Xây dựng hạnh phúc gia đình trong thời đại mới

Thứ ba - 12/11/2024 11:41
Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững.
Xây dựng hạnh phúc gia đình trong thời đại mới

Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Gia đình có hòa thuận, hạnh phúc, xã hội mới phồn vinh, phát triển bền vững.

 

Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc làm cho xã hội ngày càng văn minh hơn, góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 

Thấu hiểu và chia sẻ

 

Từ khi về sống chung một nhà, vợ chồng chị Lê Thị Thu (xã An Chấn, huyện Tuy An) luôn lấy tiêu chí thấu hiểu và sẻ chia để vun đắp, xây dựng mái ấm của gia đình mình.

 

Đến cuối năm 2023, hai vợ chồng chị đón thêm thiên thần nhỏ thứ hai. Cậu con trai đã giúp gia đình anh chị thêm trọn vẹn và gắn kết. Từ khi đủ nếp đủ tẻ, vợ chồng chị Thu càng có nhiều việc để làm. Với công việc buôn bán bận rộn, vợ chồng chị cố gắng sắp xếp, san sẻ với nhau trong việc chăm sóc con.

 

Song, đôi lúc trong cuộc sống gia đình không tránh khỏi mâu thuẫn, bất đồng quan điểm, khi ấy, vợ chồng chị áp dụng đúng theo nguyên tắc đã được thống nhất từ trước: Dù giận nhau cách mấy vẫn phải sinh hoạt chung, ăn chung, ở chung, không được bỏ đi, tách biệt đối phương.

 

Chị Thu cho biết, khi vợ chồng mâu thuẫn, chồng chị luôn là người mở lời, dỗ dành vợ trước. Vì theo anh, đã là vợ chồng thì nên nhường nhịn và thấu hiểu nhau mới có thể ở bên nhau lâu bền. Anh chủ động làm hòa và giải thích cho chị hiểu vấn đề hai vợ chồng đang gặp phải chứ không để sự im lặng chồng chất quá lâu, dễ khiến tình cảm rạn nứt.

 

Hiểu được tấm lòng của chồng, chị Thu cũng trở nên nhẹ nhàng hơn. Chị tâm sự: “Từ khi có con, tôi đặt mình vào vị trí của chồng để hiểu cho anh. Tôi rất biết ơn vì anh luôn nhường nhịn, thấu hiểu và sẻ chia cùng tôi những khó khăn trong cuộc sống”.

 

Trải qua hơn 4 năm gắn bó, vợ chồng chị Thu cùng giúp nhau trưởng thành, cùng xây dựng gia đình yêu thương và trọn vẹn. Đó là cả một quá trình học tập lẫn nhau và chấp nhận con người thật của đối phương.

 

5 tiêu chí ứng xử trong gia đình

 

Gia đình là cơ sở quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của một quốc gia và hạnh phúc là nhân tố cơ bản quyết định sự tồn tại của một gia đình. Do đó, việc xây dựng gia đình hạnh phúc là tiêu chí hàng đầu trong xây dựng và phát triển gia đình Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, có nhiều chủ trương, chính sách để giữ gìn giá trị gia đình và tạo mọi điều kiện để các cấp, ngành và mỗi cá nhân chăm lo xây dựng gia đình Việt Nam ấm no, hạnh phúc.

 

Ngày 28/1/2022, Bộ trưởng VHTT&DL đã ký Quyết định ban hành Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, gồm 5 nội dung chính: Tiêu chí ứng xử chung trong gia đình: Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình. Tiêu chí ứng xử của cha mẹ với con, ông bà với cháu: Gương mẫu, yêu thương. Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà: Hiếu thảo, lễ phép. Tiêu chí ứng xử của anh, chị, em: Hòa thuận, chia sẻ.

 

Để xây dựng gia đình hạnh phúc trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế, theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Giám đốc Sở VHTT&DL, các cấp, ngành, tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý về công tác xây dựng gia đình; tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình cần sớm được hoàn thiện theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình. Đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; Chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc…

 

Bên cạnh đó, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về gia đình; nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh; gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới… Tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống bạo lực gia đình; thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, phòng chống xâm hại trẻ em và chăm sóc người cao tuổi trong gia đình; ngăn chặn các tác động tiêu cực ảnh hưởng đến sự phát triển của gia đình phù hợp với đặc điểm gia đình trong bối cảnh xã hội hiện đại. 

 

Các cấp, ngành, tổ chức cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao năng lực quản lý về công tác xây dựng gia đình; tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới.

 

Giám đốc Sở VHTT&DL Nguyễn Thị Hồng Thái

 

THIÊN LÝ

Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp