Âm vang trống đôi, cồng ba, chiêng năm

Thứ năm - 07/03/2019 16:55
Trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng rộn rã, những cô gái Ba Na, Chăm xúng xính trong những bộ trang phục đầy sắc màu nhịp nhàng và uyển chuyển theo từng nhịp gõ, khiến bao người ngất ngây như say men rượu cần.
Âm vang trống đôi, cồng ba, chiêng năm

Trong tiếng trống, tiếng cồng chiêng rộn rã, những cô gái Ba Na, Chăm xúng xính trong những bộ trang phục đầy sắc màu nhịp nhàng và uyển chuyển theo từng nhịp gõ, khiến bao người ngất ngây như say men rượu cần.

 

Tháng Giêng, khi những tia nắng vàng rực rỡ xua tan màn sương, chúng tôi cũng vừa kịp đến với lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm ở thôn Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân). Hòa trong không khí lễ hội, mọi người đang lâng lâng trong âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm nơi đại ngàn. Những âm thanh hòa quyện nhau khi tươi vui, rộn ràng; khi thì rất đỗi da diết, nhẹ nhàng như muốn níu chân người...

 

“Vũ điệu” cúng thần linh

 

Các nghệ nhân xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân) trình diễn trống đôi tại lễ hội - Ảnh: THIÊN LÝ

Hòa cùng âm thanh của trống đôi, cồng ba, chiêng năm và những điệu múa xoang của các chàng trai cô gái Ba Na, Chăm là lời khấn của thầy cúng trong lễ cầu an của những nghệ nhân thôn Xí Thoại như vọng khắp cả núi rừng: Ơi Yàng (thần linh)! Yàng khởi nguyên chăm sóc loài người, Yàng trời, Yàng đất, Yàng cây, Yàng núi, Yàng sông...

 

Hôm nay, toàn thể dân làng, già trẻ, gái trai tổ chức lễ cúng cầu an để cảm ơn các Yàng đã cho chúng ta một cuộc sống bình an. Cầu xin các Yàng phù hộ cho dân làng đời sống ấm no, hạnh phúc, không đau ốm bệnh tật và những điều tốt, xua đuổi những điều xấu...

 

Anh Bùi Văn Hiệp, trưởng nhóm nghệ nhân Trống đôi, cồng ba, chiêng năm thôn Xí Thoại, tâm sự: “Đồng bào dân tộc thiểu số có rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống; trong đó, trống, cồng chiêng là những nhạc cụ tiêu biểu nhất. Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Ba Na thôn Xí Thoại, trống đôi, cồng ba, chiêng năm có một vị trí, ý nghĩa đặc biệt trong những dịp lễ hội, nghi lễ...”.

 

Cũng với trống đôi, cồng ba, chiêng năm và những điệu xoang, nhóm nghệ nhân xã Xuân Quang 1 lại trình diễn một nghi thức hoàn toàn khác trong lễ cúng đổ đầu (còn gọi là cúng đầu năm). Đây là lễ cúng không thể thiếu vào dịp đầu năm mới, là tục lệ truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm, nhằm cầu sức khỏe, làm ăn phát tài, phát lộc, “chân cứng đá mềm”, đi đến nơi về đến chốn... trong một năm.

 

Các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào Ba Na, Chăm đã được tái hiện sinh động và chân thực. Sự hòa quyện của ba loại nhạc cụ này về âm điệu, tiết tấu và ngôn ngữ hình thể của người biểu diễn đã tạo nên những màn trình diễn nghệ thuật độc đáo.

 

Lựa chọn lễ mừng lúa mới, các nghệ nhân xã Đa Lộc đã giới thiệu đến mọi người về một phong tục lâu đời của đồng bào Ba Na, Chăm. Qua đó tôn vinh những hạt lúa của trời ban cho dân làng và tục cúng trời, cúng các vị thần linh như: cúng trời đất, các thần sông suối, thần núi, thần mưa, thần sấm, thần mùa màng để cho mưa thuận gió hòa.

 

Theo anh Lê Văn Đông ở thôn 1, xã Đa Lộc, trong quá trình thu hoạch, già làng sẽ quyết định chọn một đám lúa tốt nhất để tổ chức lễ cúng thần lúa, thần nông ngay tại chân ruộng. Vào ngày này, bà con trong làng đều phải có mặt, ai cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thức ăn của mình phục vụ buổi lễ, như một vài ché rượu cần hoặc một con gà, miếng thịt. Thầy cúng cùng già làng sẽ soạn mâm lễ cúng theo nghi thức và khấn để mong thần lúa mang lại sự ấm no cho dân làng.

 

Tiếp đó, già làng sẽ chọn khoảng 10 thanh niên nam nữ để đại diện dân làng xuống ruộng, từng người tay nắm lấy từng bụi lúa. Sau mỗi lời khấn của thầy cúng, nhóm thanh niên sẽ giơ cao bó lúa lên trời và đồng thanh hô, hát và múa theo, vừa thể hiện sự linh thiêng lại vừa thắm tình đoàn kết của bà con dân làng.

 

Lễ cúng lúa mới diễn ra trong khoảng một vài giờ, sau đó mọi người ăn uống no say, nhảy múa theo tiếng cồng chiêng vang vọng. “Sau khi lễ hội chung của làng kết thúc, bà con lại tiếp tục lễ cúng mừng lúa mới theo từng nhà. Việc tổ chức lễ lớn hay nhỏ tùy thuộc vào khả năng thu hoạch được nhiều hay ít của từng gia đình, và cũng theo đó mà thời gian có thể kéo dài một hay nhiều ngày.

 

Đây cũng là dịp để gia chủ mời bà con, họ hàng, bạn bè các buôn lân cận cùng đến vui chơi, ăn uống, múa hát, nhà nào có đông khách coi như là niềm vinh dự”, ông Mang Thân ở thôn 1, xã Đa Lộc nói.

 

Thanh âm hòa mối kết đoàn

 

Năm 2016, nghệ thuật trình diễn Trống đôi, cồng ba, chiêng năm của dân tộc Ba Na thôn Xí Thoại, xã Xuân Lãnh (huyện Đồng Xuân) được Bộ VH-TT-DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, từ năm 2017, Sở VH-TT-DL phối hợp với UBND huyện Đồng Xuân tổ chức lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm vào ngày 16 tháng Giêng, trở thành một lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Xuân vào dịp năm mới.

Lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm huyện Đồng Xuân những năm gần đây còn có sự tham dự của đoàn nghệ nhân huyện Vân Canh (Bình Định). Với họ, dịp này không chỉ được tham dự và trình diễn những âm điệu đặc sắc của cồng chiêng, trống đôi truyền thống của địa phương mình, mà còn là cơ hội để các nghệ nhân có thể giao lưu, giữ gìn, phát huy bản sắc các giá trị văn hóa.

 

Ông Sô Y Lũy, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Vân Canh, cho biết: “Đây là lần thứ hai, huyện Vân Canh tham gia lễ hội Trống đôi, cồng ba, chiêng năm ở Xí Thoại (xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân). Ngoài hai đoàn thuộc xã Canh Hòa và Canh Liên, năm nay có sự tham gia của đoàn nghệ nhân đến từ xã Canh Hiệp. Mỗi đoàn có khoảng 40 người. Các đoàn đã có sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng từ kỹ thuật đánh trống, cồng chiêng đến trang phục...”.

 

Tiếng trống, tiếng cồng, chiêng bay xa, làm cho khoảng cách giữa những người con của đại ngàn càng khăng khít hơn. Để thể hiện niềm vui của đồng bào anh em có dịp được gặp gỡ, các nghệ nhân xã Canh Hòa, huyện Vân Canh, đã trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm với trích đoạn lễ cúng mừng cho sự gặp gỡ của các cộng đồng dân cư. Lễ cúng thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ tương trợ lẫn nhau; mong cho bà con được ấm no, sung túc, an toàn trong đi lại.

 

Anh Trần Văn Ảng, Trưởng đoàn nghệ nhân xã Canh Hòa, chia sẻ: “Dịp Tết ai nấy đều bận rộn. Gần như nhà nào cũng tất bật với nương rẫy, vừa lo chuẩn bị gạo, men, lá cây... để ủ rượu cần, nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi, anh em trong làng lại í ới gọi nhau luyện tập trống đôi, cồng chiêng”.

 

Theo phong tục, tập quán, tín ngưỡng của bà con sinh sống trên địa bàn huyện Vân Canh, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, bà con nơi đây tất bật chuẩn bị cho một năm mới sung túc, đủ đầy. Trong đó không thể thiếu các lễ cúng đầu năm mới như: cúng đổ đầu, cúng ông táo, cúng ông bà tổ tiên... Tuy nhiên, đến với lễ hội, các nghệ nhân xã Canh Hiệp đã chọn trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm cùng lễ cúng ăn heo ký - một trong những nghi lễ đặc sắc về vòng đời của người Chăm ở Vân Canh.

 

Những nhịp chân lắc lư theo điệu cồng chiêng, trống đôi giục giã, mê hoặc đông đảo du khách và người dân địa phương tham gia, hòa cùng lễ hội sôi nổi. Chị Nguyễn Thị Hoa (TP Tuy Hòa) hào hứng nói: “Dịp này, tiếng trống, tiếng cồng, tiếng chiêng cùng những điệu múa vang lên rộn rã khắp các nhà sàn trong buôn, vang vọng cả núi rừng. Những màn biểu diễn độc đáo đã để lại nhiều ấn tượng”.

 

Ông Nguyễn Ngọc Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL Phú Yên, cho biết: “Ngoài 7 đoàn nghệ nhân của các dân tộc thiểu số đến từ 6 xã trên địa bàn huyện Đồng Xuân, còn có sự tham gia của đoàn nghệ nhân dân tộc thiểu số 3 xã: Canh Hòa, Canh Liên, Canh Hiệp của huyện Vân Canh (tỉnh Bình Định). Đây là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Xuân gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, tăng cường tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc; đồng thời phát huy hiệu quả điểm du lịch - văn hóa thôn Xí Thoại, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương”.

 

Gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật trình diễn trống đôi, cồng ba, chiêng năm là cả một quá trình của các cấp chính quyền và nhân dân địa phương. Những năm trước, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, một số cồng chiêng bị thất lạc hoặc bị kẻ xấu lợi dụng buôn bán ra thị trường. Tuy nhiên, huyện đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời tình trạng này; đồng thời, huyện đã hỗ trợ kinh phí để các địa phương tự tìm và chọn mua bộ cồng chiêng phù hợp. Huyện còn nỗ lực bảo tồn nghề thổ cẩm, để tạo ra những bộ trang phục truyền thống, góp phần duy trì và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.

 

Bí thư Huyện ủy,

Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân Đặng Ngọc Anh

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp