Phú Yên có tổng diện tích tự nhiên là 502.342ha, với địa hình hơn 80% là vùng đồi núi, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp theo kết quả kiểm kê rừng năm 2016 là 297.909ha, chiếm gần 60% diện tích tự nhiên.
Quy hoạch bảo vệ phát triển rừng tỉnh Phú Yên giai đoạn 2011-2020 khẳng định: “Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 287.898ha đất quy hoạch lâm nghiệp, trong đó diện tích quy hoạch cho 3 loại rừng là 250.000ha.
Hoàn thiện việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và hộ gia đình, cá nhân, nhằm sử dụng có hiệu quả diện tích đất lâm nghiệp; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, xóa đói giảm nghèo, ổn định và từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào miền núi”.
Để thực hiện mục tiêu này, vấn đề nhận thức về vai trò, giá trị to lớn của rừng luôn được các cấp chính quyền, địa phương quan tâm với vai trò chủ đạo là ngành Lâm nghiệp Phú Yên nhằm có giải pháp cụ thể để vừa giữ rừng vừa khai thác được tiềm năng kinh tế một cách bền vững.
Phương châm hành động cho mục tiêu xuyên suốt, toàn diện từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững là “sự phát triển có thể đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai...” (Báo cáo Brundtland của Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới - WCED.1987). Nói cách khác, phát triển bền vững là một quá trình dàn xếp thỏa hiệp giữa các hệ thống kinh tế, tự nhiên và xã hội (IIED.1995).
Giai đoạn 2011-2015 toàn tỉnh đã trồng được 24.944ha rừng, bình quân mỗi năm trồng gần 5.000ha rừng. Trong đó, trồng rừng phòng hộ và đặc dụng hơn 2.000ha; trồng rừng sản xuất gần 23.000ha. Giao khoán bảo vệ rừng tự nhiên có hỗ trợ ngân sách từ các chương trình dự án 24.255ha; khoanh nuôi thành rừng hơn 2.000ha; khai thác gỗ rừng trồng thay thế nguồn nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên hơn 123.000m3; đưa tổng giá trị sản xuất lâm nghiệp giai đoạn 2011-2015 đạt 737,94 tỉ đồng, tăng trưởng bình quân của cả giai đoạn tăng 6,9%.
Trong những năm qua, Phú Yên không thực hiện khai thác chính từ gỗ rừng tự nhiên tiến đến đóng cửa rừng toàn diện, tăng cường hoạt động sản xuất giống cây trồng và quản lý nguồn giống trồng rừng, gắn công tác trồng rừng với chế biến lâm sản; phát huy các giá trị lâm sản khác ngoài gỗ từ rừng tự nhiên, tăng cường quản lý nhà nước về công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn mọi hành vi xâm phạm đến rừng, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi nguồn tài nguyên rừng từ tỉnh đến huyện.
Với quan điểm “…bảo vệ rừng như bảo vệ một hệ sinh thái luôn phát triển, vừa bảo đảm khả năng tái tạo và sử dụng rừng một cách tối ưu…” (Chiến lược Phát triển Việt nam giai đoạn 2011-2020), Phú Yên đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành Lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; xây dựng lộ trình tiến đến mục tiêu quản lý rừng bền vững và thương mại lâm sản có trách nhiệm.
Năm 2017, ghi nhận thành công bước đầu của ngành Lâm nghiệp Phú Yên, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã triển khai nhiều chương trình, dự án lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh: Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) hỗ trợ tiến trình lập chứng chỉ rừng FSC; Liên minh HTX Quốc tế (FFD) với dự án Hỗ trợ các hộ trồng rừng quy mô nhỏ hướng tới chứng chỉ rừng tại Việt Nam; Viện Tài nguyên môi trường Đại học Huế hỗ trợ tập huấn trồng rừng kinh doanh gỗ lớn; Tổ chức Worldwide fund for Nature tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Mạng lưới giám sát buôn bán các loài hoang dã (TRAFFIC) và tổ chức Regional Community Forestry Training Center for Asia and the Pacific (RECOFTC) hỗ trợ kỹ thuật quản lý rừng bền vững và thương mại gỗ có trách nhiệm...
Bảo vệ rừng, phát triển rừng để giữ lấy “lá phổi xanh” của Phú Yên đã và đang được sự đồng thuận cao từ mọi tầng lớp nhân dân.
THIÊN TRÙ
(phường 7, TP Tuy Hòa)