Hết lòng vì nghệ thuật xiếc

Thứ ba - 19/03/2019 12:35
Mới đây, Đoàn Nghệ thuật xiếc đương đại thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã khiến khán giả TP Tuy Hòa nức lòng bằng những màn trình diễn ngoạn mục trên sân khấu. “Để có được những phút giây thăng hoa như vậy, các diễn viên phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả mạng sống.
Hết lòng vì nghệ thuật xiếc

Mới đây, Đoàn Nghệ thuật xiếc đương đại thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã khiến khán giả TP Tuy Hòa nức lòng bằng những màn trình diễn ngoạn mục trên sân khấu. “Để có được những phút giây thăng hoa như vậy, các diễn viên phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả mạng sống. Vì tình yêu với nghề, họ vẫn tiếp tục theo đuổi, hy sinh và cống hiến”, NSƯT Đỗ Văn Hùng, Trưởng Đoàn Nghệ thuật Xiếc đương đại thuộc Liên đoàn Xiếc Việt Nam tâm sự.

 

Báo Phú Yên đã có cuộc trò chuyện với NSƯT Đỗ Văn Hùng về những suy nghĩ của nghề “nước mắt trước, nụ cười sau”.

 

Nghệ sĩ ưu tú Đỗ Văn Hùng

* Thưa anh, anh đã đến với con đường vừa khó vừa khổ này như thế nào?

 

- Sinh ra ở Hà Nội trong một gia đình không có truyền thống theo nghề, có lẽ niềm yêu thích xiếc từ hồi bé đã khiến tôi quyết tâm vào trường xiếc. Sau khi ra trường, tôi gắn bó với nghề xiếc cho đến nay. Đó cũng có thể là một mối duyên định sẵn!

 

* Hiện anh đảm nhận công việc gì trong đoàn?

 

- Công việc chính của tôi là vừa làm công tác quản lý vừa biểu diễn. Là một người quản lý với những lo toan bộn bề khó khăn của đoàn xiếc nhưng tôi vẫn giữ niềm đam mê với nghệ thuật xiếc, khát khao đưa nghệ thuật xiếc của Việt Nam đến với khán giả ở nhiều địa phương trong nước và nhiều nơi trên thế giới, để họ biết rằng xiếc Việt Nam thật tuyệt vời. Tôi nghĩ, đến hôm nay, tôi may mắn cân bằng được cả hai việc, khi vừa là nghệ sĩ vừa là trưởng đoàn.

 

* Xiếc là một nghề rất khắc nghiệt nhưng tuổi nghề lại rất ngắn ngủi, anh suy nghĩ gì về nhận xét này?

 

- Phải thừa nhận nghề xiếc, về mặt tập luyện rất khắc nghiệt. Nghệ sĩ tuyển vào được đào tạo từ bé, nhưng tuổi nghề lại rất ngắn ngủi. Nhất là đối với phụ nữ trên 30 tuổi, khả năng biểu diễn phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe. Sức khỏe của họ bị giảm sút kéo theo khả năng biểu diễn kém dần.

 

Ở độ tuổi 52, tôi cũng như nhiều đồng nghiệp lớn tuổi khác, gặp nhiều khó khăn trong biểu diễn. Vì vậy, tôi phải nỗ lực làm việc và rèn luyện để có một sức khỏe tốt, đủ bản lĩnh và kỹ năng... để tiếp tục đứng vững trên sân khấu.

 

* Theo anh, xiếc có phải là nghề kén người học?

 

- Thật ra, vấn đề này nằm ở người trong cuộc. Nếu một người thực sự yêu thích xiếc thì họ sẽ tìm mọi cách để theo đuổi nó và ngược lại. Với tính chất nguy hiểm, vô cùng khổ cực, hiện nay, những người muốn theo nghề xiếc càng ngày càng ít. Mặt khác, chính các bậc phụ huynh cũng không muốn cho con theo ngành này, dẫn đến việc thiếu nguồn nhân lực trẻ.

 

Tiết mục “Tạo hình trên trục vòng” - Ảnh: THIÊN LÝ

 

* Vậy làm thế nào để thu hút nhiều bạn trẻ có đam mê theo đuổi nghề này?

 

- Mình vẫn phải bằng mọi cách để có nguồn nhân lực. Ví dụ trong quá trình tuyển sinh, các trường phải đi các tỉnh, vào các trung tâm thiếu nhi, trường học để tuyển sinh (từ 11-16 tuổi).

 

* Hiện nay, nhu cầu giải trí của khán giả đã thay đổi trước những lựa chọn phong phú, không còn nhiều người mặn mà với việc xem xiếc, anh nghĩ sao?

 

- Cũng không thể trách được khán giả không đến với nghệ thuật xiếc bởi nhiều đoàn xiếc tư nhân chưa được đầu tư một cách bài bản về nơi biểu diễn cũng như trang thiết bị nên nhiều chương trình xiếc vẫn còn khá hạn hẹp. Và vì mục đích lợi nhuận, hầu như họ không quan tâm đến chất lượng chuyên môn, chất lượng nghệ thuật, khiến nhiều khán giả mất lòng tin vào ngành Xiếc.

 

* Vậy, việc biểu diễn miễn phí tại các tỉnh thành có nhằm lấy lại niềm tin của khán giả hay không?

 

- Liên đoàn Xiếc Việt Nam mỗi năm có 10 buổi biểu diễn miễn phí để phục vụ các đối tượng khó khăn, gia đình chính sách, có công... không có khả năng đi xem xiếc và những người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo. Mục đích là lấy lại lòng tin của khán giả, hai là thể hiện tính nhân văn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đi đến đâu cũng hướng về khán giả, hướng về những người yêu thích nghệ thuật xiếc.

 

* Xin cảm ơn anh!

 

NSƯT Đỗ Văn Hùng sinh năm 1967. Anh học tại Trường trung học Nghệ thuật Xiếc Việt Nam (nay là Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam) từ năm 1983. Sau đó, anh biểu diễn tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam từ năm 1990. Anh từng tham gia tiết mục “Vũ điệu Phương Đông” đạt HCV Liên hoan Xiếc toàn quốc năm 1995, giải “Nghệ thuật xuất sắc nhất” và “Đạo diễn xuất sắc nhất” tại Liên hoan nghệ thuật mùa xuân Bình Nhưỡng năm 1996, HCV Liên hoan Xiếc quốc tế năm 1997. Anh là đạo diễn của nhiều tiết mục xiếc đạt giải thưởng cao tại các liên hoan xiếc trong và ngoài nước như: “Cầu bậc”, “Vòng quay mạo hiểm”. Ngoài ra, tiết mục “nhào lộn trên sào” do chính anh dàn dựng sẽ được anh dự thi trong các kỳ liên hoan xiếc sắp tới.

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp