Đá đã trở thành biểu tượng của văn hóa, của thiên nhiên Phú Yên. Thông qua sự sáng tạo của con người, đá tác động vào văn hóa nghệ thuật, tín ngưỡng, tâm linh để tạo nên những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể trong đời sống của cộng đồng dân cư trên miền đất Phú Yên.
Từ xưa, con người đã biết sử dụng các hang đá làm nơi trú ẩn, biết tác tạo đá thành công cụ lao động để sử dụng trong sản xuất, tìm kiếm thức ăn và duy trì sự sống. Trải qua năm tháng, những sản phẩm đá do con người tác tạo đã trở thành những di sản văn hóa đá của loài người.
Sự đa dạng về loại hình di sản văn hóa đá và di sản đá tự nhiên
Phú Yên có núi đồi, sông suối, biển đảo với nhiều đầm vịnh; là nơi quần tụ sinh sống của nhiều loài động thực vật, thủy hải sản nên con người chọn làm nơi sinh sống từ rất sớm. Mặt khác, phần lớn đất đai ở Phú Yên có khoáng sản đá, là điều kiện rất quan trọng để con người tác tạo ra các di vật chất liệu đá. Kết quả khai quật khảo cổ học đã xác định ở Phú Yên dấu ấn văn hóa đá có rất sớm. Những di vật đá thời kỳ đồ đá, lớp văn hóa của cư dân bản địa có niên đại khoảng 20.000-6.000 năm cách ngày nay được tìm thấy ở di tích Eo Bồng (xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa) thuộc nhiều nền văn hóa khảo cổ khác nhau.
Di sản văn hóa đá Phú Yên rất đa dạng, phong phú. Mỗi một di sản văn hóa đá đều hàm chứa những dấu ấn của chủ thể sáng tạo trong từng giai đoạn lịch sử. Vì vậy, di sản văn hóa đá Phú Yên còn có tính lịch sử sâu sắc. |
Phú Yên còn phát hiện những di vật đá thuộc hậu kỳ thời đại đá mới - sơ kỳ thời đại kim khí trên địa bàn tỉnh như ở Gò Dương (xã Xuân Long, huyện Đồng Xuân), ở xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, đập Bà Đỏ (xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa), tại di tích Suối Mây (thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh). Ở khu vực các cồn cát ven biển, nhiều hiện vật chất liệu đá là các công cụ ghè đẽo, mũi khoan, hòn kê, hòn ghè, bàn mài được phát hiện tại di tích Gò Ốc (xã Xuân Bình), Cồn Dinh (thôn Diêm Trường, xã Xuân Lộc, TX Sông Cầu), khe Ông Dậu (thôn Phước Long, xã Hòa Tâm), gò Cây Thị (xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa), gò Bộng Dậu (thôn Long Thủy, xã An Phú, TP Tuy Hòa)…
Ngoài các công cụ đá của người tiền sử, Phú Yên còn phát hiện được khá nhiều những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc chất liệu đá, các di vật đá phục vụ thờ tự, các bi ký thuộc nền văn hóa Chăm như: tượng Nam thần, tượng Nữ thần, tượng Phật lồi, tượng Gannesa, tượng Voi, tượng Bò Nanđin, tượng Ngựa, tượng Rắn, tượng Sư Tử, các phù điêu trang trí và các bi ký, là những di sản văn hóa đá có giá trị lịch sử và văn hóa to lớn.
Trong số di sản văn hóa đá ở Phú Yên tiêu biểu nhất là bộ đàn đá và cặp kèn đá Tuy An. Hai cổ vật đàn đá và kèn đá có niên đại cách ngày nay khoảng 3.000-2.500 năm, là những báu vật vô giá bởi sự độc đáo của di sản văn hóa đá này. Cặp kèn đá và bộ đàn đá Tuy An là báu vật quốc gia, là nguồn tài nguyên đặc biệt không thể tái sinh, không thể thay thế. Cần bảo tồn hai báu vật này nhằm duy trì tính xác thực và các giá trị của chúng như đã được xác định.
Khi nhìn lại một loại hình di sản văn hóa đá như các công cụ, nhạc cụ đá, các tác phẩm điêu khắc chất liệu đá, các bi ký, các công trình kiến trúc chất liệu đá…, ta nhận biết được quá trình phát triển của con người trong từng thời kỳ lịch sử và trên nhiều lĩnh vực: mưu sinh, chiến đấu và sinh hoạt tinh thần của các cộng đồng người đã từng sinh sống trên vùng đất Phú Yên.
Phú Yên còn có nhiều di sản đá tự nhiên là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Một trong số di sản đá tự nhiên được tôn vinh biểu tượng của xứ Đàng Trong là: núi Đá Bia (Thiên nam đệ nhất trụ - Trụ số một trời Nam). Núi Đá Bia không chỉ có vị trí quan trọng về địa lý và hấp dẫn bởi vẻ đẹp hùng tráng, kỳ thú của núi non, mà còn là ngọn núi huyền thoại, gắn liền với truyền thuyết về bài thơ khắc trên đá của vua Lê Thánh Tông từ thế kỷ XV. Thêm nữa, núi Đá Bia còn có địa vị độc tôn trong đời sống tâm linh của người Chăm xưa và một số tộc người được xem là cư dân tại chỗ có quá trình cư trú ở vùng đất Phú Yên từ rất sớm. Cùng với danh thắng Đá Bia là gành Đá Đĩa, danh thắng quốc gia “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam có giá trị rất lớn về cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là cấu tạo địa chất…
Phú Yên còn có những thắng cảnh nổi tiếng khác như: Nhất Tự Sơn, hòn Yến, vực Phun, suối Đá Bàn… chứa đựng nhiều tiềm năng phát triển kinh tế và các loại hình du lịch. Các di sản đá tự nhiên gắn với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của nhân dân Phú Yên cũng là nét độc đáo, mang giá trị lịch sử to lớn, là những địa chỉ đỏ cho các hoạt động về nguồn.
Các di sản này tập trung chủ yếu ở vùng núi và vùng đồng bằng ven biển, có giá trị về mặt quân sự; là nơi lưu giữ những thông điệp về sự kiện, nhân vật lịch sử quan trọng của nhân dân Phú Yên trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược. Tiêu biểu như: hóc Hoành, gộp đá Lợp, hang Vàng, hang Võ Trứ, gộp đá Kôn Clon, hang Dơi, gộp đá Hòa Đác, gộp đá Mồng Mồng, gộp đá suối Ô Ô, hang đá Ông Tíu, hang Ma Lẫm…
Bọng giếng được xếp bằng đá ở xã An Hiệp, huyện Tuy An -Ảnh: MINH NGUYỆT |
Những đặc trưng của di sản văn hóa đá Phú Yên
Di sản văn hóa đá Phú Yên thể hiện ở tính sáng tạo không ngừng của cộng đồng cư dân đã sinh sống trên miền đất Phú Yên trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển. Họ là chủ thể văn hóa trong việc tạo ra những di sản văn hóa đá với nhiều loại hình đa dạng, phong phú và mang sắc thái văn hóa riêng. Trong đó, lớp văn hóa bản địa với những công cụ đá, nhạc cụ đá của người tiền sử; tiếp đến là những di sản văn hóa đá thuộc lớp văn hóa giao lưu với Trung Hoa và Ẩn Độ, nổi bật là những di sản văn hóa đá thuộc văn hóa Chăm với các nhóm: Bi ký, tượng người, tượng động vật, đài thờ, các chi tiết trang trí kiến trúc và những di sản văn hóa đá thuộc lớp văn hóa giao lưu với phương Tây như các công trình kiến trúc, xây dựng phục vụ phát triển kinh tế - dân sinh trong lịch sử cận hiện đại.
Tính lịch sử của di sản văn hóa đá Phú Yên giúp phân biệt di sản văn hóa đá như sản phẩm của một quá trình và được tích lũy qua nhiều thế hệ với văn minh như sản phẩm cuối cùng, chỉ ra trình độ phát triển của từng giai đoạn. Tính lịch sử tạo cho di sản văn hóa đá Phú Yên một bề dày, tầm cao và chiều sâu. Tính lịch sử buộc văn hóa phải tiến hành phân loại và phân bổ lại các giá trị. Tính lịch sử được duy trì bằng truyền thống văn hóa.
Đây là những giá trị tương đối ổn định được tích lũy và tái tạo trong cộng đồng người qua không gian và thời gian, được đúc kết thành những tinh hoa văn hóa và cố định hóa dưới dạng các sản phẩm văn hóa mang tính vĩnh hằng. Di sản văn hóa đá Phú Yên trước hết thuộc về di sản văn hóa vật thể nhưng không phải là duy nhất. Vì trong những di sản văn hóa đá vật thể đó luôn chứa đựng những giá trị văn hóa phi vật thể. Đây mới thực sự là “linh hồn” của di sản văn hóa đá Phú Yên.
Di sản văn hóa đá Phú Yên là sản phẩm sáng tạo, trao truyền của nhiều thế hệ, thuộc nhiều tộc người đã từng sinh sống trên mảnh đất này. Thể hiện năng lực sáng tạo và được xem là những hằng số cấu thành nên môi trường sống bao bọc xung quanh con người; tác động vào nhận thức, tâm tư tình cảm của cộng đồng dân cư trong từng không gian văn hóa.
Dưới sự tác động của con người, đá tự nhiên đã trở nên hữu ích. Đá trở thành vật liệu chính để kiến thiết làng xóm; xây dựng nhà ở, tạo các vật dụng trong sinh hoạt gia đình và xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ phát triển kinh tế - dân sinh. Mang đặc tính bền vững - Đá được dùng để đặt tên cho xóm, làng, núi sông. Đá gắn bó những lợi ích vật chất, đá đi vào đời sống tinh thần.
NGUYỄN HOÀI SƠN
Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông