Giữ lại những góc khuất, miệt mài cống hiến

Thứ năm - 13/06/2019 01:50
17 năm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” với nghiệp xiếc, Phạm Việt Cường, diễn viên của Đoàn nghệ thuật Xiếc đương đại (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đã khiến nhiều khán giả quốc tế khen ngợi, người hâm mộ trong nước phấn khích, tự hào.
Giữ lại những góc khuất, miệt mài cống hiến

17 năm “đổ mồ hôi sôi nước mắt” với nghiệp xiếc, Phạm Việt Cường, diễn viên của Đoàn nghệ thuật Xiếc đương đại (Liên đoàn Xiếc Việt Nam) đã khiến nhiều khán giả quốc tế khen ngợi, người hâm mộ trong nước phấn khích, tự hào. Hai giải thưởng gần đây nhất của anh là HCB tại Liên hoan Xiếc quốc tế năm 2014 và Liên hoan Xiếc toàn quốc 2018 với tiết mục “Thăng bằng trên thang” đã phần nào nói lên những nỗ lực của Việt Cường trong nghề xiếc vô cùng thử thách, khắc nghiệt.

 

Phóng viên Báo Phú Yên đã có cuộc trò chuyện với Phạm Việt Cường về nghề “nước mắt trước, nụ cười sau” này.

 

Tiết mục “Thăng bằng trên thang” của Phạm Việt Cường gây ấn tượng với khán giả - Ảnh:THIÊN LÝ

* Được biết Việt Cường là “con nhà nòi”; đã hiểu những vất vả, khó khăn của nghề xiếc, vì sao Việt Cường vẫn lựa chọn đến với nghề?

 

- Có chú và bác là diễn viên xiếc, nên từ nhỏ, Việt Cường đã được tiếp xúc với xiếc. Mỗi lần xem chú và bác biểu diễn, thấy nhiều khán giả vỗ tay, Việt Cường mơ ước khi lớn lên cũng được đứng trên sân khấu biểu diễn cho mọi người và nhận được những tràng vỗ tay như thế. Vậy nên mong muốn được thử sức với bộ môn vừa khó vừa khổ này ngày càng mãnh liệt trong Cường.

 

Đến năm 11 tuổi, Việt Cường bắt đầu theo học Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam. Đó cũng là cái duyên với nghề! Xác định giai đoạn ban đầu là khó khăn nhất, có thể trụ với nghề được hay không là nhờ vào sự khổ luyện của chính mình, nên thời điểm đó, Việt Cường tập trung tập luyện từ sáng đến chiều tối.

 

Sau mỗi lần tập luyện, Việt Cường càng hứng thú với xiếc hơn và quyết tâm chinh phục nghề xiếc. Sau này được tham gia biểu diễn, bươn chải với nghề, Việt Cường mới thấu hết nỗi vất vả của diễn viên xiếc và càng yêu quý nghề hơn.

 

* Tiết mục “Thăng bằng trên thang” thật ấn tượng, nhất là khi diễn viên di chuyển liên tục với chiếc thang. Việt Cường đã tập luyện trong bao lâu để có thể thực hiện tiết mục này?

 

- Việt Cường tham gia biểu diễn thể loại thăng bằng với tiết mục “Thăng bằng trên thang”. Người tập luyện trong thời gian ngắn, người thì tập thời gian dài, còn Việt Cường phải mất hơn 5 năm để hoàn thành tiết mục này. Sau đó, Việt Cường đã biểu diễn tiết mục “Thăng bằng trên thang” khắp các tỉnh, thành trên cả nước và nước ngoài như: Colombia, Đài Loan, Thái Lan, Lào, Nga và các nước châu Phi, châu Âu....

 

Tiết mục này kéo dài 6-6,5 phút. Để biểu diễn tốt tiết mục này phải tập luyện hàng ngày. Khi đi diễn ở những nơi không có điều kiện tập luyện nhiều, Việt Cường vẫn luôn cố gắng luyện tập trước buổi biểu diễn.

 

* Thời gian tới, Việt Cường sẽ tiếp tục sáng tạo với “Thăng bằng trên thang” hay chuyển sang tiết mục biểu diễn khác?

