Những nông dân điển hình trong lao động sản xuất

Thứ hai - 11/03/2019 12:19
Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội Nông dân được đẩy mạnh.
Những nông dân điển hình trong lao động sản xuất

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân và Ban Thi đua khen thưởng tỉnh, phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội Nông dân được đẩy mạnh. Công tác phát hiện, xây dựng, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến đã có bước phát triển mới cả diện rộng và chiều sâu. Báo Phú Yên giới thiệu một số nông dân điển hình tiên tiến được UBND tỉnh khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2013-2018.

 

* ÔNG PHẠM XUÂN THỜI (XÃ XUÂN CẢNH, TX SÔNG CẦU): Thu tiền tỉ mỗi năm từ nuôi ốc hương

 

Trước đây, ông Phạm Xuân Thời nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm hùm, nhưng liên tục bị thua lỗ do tôm thường bị dịch bệnh. Sau một thời gian tìm hiểu, ông Thời nhận thấy ốc hương là đối tượng dễ nuôi, kỹ thuật đơn giản, giá trị thương phẩm cao, lại ít dịch bệnh và ở Xuân Cảnh ít người nuôi.

 

Quyết chí làm, đầu năm 2012, ông Thời cải tạo đìa nuôi tôm cũ, rút cạn nước, phơi đáy đìa kết hợp bón vôi sát trùng ao, dọn dẹp sạch rong và ốc tạp rồi phủ lên đáy đìa lớp cát biển sạch dày để ốc vùi mình. Với nguồn con giống mua về từ Nha Trang (Khánh Hòa), ông Thời bắt đầu nuôi thử nghiệm trên diện tích 0,5ha với hơn 1.000 con ốc giống.

 

Thời gian đầu, ốc còn nhỏ, ông chỉ chắn lưới khoanh vùng diện tích nhỏ để ương nuôi, vừa dễ dàng chăm sóc, thu gom thức ăn thừa, vừa tiết kiệm lượng cát sạch làm nền đáy ao. Khi ốc đạt kích cỡ lớn hơn, ông cho thêm cát sạch và mở rộng đăng chắn. Năm đầu tiên, nhờ chịu khó chăm sóc, ốc hương phát triển tốt, ông thu hoạch được 4,5 tấn ốc thương phẩm. Với giá bán tại thời điểm đó là 120.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 400 triệu đồng.

 

Thấy việc nuôi ốc hương hiệu quả, ông mạnh dạn mở rộng diện tích và tăng dần số lượng con giống thả nuôi. Mỗi năm với diện tích 1,5ha, gia đình ông thả nuôi hơn 2.000 con ốc hương giống, với nguồn thức ăn chính cho ốc là tôm, cá tươi, thời gian nuôi mỗi vụ từ 4,5-6 tháng, gia đình ông thu hoạch hàng chục tấn ốc hương/vụ. Với giá bán 150.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí ông thu lãi hơn 1,5 tỉ đồng/năm.

 

Hiện tại đìa nuôi ốc hương của gia đình ông Thời tạo việc làm cho 4 lao động có mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ làm giàu cho mình, ông Thời còn giúp đỡ nhiều hộ khó khăn trong thôn về con giống và hướng dẫn mọi người cùng nuôi ốc hương hiệu quả.

 

* ÔNG NGUYỄN VĂN ĐỊNH (XÃ HÒA THÀNH, HUYỆN ĐÔNG HÒA): Chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mang lại hiệu quả cao

 

Chủ động chuyển đổi 8/10 sào đất của gia đình thường xuyên bị nhiễm phèn sang trồng dưa leo và bắp, chỉ giữ lại 2 sào trồng lúa để có gạo ăn. Sau vài vụ sản xuất, thấy trồng rau màu hiệu quả cao hơn trồng lúa nên ông Nguyễn Văn Định chuyển toàn bộ diện tích đất còn lại sang trồng bắp, dưa leo, khổ qua… Bình quân mỗi sào, cây màu cho lãi khoảng 1,5 triệu đồng/vụ.

 

Năm 2013, nhận thấy một số hộ dân trong vùng trồng rau má cho thu nhập khá, ông Định chuyển sang trồng thử nghiệm loại rau này trên 3 sào đất của gia đình. Lúc đầu, do chưa nắm được kỹ thuật nên rau má phát triển chậm, năng suất rất thấp. Vừa trồng vừa học qua sách báo, cộng với chịu khó chăm sóc, tích lũy kinh nghiệm nên rau má dần phát triển ổn định, cho thu nhập cao, ông Định quyết định nhân giống trồng toàn bộ trên 10 sào đất của gia đình.

 

Theo ông Định, rau má ít sâu bệnh, sau khi thu hoạch, người trồng tiếp tục tưới nước, bón phân, một tháng sau rau sẽ cho lứa thu hoạch tiếp theo và có thể khai thác trong nhiều năm. Với 10 sào rau má, hiện nay bình quân mỗi ngày ông thu hoạch trên 100kg; với giá bán từ 7.000-9.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thu về hơn 15 triệu đồng/tháng, cao gấp 4-5 lần so với trồng dưa, bắp. Mô hình này không chỉ tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho 10-13 lao động ở địa phương, với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng.

 

Ngoài ra, để tăng thu nhập, ông Định còn thuê thêm 6 sào đất soi của UBND xã Hòa Thành để trồng cỏ, dựng trại nuôi bò và trồng bắp. “Nhờ có nguồn cỏ ổn định nên gia đình tôi duy trì nuôi được 10 con bò lai. Mỗi năm, từ việc nuôi bò, trồng bắp và trồng rau má, gia đình tôi thu lợi nhuận hơn 250 triệu đồng, có điều kiện xây mới nhà cửa và lo cho các con ăn học”, ông Định cho biết.

 

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, ông Định còn là hội viên nông dân tích cực tham gia các phong trào của địa phương; hỗ trợ công tác khuyến học, giúp đỡ các gia đình khó khăn. Bằng uy tín của mình, ông Định đã vận động bà con trong thôn chuyển đổi một số diện tích phù hợp để trồng rau má và hướng dẫn cặn kẽ cho họ từ cách trồng, chăm sóc, thu hoạch… Đến nay, 9 hộ dân đã chuyển đổi 2,3ha đất trồng các loại hoa màu khác sang trồng rau má, thu nhập tăng lên đáng kể.

 

* ÔNG NGUYỄN TRÍ THANH (XÃ AN MỸ, HUYỆN TUY AN): Vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền biển đảo

 

Năm 2015, Tổ Tàu thuyền sản xuất an toàn tại thôn Giai Sơn, xã An Mỹ, huyện Tuy An được thành lập với 7 thành viên và ông Nguyễn Trí Thanh được cử làm tổ trưởng. Đảm nhận nhiệm vụ này, ông Thanh đã nỗ lực cùng với các thành viên trong tổ phối hợp với chính quyền địa phương, Đồn Biên phòng An Hải và các cơ quan chức năng tuần tra, bảo vệ an ninh trật tự trên biển; tương trợ lẫn nhau trong quá trình khai thác hải sản; tuyên truyền, vận động mọi người cùng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về biên giới quốc gia; giúp đỡ ngư dân khi có sự cố tàu thuyền chết máy, mắc cạn...

 

“Thời gian qua, bản thân tôi và các thành viên trong tổ đã cung cấp cho Đồn Biên phòng An Hải hơn 40 tin về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội; phối hợp bắt quả tang 4 vụ sử dụng chất nổ, xung điện khai thác hải sản trên biển, 2 vụ khai thác cát trái phép; giải tán 7 tụ điểm cờ bạc và đá gà ăn tiền tại địa phương...”, ông Thanh cho biết.

 

Ngoài ra, ông Thanh còn mạnh dạn vay 2 tỉ đồng của Ngân hàng NN-PTNT để đóng tàu có công suất 678CV. Mỗi năm, phương tiện này vươn khơi đánh bắt 350-400 tấn cá các loại, thu nhập 3,5-4 tỉ đồng (gia đình lãi 500 triệu-1,3 tỉ đồng); mỗi thuyền viên thu nhập từ 60-80 triệu đồng/người.

 

* ÔNG TRẦN HỮU LUẬT (THỊ TRẤN HAI RIÊNG, HUYỆN SÔNG HINH): Sản xuất giỏi, tích cực tham gia công tác xã hội

 

Nhiều năm trồng sắn, bắp trên rẫy của gia đình nhưng thu nhập vẫn bấp bênh, năm 2010, ông Trần Hữu Luật quyết định vay vốn mua thêm đất, đầu tư trồng mía, cao su và một số cây nông nghiệp ngắn ngày. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất nên năng suất, chất lượng đường từ cây mía và mủ cao su ngày càng được nâng lên, đem lại thu nhập cao, giúp kinh tế gia đình ông ổn định, có điều kiện chăm lo tốt cho con cái.

 

Hiện nay, trang trại gia đình ông có 6ha mía, 3ha cao su, 2ha lúa nước, bắp và một ao cá rộng 500mkết hợp với phục vụ tưới tiêu. Bình quân hàng năm sau khi trừ chi phí, ông Luật thu về hơn 400 triệu đồng. 6 lao động làm việc thường xuyên cho ông có mức thu nhập 3 triệu đồng/người/tháng.

 

Không chỉ sản xuất giỏi, ông Luật còn tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương. Bằng uy tín của mình, ông tham gia tổ hòa giải của khu phố, hòa giải thành công nhiều vụ mâu thuẫn, tranh chấp; vận động bà con tham gia đóng góp hàng chục triệu đồng và hàng trăm ngày công làm mới 2km đường nội đồng, vận động hội viên nông dân đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân…

 

“Cuộc sống không ai muốn chịu cảnh nghèo khó, nhưng không vì thế mà mình buông xuôi. Tôi có được thành quả như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của Hội Nông dân và sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân. Theo tôi, để thoát khỏi đói nghèo, bản thân mỗi người phải có nghị lực để vượt qua khó khăn, tận dụng và sử dụng đất, nguồn vốn đúng mục đích, mang lại hiệu quả. Trong cuộc sống phải thực hành tiết kiệm, chăm chỉ lao động, tương thân tương ái”, ông Luật chia sẻ.

 

NGỌC HÂN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp