Chiều 8/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết áp thấp nhiệt đới ở miền trung Philippines đã đi vào Biển Đông. Lúc 13h, tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 610 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 7, giật cấp 9.
Trong 24 giờ tới, hình thái này đi nhanh theo hướng tây, vận tốc 25-30 km/h và mạnh thành bão. Chiều 9/11, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 170 km về phía tây bắc. Sức gió mạnh nhất cấp 8, giật cấp 10.
Nếu kịch bản này xảy ra, đây sẽ là cơn bão số 12 hình thành trên Biển Đông trong năm nay.
Dự báo đường đi của áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông trong những ngày tới. Ảnh: VNDMS. |
Sau đó, bão đi theo hướng tây, giảm vận tốc xuống chỉ còn 15 km/h và có khả năng mạnh thêm. Chiều 10/11, tâm bão nằm ngay trên vùng biển các tỉnh từ Phú Yên đến Ninh Thuận. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.
Theo cơ quan khí tượng Nhật Bản, bão có khả năng đổ bộ vào đất liền khu vực Phú Yên - Ninh Thuận trong ngày 10/11. Thời điểm đổ bộ, bão duy trì sức gió mạnh 20 m/s, tương đương cấp 8, giật cấp 10.
Hoàn lưu bão trải rộng khắp các tỉnh từ Nam Trung Bộ đến Tây Nguyên và một phần Nam Bộ.
Sau khi đi sâu vào đất liền, bão di chuyển theo hướng tây, vận tốc 15 km/h và suy yếu thành vùng áp thấp trên khu vực phía đông Campuchia.
Cơ quan khí tượng cảnh báo ngày 9-12/11, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ có thể hứng chịu một đợt mưa lớn diện rộng với nhiều nguy cơ về lũ quét, sạt lở và ngập úng.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông những giờ tới nằm từ vĩ tuyến 11 đến 15 độ vĩ bắc và từ kinh tuyến 112 đến 120 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của gió giật mạnh.
Tiếp tục tìm kiếm 13 người mất tích trong vụ sạt lở Trà LengLực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm 13 nạn nhân mất tích ở Trà Leng (Quảng Nam) sau 2 ngày tạm dừng do ảnh hưởng bão số 10. |
Nhà dân 'chờ sập' bên bờ kè sạt lởBờ kè đầu tư tiền tỷ ở Hà Tĩnh bị xói lở, hư hỏng sau các đợt mưa lớn. Một số nhà dân dọc bờ kè đứng trước nguy cơ sụt lún, đổ sập. |