Nguyễn Hoài Sơn - Nhà nghiên cứu văn hóa “đa mang” nghề báo

Chủ nhật - 23/06/2019 03:59
ThS Nguyễn Hoài Sơn (1960), Phó Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên, là người xứ Bắc, sinh ra và lớn lên ở quê hương đất Tổ nhưng hơn ba thập kỷ gắn bó với Phú Yên. Anh là nhà nghiên cứu văn hóa nhưng “đa mang” nghề báo hơn 20 năm.
Nguyễn Hoài Sơn - Nhà nghiên cứu văn hóa “đa mang” nghề báo

ThS Nguyễn Hoài Sơn (1960), Phó Giám đốc Sở TT-TT Phú Yên, là người xứ Bắc, sinh ra và lớn lên ở quê hương đất Tổ nhưng hơn ba thập kỷ gắn bó với Phú Yên. Anh là nhà nghiên cứu văn hóa nhưng “đa mang” nghề báo hơn 20 năm.

 

Duyên với nghề

 

18 tuổi, Nguyễn Hoài Sơn đi nghĩa vụ quân sự, tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1983, anh xuất ngũ và ôn thi, đậu vào Trường đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (nay là Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh). Tốt nghiệp đại học, anh loay hoay với suy nghĩ tìm việc làm giữa Sài Gòn hoa lệ hay về với quê nhà Phú Thọ...

 

Để “xả hơi”, anh đến Phú Yên thăm người bà con cùng thôn (Xuân Lũng, Khải Xuân, Thanh Ba, Phú Thọ) theo chồng đến xã Hòa Mỹ Đông (huyện Tây Hòa) lập nghiệp. Không ngờ chuyến thăm người bà con ở Phú Yên năm ấy đã làm thay đổi suy nghĩ của Nguyễn Hoài Sơn.

 

Phong cảnh làng quê quá đỗi thanh bình, con người chân tình, đó là ấn tượng để chàng trai đất Tổ chọn Phú Yên làm nơi lập nghiệp. Cuối năm ấy (1986), anh quyết định xin về công tác tại Phòng VH-TT huyện Tuy Hòa (nay là huyện Đông Hòa).

 

Tận tụy làm việc, âm thầm đóng góp suốt bao năm, Nguyễn Hoài Sơn không chỉ thành công ở lĩnh vực nghiên cứu văn hóa, văn học dân gian mà còn có duyên với nghiệp viết lách và bắt đầu tham gia vào làng báo. Anh chia sẻ: “Năm 1999, Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Tuy Hòa được thành lập, tôi được Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ định làm Chi hội trưởng và tập san Đá Bia xuất bản số đầu tiên.

 

Đây là món quà tinh thần của đội ngũ văn nghệ sĩ huyện Tuy Hòa kỷ niệm 25 năm Ngày giải phóng Tuy Hòa - Phú Yên 1/4 (1975-1999)”. Được biết trong thời gian công tác ở Phòng VH-TT huyện Tuy Hòa, Nguyễn Hoài Sơn đã cầm trịch xuất bản được 9 số tập san Đá Bia, 3 tập thơ (Vườn quê, Phấn trắng Hương đồng) và thành lập được 7 chi hội Văn học Nghệ thuật ở các địa phương trong huyện.

 

Qua tìm hiểu với các anh chị cùng một thời công tác ở Phòng VH-TT huyện Tuy Hòa, như anh Vũ Quốc Hội, nguyên Trưởng phòng; chị Võ Thị The, nguyên Trưởng phòng (sau làm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Đông Hòa)…, họ đánh giá: “Tập san Đá Bia vẫn được duy trì và phát triển, người có công đầu không ai khác hơn là ThS Nguyễn Hoài Sơn”.

 

Đam mê với nghiệp

 

Năm 2002, Nguyễn Hoài Sơn được điều chuyển về Sở VH-TT Phú Yên (nay là Sở VH-TT-DL). Cứ ngỡ anh sẽ “hết duyên” với nghề làm báo nhưng cái nghiệp và niềm đam mê đã không rời xa, anh gắn bó với tập san Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trong vai trò thường trực biên tập. Để có những bài viết sâu sắc, sinh động, phù hợp với chuyên môn, anh đã mời gọi, kết nối nhiều cộng tác viên tham gia.

