Các di tích văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh cấp quốc gia, cấp tỉnh là tài sản vô giá của địa phương, tạo nên giá trị văn hóa lịch sử mang tính đặc thù của từng vùng đất. Để các di tích phát huy giá trị văn hóa lịch sử trong giai đoạn mới, trước hết cần quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ các di tích đã có quyết định công nhận.
Hiện trên địa bàn Phú Yên có nhiều di tích còn bị lấn chiếm, xâm hại nên việc phát huy các giá trị văn hóa lịch sử còn nhiều hạn chế. Đơn cử, Tháp Nhạn và quần thể di tích Tháp Nhạn (TP Tuy Hòa) là di tích văn hóa, lịch sử cấp quốc gia. Bia Chợ Dinh dưới chân núi Nhạn được khắc từ thế kỷ IV, có giá trị đặc biệt về nhiều mặt. Nhưng hiện nay, Bia Chợ Dinh đang chìm khuất sau lưng nhà dân, sát bia là chuồng heo. Bà con cơi nới để chăn nuôi, gác cột kèo lên cả mặt chữ của Bia Chợ Dinh. Nếu không được bảo vệ kịp thời, chỉ bong tróc một vài chữ là không thể khắc phục được.
Tương tự, Hành cung Long Bình (TX Sông Cầu) là di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh lưu ký ức một thời thủ phủ xưa của tỉnh Phú Yên, nơi vua Bảo Đại đã hai lần về đây để đi thăm đập Đồng Cam (1933) và khánh thành nối ray đường sắt cuối cùng của tuyến đường sắt xuyên Việt tại Hảo Sơn (2/9/1936). Tuy nhiên, trong khu vực Hành cung Long Bình hiện có 16 hộ dân đang sinh sống. Rất cần có chính sách tái định cư cho 16 hộ dân này để trả lại giá trị văn hóa lịch sử cho hành cung trước khi tiến hành trùng tu, tôn tạo như lịch sử đã có.
Cần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc hành lang bảo vệ các di tích văn hóa lịch sử như quy định của Luật Bảo vệ di sản để các di tích ngày càng tỏa sáng hơn trong cộng đồng, là niềm tự hào của quê hương, đóng góp vào công cuộc đổi mới đang diễn ra sôi động trên quê hương Phú Yên.
HỒNG LOAN
(phường 9, TP Tuy Hòa)