháng; hai là để thông báo những vấn đề ngân hàng đã triển khai trong buổi họp giao ban tháng trước; ba là thông báo những hộ đến hạn trả nợ để họ biết và chuẩn bị…

 

“Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và ý thức chấp hành tốt của hộ vay nên khi đến hạn trả nợ, các thành viên trong tổ đều hoàn trả đầy đủ vốn cho ngân hàng. Một vài trường hợp khó khăn thì xin gia hạn nợ kịp thời nên tổ của tôi chưa bao giờ có nợ quá hạn”, anh Tấn tự hào nói.

 

Từ Nham là một trong bốn thôn thuộc xã khó khăn bãi ngang ven biển Xuân Thịnh. Người dân trong thôn chủ yếu sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy sản (tôm hùm, cá mú), một số bộ phận mua bán nhỏ. Khi chưa có các chương trình cho vay ưu đãi, nhiều người dân thiếu vốn sản xuất, không có việc làm ổn định. Từ khi được vay vốn, nhiều hộ đã thoát nghèo, đời sống được cải thiện.

 

Ông Nguyễn Văn Sửu ở thôn Từ Nham cho hay: Vài năm trước, tôi bị tai nạn giao thông, không lao động được. Nhờ thôn xét hộ nghèo, rồi được anh Tấn hướng dẫn vay NHCSXH mà gia đình có vốn nuôi tôm. Đến nay, sau một thời gian chăm chỉ làm ăn, chúng tôi đã thoát nghèo, nợ cũng sắp trả xong.

 

Theo ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH TX Sông Cầu, anh Tấn là một tổ trưởng tổ TKVV nhiệt tình, trách nhiệm với công việc. Không chỉ quản lý vốn hiệu quả, anh còn lưu trữ hồ sơ sổ sách khoa học, bình xét hộ vay đúng đối tượng. Mới đây, anh được NHCSXH Phú Yên ghi nhận và khen tặng về những đóng góp của mình đối với công tác quản lý vốn chính sách.

 

VIỆT AN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp