Thu Hồng và những trang viết tin yêu cuộc sống

Chủ nhật - 17/03/2019 02:05
Lặng lẽ đến với văn chương, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng tìm thấy niềm vui trên hành trình sáng tạo đầy nhọc nhằn. Sau những Tự tình sông, Giấu mình hoa cỏ, Đi giữa trời xuân..., chị đánh dấu chặng đường 15 năm gắn bó với văn chương bằng tập truyện ngắn dung dị và tràn đầy tình yêu cuộc sống: Đi về phía mặt trời.
Thu Hồng và những trang viết tin yêu cuộc sống

Lặng lẽ đến với văn chương, cô giáo Nguyễn Thị Thu Hồng tìm thấy niềm vui trên hành trình sáng tạo đầy nhọc nhằn. Sau những Tự tình sông, Giấu mình hoa cỏ, Đi giữa trời xuân..., chị đánh dấu chặng đường 15 năm gắn bó với văn chương bằng tập truyện ngắn dung dị và tràn đầy tình yêu cuộc sống: Đi về phía mặt trời.

 

Tác giả Thu Hồng trong buổi ra mắt tập truyện ngắn Đi về phía mặt trời - Ảnh: CTV

 

Ở xã Đa Lộc, huyện miền núi Đồng Xuân, chị Thu Hồng được biết đến với vai trò Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Viết Xuân. Còn với bạn bè văn chương ở Phú Yên, chị là một cây bút “đều tay” ở cả hai mảng: thơ lẫn văn xuôi. Thơ, với chị là sự giãi bày, còn văn xuôi là sự trải nghiệm muôn sắc màu trong đời sống để rồi thêm yêu cuộc sống.

 

Năm 2007, Thu Hồng và người bạn thân - cây bút nữ Lệ Thanh - ra mắt tập truyện ngắn đầu tay Hoa mướp cuối mùa. Ba năm sau, chị có tập truyện ngắn Rồi sẽ như gió bay xa, đến năm 2015 thì có Phía sau đồi sim. Về thơ, Thu Hồng đã ra mắt bạn đọc ba tập: Tự tình sông (năm 2012), Giấu mình hoa cỏ (năm 2013) và Đi giữa trời xuân (năm 2016). Hai năm sau đó, ngoài công việc tại Trường THCS Nguyễn Viết Xuân, chị dành thời gian chuẩn bị cho sự ra đời của đứa con tinh thần thứ 6 (in riêng): Đi về phía mặt trời. Thu Hồng thổ lộ: “Tập truyện này đánh dấu chặng đường 15 năm sáng tác của tôi”.

 

Buổi ra mắt Đi về phía mặt trời được cây bút nữ Thu Hồng tổ chức ở ngoại ô, ấm áp tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp. Những lời chúc mừng, những giỏ hoa tươi thắm, những bàn tay siết chặt... Tác giả Đi về phía mặt trời mỉm cười hạnh phúc khi đứa con tinh thần của mình được các đồng nghiệp cùng bạn bè văn chương đón nhận và trân trọng.

 

Không giống với các tập sách khá lãng mạn trước đây, trong Đi về phía mặt trời, Thu Hồng sử dụng bút pháp hiện thực để tái hiện trên từng trang viết nhiều gam màu của đời sống, qua các nhân vật giản dị, gần gũi. Đó là Thanh - người đã giúp dân cứu lúa, cứu mía, đồng thời tham gia cứu người trong và sau cơn bão Con Voi, được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn (Đi về phía mặt trời), là Oanh - cán bộ Hội Phụ nữ thường xuyên đi hòa giải những lục đục trong một số gia đình (Chái bếp chiều hôm), là Cẩm - cô giáo dạy Ngữ văn mới được tăng cường từ miền xuôi lên miền núi (Nụ cười tỏa nắng), là những nhà giáo nặng lòng với sự nghiệp trồng người (Chữ và người), là những người lính trở về từ Trường Sa, sống xứng danh Bộ đội Cụ Hồ (Biển đảo gọi tên)...

 

Quê ở Bình Định, Thu Hồng có hơn 40 năm gắn bó với huyện miền núi Đồng Xuân. Cây bút nữ sinh năm 1966 thiết tha yêu mảnh đất, con người nơi đây. Người nông dân ở Đa Lộc - nơi gia đình Thu Hồng sinh sống - hiền lành, chất phác đi vào các tác phẩm của chị. Bên cạnh mảng đề tài lớn về nông thôn - nông dân, Thu Hồng khai thác đề tài giáo dục dưới góc nhìn của một nhà giáo. Rồi chị viết về những thật - giả trong đời sống này, khi người ta có thể đánh cắp lòng tin của nhau trên mạng xã hội... Song vượt lên tất cả, qua từng trang viết giản dị, người đọc cảm nhận niềm tin của cây bút nữ này vào con người, vào những điều tốt đẹp trong cuộc đời này.

 

Nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, nhận xét: “Thu Hồng viết đều tay từ thơ cho đến văn xuôi, sức viết bền bỉ. Thơ của Thu Hồng nhẹ nhàng, hiền lành, bình dị và văn cũng vậy... Trong Đi về phía mặt trời có các truyện ngắn như những hoài niệm đẹp, đáng trân trọng về tình yêu con người với con người, làm thánh thiện hơn cuộc sống này”.

 

Theo nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, cây bút nữ Thu Hồng biết điều gì cần viết, cần chắt lọc để viết. Chị viết nhẹ nhàng, sâu lắng... “Đọc văn của Thu Hồng, ta cảm giác bình yên và cảm nhận nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống”, tác giả của Mắt phượng, Gió trên đồi hoang, Đất còn phù sa, Tiếng vọng đồng rừng... cảm nhận. Còn nhà thơ H.Man, cây bút được sinh ra và lớn lên bên dòng sông Thu Bồn, nhận xét: “… Cái đẹp luôn ẩn tàng trong tâm hồn của mỗi con người, dù ở bất cứ vị trí nào trong xã hội. Bằng ngôn ngữ bình dị, mộc mạc được thể hiện qua truyện ngắn Đi về phía mặt trời, Thu Hồng đã hướng người đọc nhận chân cái đẹp từ những sự việc rất bình thường diễn ra trong cuộc sống quanh ta…”.

 

YÊN LAN

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp