Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Ê Đê

Thứ năm - 20/06/2019 04:27
Huyện miền núi Sông Hinh có đến 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Ê Đê chiếm 34%, còn lại là các dân tộc khác như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao, Hoa, Chăm, Ba Na, Mường... Đời sống văn hóa của các dân tộc nơi đây vô cùng phong phú, mỗi dân tộc đều có những lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng, độc đáo.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của người Ê Đê

Huyện miền núi Sông Hinh có đến 19 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Ê Đê chiếm 34%, còn lại là các dân tộc khác như: Kinh, Tày, Nùng, Thái, Dao, Hoa, Chăm, Ba Na, Mường... Đời sống văn hóa của các dân tộc nơi đây vô cùng phong phú, mỗi dân tộc đều có những lễ hội truyền thống mang bản sắc riêng, độc đáo. Đặc biệt, người Ê Đê (Ê Đê Mdhur) còn lưu giữ được nhiều lễ hội nhất như: đâm trâu, cúng về nhà mới, cúng bỏ mả, cúng vòng đời...

 

Đi vào tâm thức

 

Người Ê Đê ở Sông Hinh theo quan niệm tín ngưỡng đa thần, mọi vật đều có thần linh ngự trị. Hệ thống thần linh ở ba thế giới: trên trời, mặt đất, dưới đất và những thần trong khoảng không giữa đất và trời (thần ánh sáng: mặt trời, mặt trăng, thần thời tiết...). Vì vậy, trong quá trình sinh sống và lao động sản xuất, họ tiến hành các nghi lễ nông nghiệp tương ứng (từ khi gieo hạt đến ngày thu hoạch), cũng như các nghi lễ lớn nhỏ theo vòng đời con người (từ lúc sinh ra cho tới lúc nhắm mắt) để cầu mong sức khỏe và tuổi thọ.

 

Nghi lễ vòng đời bao gồm nhiều lễ nghi khác nhau như: lễ cúng đặt tên, lễ cúng thổi tai, lễ cúng trưởng thành, lễ hỏi chồng, lễ bắt chồng, lễ tiễn đưa, lễ bỏ mả... Bên cạnh đó, người Ê Đê ở Sông Hinh luôn quan tâm tới sức khỏe và sự sống của con người được biểu hiện ở một hệ thống gồm 7 lần (hoặc 9 lần) lễ cầu phúc, cầu sức khỏe cho cả đời người. Họ quan niệm, mỗi người làm đủ các lễ này mới trường thọ.

 

Sinh ra và lớn lên tại xã Ea Trol, già Y Típ là người có uy tín, am hiểu sâu sắc về các nghi lễ, phong tục tập quán của dân tộc Ê Đê. Già Y Típ chia sẻ: “Già rất mừng khi được tham gia biểu diễn và truyền dạy cho thế hệ trẻ những gì mình biết, những gì mình có về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình, để các dân tộc anh em có thể hiểu và biết nhiều hơn về dân tộc Ê Đê”.

 

Còn anh Nie Y Linh ở buôn Ly, xã Ea Trol mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng anh đã có ý thức nghiên cứu, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc, đặc biệt là lễ cúng trưởng thành của người Ê Đê. Y Linh mong muốn gìn giữ và phát huy những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người Ê Đê đến các thế hệ mai sau.

 

Giữ mạch nguồn di sản

 

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu và động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, nên huyện Sông Hinh đặc biệt quan tâm đến công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số.

 

Trong thời gian qua, Phòng VH-TT huyện đã xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện như: sưu tầm, giữ gìn và phát huy các loại nhạc cụ dân tộc, các làn điệu dân ca, hát khan, các lễ hội văn hóa truyền thống như: lễ cúng cầu mưa, lễ bỏ mả, lễ mừng nhà mới, lễ cúng trưởng thành…; mời nghệ nhân có kinh nghiệm về tại huyện để tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ văn hóa các xã, thị trấn và nghệ nhân các thôn (buôn) về lý thuyết và thực hành đánh cồng chiêng, nhảy Arap.

 

Sông Hinh cũng đã 5 lần tổ chức liên hoan Văn hóa cồng chiêng tại huyện. Sau mỗi lần tổ chức, số người biết đánh cồng chiêng, nhảy Arap ngày càng tăng và phong trào biểu diễn cồng chiêng ở các thôn, buôn có hướng phát triển tốt hơn.

 

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa giai đoạn 2012-2015, Phòng VH-TT đã trang bị 12 bộ cồng chiêng cho các thôn (buôn). Hiện nay trên địa bàn huyện có 15 đội cồng chiêng và 12 CLB Âm nhạc truyền thống dân tộc với 169 nghệ nhân tham gia hoạt động.

 

Đặc biệt, một số xã đã đầu tư kinh phí và vận động các nghệ nhân để thành lập các CLB Đàn hát dân ca, Âm nhạc truyền thống dân tộc, Hát then ở thị trấn Hai Riêng và các xã Ea Ly, Sông Hinh, Ea Bia, Ea Bar, Ea Bá, Ea Lâm...

 

Song, điều đáng lo ngại nhất là nhận thức của một bộ phận người dân tộc thiểu số còn hạn chế; các hiện tượng mê tín dị đoan, các hủ tục vẫn còn trói buộc họ, làm cho văn hóa truyền thống phát triển thiếu lành mạnh, suy giảm ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc của địa phương.

 

Hơn nữa, sự bùng nổ thông tin sẽ lôi cuốn đồng bào dân tộc thiểu số, tạo ra các thách thức lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên của không gian văn hóa cộng đồng truyền thống, làm mai một dần các di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Ê Đê nói riêng.

 

Theo ông Phan Thanh Quyền, Trưởng Phòng VH-TT huyện Sông Hinh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống luôn được huyện quan tâm đầu tư thích đáng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân đối với việc bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình.

 

“Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Sông Hinh, giai đoạn 2015-2020. Trong đó chú trọng công tác tuyên truyền vận động để đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức trong cộng đồng, trong mỗi gia đình; ưu tiên nguồn kinh phí để phục dựng một số lễ hội truyền thống tiêu biểu của người Ê Đê; giữ gìn các loại nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca của đồng bào các dân tộc...”, ông Quyền cho biết.

 

THIÊN LÝ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp