Nhà văn Trần Quốc Cưỡng: Thiết tha với con người, cuộc đời qua từng trang viết

Chủ nhật - 24/03/2019 09:36
Từ tập truyện ngắn đầu tay Mùa bướm vàng bay đến Ngựa trắng và Thành phố vắng bóng mặt trời, có thể nói nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, đã đi một chặng dài trên con đường văn chương đầy nhọc nhằn song cũng đầy hứng khởi.
Nhà văn Trần Quốc Cưỡng: Thiết tha với con người, cuộc đời qua từng trang viết

Từ tập truyện ngắn đầu tay Mùa bướm vàng bay đến Ngựa trắng và Thành phố vắng bóng mặt trời, có thể nói nhà văn Trần Quốc Cưỡng, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên, đã đi một chặng dài trên con đường văn chương đầy nhọc nhằn song cũng đầy hứng khởi. Tác phẩm của ông, từ thơ, tản văn đến truyện ngắn, truyện dài đều dung dị như chính con người ông. Đó là sự dung dị lấp lánh vẻ đẹp với tình yêu cuộc sống.

 

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng bên tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ - Ảnh: YÊN LAN

* Cơ duyên nào đã đưa một người làm việc tại ủy ban xã đến với văn chương, thưa ông?

 

- Đầu năm 1979, tôi làm việc tại Đài Truyền thanh xã Hòa Hiệp và bắt đầu viết tin, bài cộng tác với Báo Phú Khánh. Lúc ấy, tôi không biết bài viết của mình thuộc thể tài nào, cứ viết theo kiểu phản ánh những vấn đề về trị an ở địa phương. Sau, đọc nhiều bài viết trên các báo, tôi biết rằng phóng sự thì thể hiện theo kiểu này, ký sự thì viết như thế kia, ghi chép thì viết theo cách nọ… và học hỏi cách viết của những người đi trước. Tôi cộng tác thường xuyên với Báo Phú Khánh. Sau đó, tôi được phân công làm phó công an xã rồi làm trưởng ban quản lý thị trường, chuyên trách tư pháp…

 

Từ viết báo, tôi chuyển sang làm thơ về quê hương đất nước. Năm 1990, tôi bắt đầu tập tành viết truyện ngắn, cộng tác với Tạp chí Văn nghệ Phú Yên. Đầu năm 1996, nhà thơ Liên Nam, khi đó là Chủ tịch Hội, thấy tôi viết cũng được bèn nói “thôi cháu về làm việc với chú”. Thời điểm ấy, tôi chưa thể về Hội được vì… nhà không có tiền sắm chiếc xe máy để đi từ Hòa Hiệp Trung ra Tuy Hòa. Cuối năm đó, sau khi mua được chiếc xe máy, tôi về làm việc tại Liên hiệp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên. Từ đây, tôi dành nhiều thời gian hơn cho văn chương. Tôi viết nhiều hơn và cộng tác với các báo, tạp chí văn nghệ ở Trung ương và địa phương.

 

* Khởi đầu hành trình đến với văn chương bằng những bài thơ nhưng rồi ông được biết đến bởi những truyện ngắn. Trong 10 tập sách đã xuất bản của ông, hơn một nửa là truyện ngắn. Vì sao có sự thay đổi này?

 

- Với thơ, tôi giãi bày tâm tư, tình cảm, còn với văn xuôi, tôi có thể chuyển tải được nhiều điều về đời sống xã hội. Thơ thì cô đọng, khái quát, còn truyện thì đi vào chi tiết. Những công việc đã kinh qua giúp tôi có vốn sống, và tôi dùng “vốn liếng” đó để viết truyện. Tôi thấy văn xuôi phù hợp với mình hơn nên chuyển sang viết văn xuôi. Thơ thì có cảm xúc mới viết, và không phải là thế mạnh của tôi.

 

* Để tác phẩm văn xuôi đi vào lòng người, theo ông điều gì là quan trọng nhất?

