Chiều thứ sáu tuần trước, vợ chồng con trai bận việc đột xuất nên nhờ tôi đi đón giùm cháu nội học tại Trường tiểu học Lạc Long Quân (phường 7, TP Tuy Hòa). Đến 17 giờ mới tan học, nhưng trước đó khoảng 15 phút, sân trường đã đông nghịt phụ huynh với xe máy đến chờ con cháu để chở về nhà. Quan sát, tôi thấy trong khi hầu hết phụ huynh nữ đều đeo khẩu trang kín mít thì tuyệt đại đa số nam giới hầu như không có.
Tôi hỏi một ông ngồi sát ghế đá gần bên, ông cười trả lời: Sân trường rộng rãi, thoáng mát nên không khí luân chuyển chứ không ứ đọng như trong phòng. Vì vậy, tôi cho rằng không có khẩu trang cũng chấp nhận được. Nhưng nghe bạn nhắc, từ ngày mai tôi sẽ mang lại để cùng phòng ngừa COVID-19!
Cũng thường đi đón cháu ở Trường mầm non Baby (cơ sở 2) và chở bà xã đi chợ phường 7, tôi nhận thấy các phụ huynh nữ cũng thực hiện tốt việc đeo khẩu trang hơn giới mày râu. Vì vậy, có thể tạm rút ra kết luận rằng, việc đeo khẩu trang hiện nay đang được phụ nữ chấp hành nghiêm túc hơn so với đàn ông!
Mỗi người khi đeo khẩu trang trước hết là để bảo vệ bản thân, phòng chống những độc hại, lây nhiễm chung quanh, đồng thời góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng vì nhờ có khẩu trang mà người tiếp xúc, đối diện khỏi hít phải các giọt hô hấp (đôi khi tiềm ẩn các mầm bệnh) của chính mình. Vì thế, trong phòng, chống COVID-19 lâu nay, Bộ Y tế thường xuyên kêu gọi người dân cả nước thực hiện nghiêm túc 5K. Đó là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế.
Gần đây, Chính phủ ban hành Nghị định 117/2020/NĐ-CP. Trong đó, tăng mạnh mức xử phạt đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu để phòng dịch và có hiệu lực từ ngày 15/11/2020. Theo đó, điểm a khoản 1 Điều 12 của nghị định này quy định phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (tức 6 triệu đồng).
Trước đó, Nghị định 176/2013/NĐ-CP quy định chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với hành vi không thực hiện biện pháp bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch và người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Như vậy, từ ngày 15/11/2020, hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng khi có yêu cầu phòng dịch, có thể bị phạt tới 6 triệu đồng.
Hiện tại, cả nước mới chỉ có TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chính thức áp dụng quy định người dân phải thực hiện việc đeo khẩu trang bắt buộc ở nơi công cộng, trên phương tiện giao thông công cộng như một biện pháp bảo vệ cá nhân để phòng, chống COVID-19. Nếu không đeo khẩu trang ở những nơi công cộng sẽ bị phạt tiền và thực tế hai địa phương này đã bắt đầu xử phạt những người vi phạm.
Từ ngày xảy ra dịch COVID-19 đến nay, cùng với đồng thuận thực hiện các biện pháp phòng chống tích cực, hiệu quả khác, người dân Phú Yên chấp hành khá tốt việc đeo khẩu trang nơi công cộng, nhất là ở bệnh viện, ngân hàng, bưu điện, chợ, ga tàu xe… Trong tình hình dịch bệnh chưa “hạ nhiệt” như hiện nay, cần khuyến cáo, nhắc nhở người dân tiếp tục duy trì tốt việc đeo khẩu trang nơi công cộng, mà trường học là một địa điểm cần quan tâm. Thậm chí, cần tiến hành triển khai xử phạt các trường hợp vi phạm theo tinh thần Nghị định 117/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
VĂN PHÚ CHƯƠNG
(phường 7, TP Tuy Hòa)