 

- Thực ra, những động tác trong biểu diễn xiếc đều rất khó, mình phải cố gắng tập trung và duy trì độ khó ấy. Biểu diễn từ những bậc thang thấp lên cao dần, càng lên cao mức độ càng khó. Vì vậy, Việt Cường vẫn đang tập trung nâng cao kỹ thuật để biểu diễn tiết mục này tốt hơn. Và trong tương lai, mình muốn thử sức với nhiều thể loại khác nữa.

 

* Với nghệ sĩ xiếc, phiêu lưu, khổ luyện, áp lực cả về tinh thần lẫn thể xác... không phải là hiếm. Việt Cường đã trải qua những điều đó như thế nào?

 

- Không chỉ trong tập luyện, kể cả trong biểu diễn đều có thể xảy ra sự cố. Thậm chí ngã nhiều đến mức không thể đếm xuể, nặng hơn là có thể gặp những tai nạn kinh hoàng trong đời làm xiếc.

 

Có thể theo nghề trong bao lâu nữa thì Việt Cường không biết, nhưng những gì trải qua đã tôi luyện Việt Cường rất nhiều. Những khoảnh khắc đó càng khiến Việt Cường thêm yêu và say mê với cái nghề, cái nghiệp này hơn.

 

* Người ta bảo “đi một ngày đàng học một sàng khôn”; Việt Cường đã biểu diễn tại nhiều nước trên thế giới, vậy anh đã học được những gì?

 

- Từng tham gia biểu diễn ở nước ngoài, Việt Cường có cơ hội học hỏi đồng nghiệp nước bạn từ cách thức chuẩn bị đạo cụ biểu diễn cho đến việc luyện tập. Đặc biệt là sự chỉn chu, phong cách biểu diễn phục vụ khán giả. Khi bước ra sân khấu, họ cống hiến hết mình, thể hiện tất cả nhiệt huyết, tình yêu trên sân khấu. Việt Cường nghĩ, đây là những bài học hết sức bổ ích cho những diễn viên xiếc trẻ ở Việt Nam.

 

* 17 năm theo nghề xiếc, đâu là niềm hạnh phúc lớn nhất của Việt Cường?

 

- Khi sân khấu lên đèn, nhiệt độ tỏa ra từ bóng đèn cao áp lan tỏa, những vết bầm tím do luyện tập hay vết sờn trên trang phục biểu diễn đều được giấu đi dưới ánh đèn. Những đứa trẻ phấn khích, từ vui vẻ, sợ hãi đến ngạc nhiên, giật mình; những tràng pháo tay nồng nhiệt; sự thở phào nhẹ nhõm khi thấy đồng nghiệp an toàn, hoàn thành tiết mục... Đó chính là đêm của những cảm xúc, là niềm hạnh phúc nhất mà diễn viên xiếc nhận được trên sân khấu. Lúc đó mình không còn thấy mệt mỏi, chỉ quan tâm làm sao biểu diễn thật tốt để khán giả thích thú, tâm đắc.

 

Tuy nhiên, cuộc sống của những diễn viên xiếc đâu chỉ có hào quang của ánh đèn sân khấu mà còn có cả những giọt mồ hôi, nước mắt và đôi khi có cả máu. Việt Cường muốn giữ cho riêng mình những góc khuất đó, và tiếp tục miệt mài cống hiến cho đời những nụ cười.

 

* Xin cảm ơn Việt Cường!

 

Nghệ sĩ xiếc Phạm Việt Cường sinh năm 1991 tại Cầu Giấy (Hà Nội). Anh theo học Trường trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Việt Nam năm 11 tuổi. 5 năm sau, Việt Cường tốt nghiệp và đầu quân vào Liên đoàn Xiếc Việt Nam biểu diễn cho đến nay.

 

“Phạm Việt Cường là diễn viên có tố chất, khả năng biểu diễn xiếc rất tốt, có ý chí rèn luyện thường xuyên nên các động tác, kỹ thuật biểu diễn luôn được nâng cao. Chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện để Việt Cường có thể phát huy khả năng hơn nữa”.

 

NSƯT Đỗ Văn Hùng, Trưởng Đoàn Nghệ thuật

Xiếc đương đại, Liên đoàn Xiếc Việt Nam

 

THIÊN LÝ (thực hiện)

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp