Lý Thị Thủy lặng lẽ khơi chuyện

Thứ bảy - 16/11/2024 20:52
Phú Yên từng có những tác giả nữ như nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Thu Trang, nhà văn Phương Trà, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng… Thời gian gần đây, cây bút Lý Thị Thủy đang từng bước khẳng định mình. Là một người dân tộc Nùng hiếm hoi đam mê văn chương, Lý Thị Thủy tỏ ra đa năng và có nội lực.
Lý Thị Thủy lặng lẽ khơi chuyện

Phú Yên từng có những tác giả nữ như nhà lý luận phê bình Nguyễn Thị Thu Trang, nhà văn Phương Trà, nhà thơ Nguyễn Thị Hồng… Thời gian gần đây, cây bút Lý Thị Thủy đang từng bước khẳng định mình. Là một người dân tộc Nùng hiếm hoi đam mê văn chương, Lý Thị Thủy tỏ ra đa năng và có nội lực.

 

Sau tập truyện ngắn Vòng tay (2016) và tập tản văn Còn mãi những tin yêu (2020), mới đây chị ra mắt tập lý luận phê bình Khơi chuyện do NXB Hội Nhà văn ấn hành.

 

Tác giả Lý Thị Thủy. Ảnh: NVCC

Nghị lực vượt khó của cô gái miền sơn cước

 

Lý Thị Thủy sinh năm 1982 ở xã Hội Hoan, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn. Năm 1989, chị theo gia đình đi kinh tế mới vào lập nghiệp ở xã Sơn Giang, huyện Sông Hinh. Sau khi tốt nghiệp đại học sư phạm Trường đại học Tây Nguyên, Lý Thị Thủy về thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh dạy học. Sau đó, chị học và tốt nghiệp cao học Ngữ văn Trường đại học Sư phạm Huế. Hiện nay, chị là giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Phú Yên.

 

Để theo đuổi con đường học tập và đạt được những thành quả như hôm nay, Lý Thị Thủy đã phải vượt qua nhiều khó khăn, trăn trở để trở thành cô giáo và đam mê sáng tác văn chương, nghiên cứu văn học.

 

Hình ảnh cô giáo Hờ Piếc trong truyện ngắn cùng tên của Lý Thị Thủy phần nào phản ánh điều đó. Đây là truyện ngắn được trao giải nhất cuộc thi Sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật kỷ niệm 35 năm tái lập tỉnh Phú Yên (1989-2024). Sau bao năm ấp ủ, vượt qua những thử thách từ gia đình tới nhà trường, cuối cùng Hờ Piếc cũng thỏa giấc mơ khi được cử đi học lớp cán bộ quản lý và học lên cao học. Ngày nhận được đề cử, con đường từ cơ quan về nhà của Hờ Piếc đẹp làm sao với bao dự định tốt đẹp ở phía trước.

 

“Cũng con đường này, ngày xưa, Hờ Piếc đã trải qua không biết bao nhiêu khó khăn để đi tìm con chữ. Con đường đi học dễ hơn và sáng hơn con đường lên rẫy. Hờ Piếc biết điều đó rất rõ lúc cô lên lớp 8. Ngày ấy, Hờ Piếc phải lên rẫy phụ mẹ trỉa bắp, trỉa lúa, trồng mía, trồng bông, hay phụ ba làm than, đốn củi. Chao ôi là nhọc nhằn. Chao ôi là vất vả…” (Truyện ngắn Hờ Piếc).

 

Cô giáo đam mê sáng tác và nghiên cứu văn chương

 

Từ thời học sinh, Lý Thị Thủy đã yêu thích đọc sách và tập tành viết văn. Đến năm 2011, chị có truyện ngắn đầu tiên Vòng tay được đăng trên Tạp chí Nhật Lệ và đoạt giải khuyến khích cuộc thi do tạp chí thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Bình này tổ chức. Truyện ngắn Vòng tay được Lý Thị Thủy lấy đặt tên cho cả tập truyện đầu tay của chị xuất bản năm 2016 và được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Phú Yên lần thứ V (2016-2020).

 

Lý Thị Thủy cũng có duyên với thể loại viết ngắn mà kết quả là tập tản văn Còn mãi những tin yêu (2020). Đời sống văn hóa của người dân tộc thiểu số được chị thể hiện sinh động qua những câu chuyện cụ thể, như phong tục ngày tết của người Nùng và hình ảnh xúc động của người phụ nữ có chồng khi được trở về với mẹ.

 

Không chỉ sáng tác, Lý Thị Thủy còn nghiên cứu văn học phục vụ cho công tác giảng dạy và đăng tải trên các báo, tập hợp in thành sách Khơi chuyện. Tập lý luận phê bình gồm 28 bài viết về tác phẩm của các tác giả nổi tiếng và cả các cây bút mới từ Phú Yên đến các vùng miền khác. Ở từng bài viết, khởi đầu đều có tiểu sử văn học và ảnh chân dung tác giả khá trang trọng.

 

Cách chọn đề tài và góc nhìn của Lý Thị Thủy có những khác biệt. Chẳng hạn, đối với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vốn nổi tiếng về thơ tình, chị lại chọn nghiên cứu về mảng viết cho thiếu nhi của bà.

 

Sau khi khảo sát, nghiên cứu về truyện viết cho thiếu nhi của tác giả Hương thầm, Lý Thị Thủy nhận định: “Có thể nói việc sử dụng những chất liệu dân gian đưa vào những trang viết dành cho thiếu nhi, Phan Thị Thanh Nhàn đã góp phần đưa bạn đọc nhỏ tuổi trên hành trình trở về với cội nguồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc bằng cách nâng niu trân trọng những giá trị truyền thống. Dấu ấn dân gian trong truyện thiếu nhi của bà tạo nên thế giới nghệ thuật mang điệu hồn dân tộc, làm nên bản sắc riêng cho mảng đề tài truyện viết cho thiếu nhi của bà” (Dấu ấn dân gian trong truyện thiếu nhi của Phan Thị Thanh Nhàn).

 

Có thể nói, xuất phát điểm của một cô giáo dạy văn đã mang lại cho Lý Thị Thủy một nền tảng kiến thức cơ bản trong cách đọc, cách nghĩ khi chị đồng hành với trang viết của các nhà văn. Tập sách Khơi chuyện không chỉ là sự mở đầu cho những câu chuyện văn chương mà còn là cảm quan tinh tế, sự nghiên cứu bài bản, chia sẻ sâu sắc của một cây bút có trách nhiệm. Tiếp nối và hợp cùng các tác giả Linh Nga Niêk Đăm, Chu Thị Liên, Trúc Linh Lan, Bùi Thị Như Lan, Vi Thùy Linh, Bế Kim Loan, Phùng Hải Yến, Thèn Hương…, Lý Thị Thủy đang làm đẹp, phong phú thêm vườn hoa văn chương nữ dân tộc thiểu số nước ta. 

 

Trong tập lý luận phê bình Khơi chuyện, ngoài một số tác giả ngoài tỉnh, Lý Thị Thủy chủ yếu tập trung nghiên cứu về thành tựu của các cây bút người Phú Yên như một cách trả ơn cho mảnh đất cưu mang mình: Trần Quốc Cưỡng, Huỳnh Văn Quốc, Huỳnh Thạch Thảo… Và cả một người Phú Yên xa quê là nhà thơ Phan Hoàng với trường ca Bước gió truyền kỳ.

 

PHAN PHÚ YÊN

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp