Bước qua vũng nước trên đường

Chủ nhật - 17/11/2024 03:52
HLT
Bước qua vũng nước trên đường

Cứ mỗi sáng, trên đường đi làm, ngang qua đường Lê Trung Kiên, tôi thường thấy một thanh niên mù một tay quơ chiếc gậy, vai mang ba lô trẻ con, tay còn lại dắt một bé gái khoảng 3-4 tuổi đi đến nhà trẻ. Gương mặt hai cha con luôn rạng rỡ, như đang mong chờ những niềm vui sẽ đến theo ngày mới. Và mỗi chiều về, người cha ấy lại quơ cây gậy dò dẫm từng bước chân với gương mặt mang bao nỗi mong chờ để được dắt tay đứa con bé bỏng, được nghe những câu chuyện trẻ thơ, những điều ước giản đơn khi giấc mơ về…

 

Ngày qua ngày, những bước chân dò dẫm trong bóng tối để bước lên nghịch cảnh, ươm tưới cho hạt mầm nhỏ với niềm tin ánh sáng của tình thương sẽ nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ đến ngày nở hoa, kết trái. Người đàn ông nhỏ nhắn ấy, với gương mặt luôn toát lên vẻ rạng ngời không chút ưu phiền, một sự bình thản ẩn chứa bên trong một sức mạnh vô hình giữa bóng tối phủ xuống cuộc đời mình để lại trong tôi nhiều suy nghĩ về cảm nhận hạnh phúc.

 

Như Karl Max đã viết: “Hạnh phúc là đấu tranh”, trong bản thân mỗi người đều khát khao vươn tới những mục tiêu cuộc đời, những thỏa mãn trong cuộc sống sẽ tạo nên cảm giác mà chúng ta gọi chung là hạnh phúc. Cảm giác ấy có được thông qua những nỗ lực, phấn đấu không ngừng mà ta gọi là đấu tranh. Với cá nhân mỗi người, các mục tiêu không giống nhau, nào là quyền lực, địa vị, sự giàu sang, sự ngưỡng mộ của mọi người hay có khi chỉ đơn giản là mong muốn bớt đi sự thiếu thốn một nhu cầu nào đó.

 

Tất cả những mục tiêu phấn đấu ấy đều hướng tới sự phát triển của mỗi bản thân và từ đó cộng hưởng tạo nên sự phát triển của xã hội. Nhưng khi những mục tiêu của các cá nhân riêng lẻ mâu thuẫn, xung đột với nhau sẽ tạo ra các xung lực theo các hướng khác nhau. Nếu hướng phù hợp với xu thế, chuẩn mực được xã hội thừa nhận ta gọi là tốt và các xu hướng khác sẽ là xấu, là tiêu cực.

 

Hạnh phúc của mỗi chúng ta đều là kết quả của hai trạng thái tác động là nội tâm và ngoại cảnh. Ngoại cảnh sẽ được cảm nhận tạo nên sự thỏa mãn nếu nó phù hợp với hướng suy nghĩ của nội tâm, ngược lại sẽ là cảm giác bất hạnh. Vì thế, chúng ta sẽ hạnh phúc nếu có được sự dung hòa giữa nội tâm và ngoại cảnh.

 

Tuy vậy, nếu xét về toán học, nếu nội tâm tiêu cực bị tác động bởi ngoại cảnh xấu vẫn có thể tạo nên cảm giác thỏa mãn cho cá nhân, nhưng sẽ là mối nguy đến xã hội vì những tác động xấu của cá nhân đó lên cộng đồng. Cho nên, hạnh phúc đích thực chỉ có được thông qua sự đấu tranh cả về nội tâm với ngoại cảnh vì mục đích hướng thiện.

 

Trở lại với hình ảnh người đàn ông mù, bao quanh anh không có ngày và đêm, chỉ có bóng tối. Anh không thể biết được con đường phía trước mình là bằng phẳng hay gồ ghề, bầu trời trên đầu mình là chói chang hay u ám, vì thế trong anh không hề sợ hãi. Trong anh chỉ có một niềm tin mãnh liệt làm ánh sáng soi đường đó là hạt mầm nhỏ mình gieo trồng sẽ vươn lên trong tương lai tươi sáng.

 

Niềm hạnh phúc giản đơn ấy là ánh sáng cho đôi chân hàng ngày bước lên nghịch cảnh. Và trong mỗi chúng ta, mỗi ngày đắm mình trong ánh sáng chói chang và những giấc mơ bất tận khi đêm về có đủ bản lĩnh khi đối diện với những điều không mong đợi? Thay vì cay cú, dằn vặt, dò tìm lý do để đổ lỗi cho bất hạnh, hãy bước qua những nghịch cảnh không mong muốn một cách bình thản như bước qua vũng nước trên đường.

 

HLT

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp