Sáng nay, chị ở cạnh nhà trong khu tập thể nhìn trời, nhìn mây rồi nói vọng sang, đã đầu tháng 11 rồi mà trời nắng như hè, năm nay chắc hạn quá. Chẳng bù cho thời chị còn nhỏ, mùa mưa sao mà dai dẳng. Mưa đến nỗi, mỗi khi vào cuối mùa, lúc củi khô dự trữ đã hết, nhà chị phải chặt cây tươi, đặt quanh bếp lửa cho ráo mới có củi để nhóm bếp…
Nghe chị nhắc mới nhớ, mình ít hơn chị chỉ vài tuổi, cũng lớn lên trong giai đoạn mưa dầm dề ấy và cũng là đứa chuyên ngồi thổi bếp lửa ui ui từ những cành cây còn tươi rói để nấu bữa cơm chiều.
Ấy là những ngày cuối mùa mưa, củi khô hết sạch. Ba ra hè chặt hẳn cây tươi, chất xung quanh bếp. Dẫu vậy, những cơn mưa dài lê thê làm cho không khí ẩm mốc nên củi chất vài ngày cũng không kịp khô. Vì mấy cây ủi ướt ấy mà có bữa tôi loay hoay cả tiếng đồng hồ, tèm nhem mắt mũi mà lửa còn không chịu bén.
Thường thì khi ra vào một lúc mà thấy bếp lạnh tanh, thế nào ba cũng hỗ trợ tôi bằng cách lấy rựa chẻ cây to thành một ít đóm để làm mồi. Với những mảnh gỗ này, chỉ cần rưới thêm ít dầu lửa, ngọn lửa nhỏ sẽ bùng lên; cảm giác ấm áp len lỏi vào từng ngóc ngách căn bếp. Lửa cứ thế bắt sang các cành to và chỉ một chốc lát là mâm cơm đã được dọn ra. Dù chỉ đơn sơ đạm bạc với dăm ba con cá rô đồng dầm nước mắm ngò, dĩa rau lang luộc và tô canh riêu cua nhưng mấy chị em tôi hít hà vui sướng. Ngoài trời gió cứ rít, mưa cứ rơi, những thanh củi ướt má lại chất lên bếp vừa nấu để hong khô đợi bữa sau.
Rút kinh nghiệm từ những mùa mưa ngày nhỏ, khi vào cấp 2, mỗi kỳ nghỉ hè, tôi thường theo má với các cô trong xóm, lội sông qua Nam Bình chặt củi. Các cô là người lớn, leo lên núi cao để chặt cây dài về làm chái trồng rau bán tết. Tôi nhỏ hơn, chỉ đi quanh quẩn gần chân núi, chặt những cây vừa phải. Bao nhiêu bó củi mang về, tôi chất hết xung quanh nhà. Sau cái nắng hè gay gắt, củi khô giòn rụm chuẩn bị sẵn sàng cho mùa mưa tới.
Rồi tôi lớn lên, rời mẹ, rời quê và rời mùa củi ướt. Những mùa mưa sau này là mùa của tuổi trẻ sục sôi, của cố gắng và nỗ lực, của ấm áp và no đủ. Dù vậy, mùa củi ướt với bữa cơm đầy khói ẩm, với sự nghèo khó, thiếu thốn nhưng ấm áp tình thân đôi khi về bàng bạc trong nỗi nhớ.
BẢO HÀ