 

- Câu chữ là phương tiện chuyển tải nội dung tư tưởng: tác phẩm đó nói lên điều gì, gửi gắm điều gì đến bạn đọc. Theo tôi, khi người đọc tiếp nhận thông điệp mà người viết gửi gắm, cảm nhận được những điều tốt đẹp sau khi đọc thì tác phẩm mới thành công. Ngôn ngữ văn chương cũng rất quan trọng để người cầm bút chuyển tải thông điệp của mình đến với bạn đọc, làm bạn đọc xúc động. Người viết truyện ngắn là người kể chuyện một cách khéo léo.

 

* Đến thời điểm này, Ngựa trắng có phải là tập truyện ngắn ưng ý nhất của ông?

 

- Ngựa trắng là tập truyện ưng ý nhất của tôi, tính đến thời điểm này, bởi nó tập trung những truyện ngắn mà tôi thích. Đề tài trong tập Ngựa trắng rất đa dạng. Có những đề tài, để khai thác tốt thì tôi phải đọc rất nhiều, phải tìm hiểu kỹ, vì đã cung cấp thông tin đến bạn đọc thì phải viết cho đúng. Ví dụ như để viết truyện Ngựa trắng, tôi đọc nhiều tư liệu, bài viết của tác giả ở phía Bắc nói về cách nuôi ngựa bạch Tây Tạng, cách mua bán ngựa, nấu cao ngựa, những vật dụng được làm bằng da ngựa… Tôi tìm hiểu kỹ nên tự tin khi viết.

 

* Trước giờ ông theo “trường phái” hiện thực nhưng tác phẩm mới nhất “Thành phố vắng bóng mặt trời” lại là tập truyện giả tưởng. Vì sao có sự thay đổi này, thưa ông?

 

- Tôi muốn làm mới mình. Văn học nghệ thuật luôn phải có sự mới mẻ. Qua những câu chuyện giả tưởng đó, tôi muốn nói về con người, về đời sống. Vì vậy, tập truyện này không chỉ dành cho thiếu nhi; người lớn đọc sẽ thấy những ước vọng trong cuộc sống mà tôi gửi gắm.

 

* Năm vừa qua, ông có niềm vui lớn khi tập truyện ngắn Ngựa trắng được trao giải B của Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, và ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Ông chia sẻ gì về niềm vui này?

 

- Tôi rất vui, nhưng không nghĩ rằng, việc mình vào Hội Nhà văn là cái gì đó ghê gớm hay nhận được giải thưởng quốc gia là “ghê gớm”. Người làm văn học nghệ thuật luôn hướng về phía trước, luôn luôn tìm tòi sáng tạo. Tôi nghĩ cái chính là phải viết hay hơn. Vào Hội Nhà văn Việt Nam là niềm hạnh phúc nhưng cũng là áp lực. Bây giờ mình càng phải cẩn trọng hơn khi viết, càng phải viết chắc hơn để bạn đọc thấy rằng tác phẩm của mình có cái tầm của một nhà văn.

 

* Xin cảm ơn ông!

 

Nhà văn Trần Quốc Cưỡng (bút danh Trần Bảo Ngọc) sinh năm 1962, người làng cát Hòa Hiệp, hiện ở thị trấn Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa. Tập truyện ngắn Thành phố vắng bóng mặt trời (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh) là đứa con tinh thần thứ mười của ông. Trước đó, ông đã ra mắt bạn đọc các tập truyện ngắn: Mùa bướm vàng bay (NXB Văn học, 2003), Ngựa hồng (NXB Hội Nhà văn, 2004), Hoàng hôn màu lá mạ (NXB Hội Nhà văn, 2006), Quà phóng sinh (NXB Dân trí, 2010), Ngựa trắng (NXB Phụ nữ, 2018), các tập tản văn: Mái bếp và khói lam (NXB Hội Nhà văn, 2007), Quê hương nếu ai không nhớ (NXB Thanh niên, 2007), tập thơ Ước nhớ vườn xưa (NXB Hội Nhà văn, 2009) và tập truyện dài Khúc biến tấu dã tràng (NXB Lao động, 2014).

 

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp