Công trình kiến trúc có ba bộ phận tạo nên một tổng thể lý tưởng biểu trưng cho thiên - địa - nhân là nền - thân - mái. Các công trình kiến trúc xưa với nền - thân - mái đã rõ, còn nhà ở cao tầng, phong thủy quan niệm mỗi tầng nhà lặp lại bố cục ba phần trên là sàn - thân và trần nhà.
Nền nhà - biểu trưng của sự vững vàng
Nền nhà phải là biểu trưng của sự vững vàng. Vật liệu và cách thức bó nền phải hòa đồng với đất, đất được nâng lên thành nền chứ không phải nền là vật thể lạ đặt trên đất, như vậy công trình mới có cả ngôi địa làm bệ đỡ vững chắc. Xa xưa ông cha ta lấy đất sét trộn với vôi nện phẳng làm nền nhà để tạo nên sự liền khối với đất; việc lát gạch được coi là cách trở âm dương, nếu có lát là gạch đất nung, lát trong nhà, còn sân vườn, đường đi lát gạch hoặc đá cách nhau để lộ ra mạch hở trồng cỏ cho âm dương hòa hợp, cho đất được hòa khí.
Khi lát nền nhà cần lựa chọn gạch, về nguyên tắc những vật liệu có tính chất càng khác với nền đất thường phải được sử dụng cho những mục đích đặc biệt. Kích thước lớn nhỏ của viên gạch phải tỉ lệ với không gian trong nhà, tránh không gian phòng nhỏ mà lát gạch quá lớn có cảm giác chật chội, không nên lát nhiều loại gạch cho một công trình.
Hình vuông tượng trưng cho sự vững vàng, ổn định, nền nhà phải vuông vức, không có góc cạnh, nhất là góc nhọn nhỏ hơn 900. Đồ đạc, tường ngăn, rèm che, bình phong trong nhà… không được chắn ngang tầm nhìn của mắt, khiến cho phần nền nhà lộ ra cong vênh.
Mỗi bậc cấp nền nhà có tác dụng nâng cao nền, nhấn mạnh địa vị của gia chủ. Thời phong kiến, nhà dân chỉ được làm 1-3 cấp, nhà quan lại được làm đến 5 cấp; cung điện của vua chúa, đền chùa, các công trình tôn giáo quan trọng mới được làm 9 cấp. Để tăng sự quan trọng, tính vững nặng của nền nhà, ta có thể đặt những vật nặng như cối xay bằng đá, các tác phẩm nghệ thuật điêu khắc bằng đá, chum vại đựng nước… đặt ở hàng hiên hay trước sảnh vào nhà.
Ngày nay, các công trình công cộng người ta hay đặt các cặp sư tử, kỳ lân, cặp nghê… bằng đá để thể hiện tính hùng mạnh canh giữ công trình. Lưu ý tùy từng loại công trình mà lựa chọn đặt các vật cho phù hợp.
Sàn nhà là chỗ ở, sinh hoạt trực tiếp cần có không gian riêng biệt, tách ra khỏi không gian giao thông, tốt nhất mỗi không gian sử dụng chỉ có một lối ra vào, kiêng kỵ là có hai lối đi đối nhau, khi đó toàn bộ không gian trong phòng trở thành hành lang giao thông. Với nhà ở lô phố, việc các phòng có lối đi đối nhau cũng khó tránh, khi đó phải có hình thức như rèm che, bình phong để ngăn, không một lúc nhìn thấy hai chỗ mở.
Tập quán sinh hoạt trên nền, sàn nhà, có nhà bỏ dép guốc bên ngoài cửa, nằm, ngồi, làm việc… trên sàn cùng với các loại thảm, gối chiếu được làm ra để tiện cho sinh hoạt trên sàn và đạt hiệu quả nghệ thuật cao. Nhiều nhà dùng bàn ghế, tủ giường… phục vụ cho sinh hoạt trên sàn; lưu ý cần lựa chọn khi mua sắm “thiếu mà đủ, dư mà không thừa”, tốt nhất là đồ gỗ tạo không gian ấm cúng trong nhà. Thời nay có mốt dùng bàn ghế, giường tủ kiểu tây có lợi là thiết kế tối ưu cho từng công năng, song rất tốn diện tích sàn nhà và không cơ động khi cần thiết.
Ngôi nhà Việt được tái hiện tại một khu nghỉ dưỡng ở TP Tuy Hòa. Ảnh: CTV |
Thân nhà - biểu trưng thế giới quan công trình
Thân nhà là phần giữa từ nền nhà lên đến mái nhà, nhà cao cửa rộng tượng trưng cho địa vị cao quý, kinh tế khá giả của gia chủ; nhà thấp, tối, cửa nhỏ là biểu hiện thua kém. Tuy quan niệm Á Đông là như vậy nhưng cũng phải ba phần tỉ lệ đẹp là tốt, nhỏ mà cân đối nền - thân - mái nhà xinh xắn còn hơn to cao mà thô thiển, không tỉ lệ.
