Sáng nay (11/11), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6 tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Hồi 7h, tâm vùng áp thấp trên khu vực phía nam của Tây Nguyên với sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/h). Trong ngày, vùng áp thấp tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây bắc rồi tan dần.
Gió mạnh, mưa lớn
Cơ quan khí tượng cảnh báo tình hình mưa lớn, lũ, lũ quét, sạt lở đất vùng núi và ngập lụt vùng trũng thấp ở các tỉnh Trung Bộ còn diễn biến phức tạp, cần chú ý theo dõi.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 6, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đã có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9. Nơi có gió giật cấp 9 đo được ở Tuy Hòa (Phú Yên) và An Nhơn (Bình Định).
Sáng nay, áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 6 tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Ảnh: NCHMF. |
Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ đã có mưa to đến rất to, lượng mưa tính từ 7h ngày 10/11 đến 7h ngày 11/11 phổ biến 100-250 mm, một số nơi có lượng mưa cao hơn như Sông Hinh (Phú Yên) 335 mm, Hòa Sơn (Khánh Hòa), 226 mm, Ea M doan (Đắc Lắk) 325 mm, M Drak (Đắc Lắk) 306 mm.
Không được chủ quan
Trực tiếp chỉ đạo Sở chỉ huy tiền phương tại tâm bão Phú Yên và Khánh Hòa, trao đổi với Zing.vn tối 10/11, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp. Ảnh: Phạm Trường. |
Để ứng phó, các địa phương Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa đã sơ tán hơn 6.560 hộ với 22.700 người dân thoát khỏi khu vực nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp trong cơn bão số 6.
Thứ trưởng Hiệp phân tích ngay từ lúc hình thành, bão số 6 chạy lòng vòng ra ngoài biển chứ không vào bờ. Mặt khác, thời điểm hình thành cơn bão này, toàn bộ dải hội tụ có 4 cơn bão xuất hiện nên tác động qua lại, khó thể dự báo chính xác.
Nakri vào bờ thì gặp gió mùa đông bắc, không khí lạnh khiến cho cơn bão số 6 ngày càng giảm cấp.
Cơn bão này khi hình ở ngoài biển gió giật cấp 15, càng vào bờ thì càng giảm cấp với trọng tâm ở Phú Yên và Khánh Hòa, bão còn cấp 8, giật cấp 10, cấp 11.
Lực lượng vũ trang giúp người dân ứng phó bão số 6 ở làng chài xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn). Ảnh: Minh Hoàng. |
Thứ trưởng Hiệp cho rằng thiên tai hoành hành kéo dài, chưa thể lường hết diễn biến phức tạp của bão và sau bão. Khi bão chưa tan thì tuyệt đối cấm người dân ở vị trí sơ tán quay lại nhà, lồng bè hoặc ra khơi đánh cá để tránh nguy hiểm tính mạng.
Ông dẫn chứng, dù địa phương đã khuyến cáo nhưng hai người dân vẫn bơi ra lồng bè cách bờ 250 m để cho cá ăn và bị kẹt giữa sóng to, gió lớn nguy hiểm.
Cán bộ, chiến sĩ giúp dân chằng mái nhà ứng phó với bão số 6 ở vùng ven biển huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi). Ảnh: Minh Hoàng. |
Hoàn lưu bão số 6 sẽ gây cho cả đợt là 300 mm ở các tỉnh từ Bình Định - Khánh Hòa và cả các tỉnh Tây Nguyên. Do lưu vực mưa rất lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lo nhiều hồ chứa ở các tỉnh khu vực Tây Nguyên tích đầy.
"Lo nhất là lượng mưa cực đoan các tỉnh Tây Nguyên đổ dồn về hạ du gây ra lũ lớn. Tùy theo lượng mưa, chúng tôi đã xây dựng các kịch bản để ứng phó mưa lũ sau bão số 6", ông Hiệp cho biết thêm.
Hai người Khánh Hòa mắc kẹt ngoài biển khi bão vàoTrưa 10/11, ông Hết và ông Sơn tự ý bơi ra khu nuôi lồng bè sau khi đã vào bờ trước đó. |