 

Năm 2007, Nguyễn Hoài Sơn chuyển công tác về Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Phú Yên (Liên hiệp Hội). Trước đó, cơ quan này có đặc san mang tính nội bộ, xuất bản một năm 2 số (nhân kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 và nhân dịp Tết Nguyên đán).

 

Với vai trò Trưởng Ban biên tập và để phát triển đặc san thành tạp chí, anh đã xin phép Bộ TT-TT cấp phép hoạt động vào tháng 6/2008. Tạp chí Trí thức Phú Yên xuất bản mỗi năm 6 số và anh giữ vị trí Tổng Biên tập trong suốt 10 năm (2008-2018). Năm 2014, tạp chí được Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ (Bộ KH-CN) cấp mã số chuẩn quốc tế ISSN.

 

Từ năm 2008-2018, Tạp chí Trí thức Phú Yên xuất bản 60 số với hơn 6.000 tập, trong đó xuất bản số đặc biệt do Bộ GT-VT và Ban Quản lý Hầm đường bộ Đèo Cả đặt hàng, với ba thứ tiếng: Anh, Pháp, Việt; tổ chức thành công 3 cuộc thi viết thể loại báo chí: Trí thức Phú Yên vì sự nghiệp phát triển quê hương đất nước, Doanh nhân Phú Yên vì sự phát triển quê hương đất nước; xuất bản tập sách Chân dung trí thức - Doanh nhân Phú Yên (tập 1); phối hợp với tạp chí Việt Nam hội nhập (Viện Nghiên cứu chính sách và pháp luật) xuất bản số chuyên đề “Phú Yên văn hóa, du lịch và hội nhập”.

 

Ngoài ra, Nguyễn Hoài Sơn đã tổ chức nhiều hội nghị ký kết, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm hoạt động báo chí với Báo Du lịch Việt Nam, Tạp chí Việt Nam hội nhập, Tạp chí Trí thức & Phát triển (Hà Nội), Tạp chí Khoa học thời đại (Bình Phước), Tạp chí Khoa học kinh tế (Hải Phòng). 10 năm, Nguyễn Hoài Sơn tận tâm, tận hiến với Tạp chí Trí thức Phú Yên được lãnh đạo các cấp và bạn đọc đánh giá cao về tạp chí cũng như cá nhân của anh.

 

Kỹ sư Nguyễn Minh Song, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội Phú Yên, người kế nhiệm phụ trách Tạp chí Trí thức Phú Yên nói: “Làm báo thời hội nhập và công nghệ 4.0 không là chuyện đơn giản. Tạp chí Trí thức Phú Yên từ khi thành lập đến nay đã từng bước khẳng định vị trí trong và ngoài tỉnh. Thành quả này chúng tôi rất trân quý công sức của anh Nguyễn Hoài Sơn - người đã có 10 năm đóng góp cho tạp chí”.

 

Tháng 9/2018, Nguyễn Hoài Sơn được chuyển công tác về Sở TT-TT với cương vị Phó Giám đốc. Và anh phụ trách tập san Thông tin - Truyền thông”. Tôi thầm nghĩ: Đúng là nghiệp làm báo và vai trò cầm trịch vẫn theo Nguyễn Hoài Sơn mãi.

 

Chiều 19/6 vừa qua, tại buổi gặp mặt cộng tác viên Tạp chí Trí thức Phú Yên nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 (1925-2019), tôi gặp lại Nguyễn Hoài Sơn. Anh trải lòng: “Làm báo có nhiều cách, nhiều vị trí, quan trọng là chúng ta có tận tâm hay không. Có được thời gian với nghề báo, tôi đam mê nghề này. Nghề báo đã cho tôi biết được nhiều điều, đi được nhiều nơi và dường như cái “duyên”, cái “nghiệp” nghề báo đã gắn chặt với tôi từ lâu”.

 

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn tin: baophuyen.com.vn
Tiêu điểm
Tin mới
Nhà đất
Xã hội
Tổng hợp