Theo quan niệm Á Đông, phần thân gồm cột chịu lực, tường bao che, tường là phụ để che chắn mưa gió, trung tâm của phần thân là cột, cột làm nhiệm vụ chống đỡ mái, chia không gian nhà ra làm tiểu vũ trụ. Hệ cột phải được chống đỡ vững chắc, nhà xưa có cột cái, cột con, cột hiên, cột hồi cùng hợp lực chống đỡ mái. Hình dáng của cột thường là “đầu cán cân, chân quân cờ”, hệ cột không chỉ chống đỡ mái mà còn đóng vai trò biểu trưng cho một thế giới quan, thế giới tâm linh của công trình, nhất là các công trình tôn giáo.
Ngày nay với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, của vật liệu xây dựng, nhiều công trình có không gian kiến trúc lớn, để đáp ứng yêu cầu về công năng và nghệ thuật hình khối kiến trúc bên ngoài, nhưng phần thân hệ cột vẫn giữ vai trò quan trọng đảm bảo sự ổn định và thẩm mỹ công trình.
Mái nhà - nghệ thuật tượng trưng
Mái nhà là phần quan trọng nhất. Theo kiến trúc Á Đông, mái nhà vừa có công năng che mưa nắng, vừa là nghệ thuật tượng trưng. Xét về công năng, một mái bằng thiết kế, thi công đúng kỹ thuật, chống thấm, chống nắng tốt vẫn bền và rẻ hơn mái dốc. Do vậy, đa phần các công trình kiến trúc hiện nay làm theo mái bằng, chỉ có những công trình tôn giáo, tín ngưỡng, nhà ở biệt thự vẫn để ý đến hình thức của mái dốc vì yếu tố thẩm mỹ được đặt lên cao.
Theo thuyết Tam Tài (thiên - địa - nhân), mái nhà tượng trưng cho ngôi thiên nên không thể bỏ đi được, nhiều dân tộc, tôn giáo có quan niệm mái là trời; một mái nhà Á Đông cần phải theo nguyên tắc sau:
Mái dốc đối xứng, quan niệm trời tròn đất vuông và khái niệm các phương trời; mái có thể là 2 mái, 4 mái hay 8 mái đối xứng phù hợp với âm dương, tứ tượng, bát quái. Những dạng mái có hình thù kỳ quái, phức tạp tạo bởi quá nhiều mái dính liền nhau, trổ nhiều cửa sổ mái không phù hợp với lý thuyết trên. Dạng mái vòm tròn biểu trưng cho toàn vũ trụ, chỉ có vua chúa mới sử dụng biểu trưng này. Các kiến trúc thông thường, nhất là nhà ở biệt thự chỉ nên dùng các dạng mái dốc vừa mang ý nghĩa vũ trụ mà không có ý một mình ta làm chúa tể thiên hạ.
Mái là biểu hiện của sự che chở nên phải có độ bề thế, vững vàng nhất định, độ nghiêng và độ lớn của mái liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Mái nhỏ quá thì vụn vặt không đủ che chở, mái to quá, dốc quá thì che lấp, ngăn cách tầm nhìn, cản gió không tốt, có cảm tưởng chênh vênh, nặng nề không bay lên được.
Nhà xưa không đóng trần, nay thường đóng trần nhà cho tiện ích sử dụng, trang trí nội thất, sử dụng máy điều hòa; trần cần có độ chênh cao ở giữa so với bốn mép tường bao quanh để không gian trong nhà vẫn giữ được ngôi thiên.
Mái là trời nên phải bay bổng nhẹ nhàng, trên thực tế mái chùa chiền, đình làng xưa rất nặng; để mái công trình nhẹ nhàng hơn bên trong hệ cột, kèo, đố, xà… được chạm trổ hoa văn tinh xảo tạo cảm giác bớt nặng. Kiến trúc hiện đại, nhất là khu vực Nam Trung Bộ trở vào, hình thức mái dốc lợp ngói hoặc tole nhẹ nhàng là phù hợp với điều kiện vi khí hậu, che mưa chống nóng tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên. Với quan điểm mái là trời nhỏ, mái phải tạo hướng mở vươn lên, bay lên; mái nhà còn là một thể thống nhất với địa hình, cảnh quan cây cối, với núi đồi và tính năng của công trình.
KTS HOÀNG XUÂN THƯỞNG