Đam mê cháy bỏng và tâm huyết với loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống của dân tộc, các hội viên Chi hội Sân khấu (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên) vẫn lặng lẽ, không ngừng sáng tạo để “giữ lửa”, giữ ánh đèn cho sân khấu, góp phần làm cho sân khấu tuồng, bài chòi… dần dần hồi sinh và đang trên đà khởi sắc.
Sức sống, thành công của tuồng
Nói đến sân khấu tuồng ở Phú Yên, nhiều người nhắc đến Câu lạc bộ (CLB) Tuồng 10/5 (huyện Phú Hòa), CLB Tuồng phường Xuân Đài (TX Sông Cầu)… NSND Trần Đình Sanh (nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh - Đà Nẵng), NSND Hòa Bình, NSƯT Nguyễn Đình Thiện (đều là nguyên Giám đốc Nhà hát Đào Tấn - Bình Định)… rất ấn tượng với CLB Tuồng 10/5 khi đến với Phú Yên.
Tuy chỉ là những CLB, về quy mô không thể sánh với nhà hát hay đoàn tuồng chuyên nghiệp nhưng sự tâm huyết, niềm đam mê của những nghệ sĩ, nghệ nhân “chân lấm tay bùn” trong các CLB này đối với sân khấu tuồng là rất lớn. Họ sẵn sàng “cháy” hết mình mỗi khi bước lên sàn tập, sân khấu.
Như CLB Tuồng 10/5, năm 2018 được UBND huyện cấp kinh phí hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với “cơm nhà áo nhà”, anh chị em trong CLB duy trì tập luyện và tổ chức biểu diễn phục vụ người dân địa phương gần 20 suất diễn vào các dịp lễ, Tết. CLB này còn vinh dự được biểu diễn phục vụ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và những vị khách quý là các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh vào trung tuần tháng 1/2018.
Thành công lớn nhất trong năm vừa qua của CLB Tuồng 10/5 và của sân khấu tuồng Phú Yên là đã xuất sắc giành huy chương vàng toàn đoàn cùng 1 huy chương vàng và 1 huy chương bạc cá nhân tại Hội diễn Nghệ thuật Tuồng không chuyên toàn quốc do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Bộ VH-TT-DL tổ chức tại “đất tuồng” Bình Định. Cuối năm 2018, CLB phối hợp với VTV thực hiện phóng sự về tuồng tại đền thờ Lương Văn Chánh. Và tối mùng 4 Tết mới đây, CLB Tuồng 10/5 biểu diễn phục vụ đông đảo người dân tại thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) với vở tuồng Huê Thần Nữ dâng Ngũ linh kỳ.
Bài chòi được vinh danh
Sau 3 năm trở thành di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, năm 2018, Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ của Việt Nam được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc di sản bài chòi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại có ý nghĩa vô cùng to lớn, khẳng định bản sắc văn hóa độc đáo, phong phú của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng.
Vinh dự to lớn này kèm trách nhiệm cũng rất nặng nề đối với những nghệ nhân, nghệ sĩ bài chòi. Với ý thức, trách nhiệm và tâm huyết, năm vừa qua, Chi hội Sân khấu đã có những đóng góp nhất định vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của nghệ thuật bài chòi, góp phần vào việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Đó là tiếp tục “truyền lửa”, đưa dân ca bài chòi vào học đường và người “đứng mũi cầm sào” là nghệ nhân Bình Thảng, hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Phó Chi hội trưởng Sân khấu, Phó Chủ nhiệm CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa. Ngoài các giờ dạy “ngoại khóa” ở các trường THPT, THCS trên địa bàn, vào thứ năm hàng tuần, tại CLB Đàn hát dân ca huyện Đông Hòa, các lớp dạy đàn hát dân ca luôn thu hút đông đảo học sinh đến với các làn điệu xuân nữ, xàng xê, hò quảng, cổ bản…
Từ các lớp học này, nhiều em trở thành hạt nhân trong phong trào văn nghệ ở trường, ở địa phương. Không ít em đã phát huy năng khiếu văn nghệ của mình ở giảng đường đại học. Thành tích của nghệ nhân Bình Thảng trong năm qua khá dày: Tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng LLVT Quân khu 5 lần thứ 12 năm 2018 với Đoàn nghệ thuật quần chúng LLVT quân sự tỉnh, đoạt giải nhất toàn đoàn, tiểu phẩm dân ca bài chòi Khu 5 Sáng mãi niềm tin do Bình Thảng sáng tác và dàn dựng đoạt giải A; tham gia hội thi Búp sen hồng do Trung ương Đoàn tổ chức, chương trình của Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi Phú Yên đoạt giải nhất toàn đoàn, tiết mục dân ca Trên dòng sông quê do Bình Thảng viết và dàn dựng đoạt giải A; tham gia Hội thi Khuyến nông viên giỏi vùng duyên hải Nam Trung Bộ do Bộ NN-PTNT, Trung tâm Khuyến nông quốc gia tổ chức, chương trình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên đoạt giải nhì toàn đoàn, tiết mục dân ca bài chòi Tiếng hát dân ca nữ quân sự quân khu do Bình Thảng sáng tác, được trao huy chương vàng.
Ngoài ra, tại các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan do các sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh tổ chức đều có “sự trở lại” của bài chòi và sự tham gia của các hội viên Chi hội Sân khấu với nhiều vai trò khác nhau, là hạt nhân của phong trào.
Cải lương và đờn ca tài tử vẫn sống mãi
Cùng với tuồng, bài chòi, nghệ thuật cải lương và đờn ca tài tử trong năm qua cũng có sự hồi sinh, thể hiện qua hoạt động của các đội, nhóm, CLB Đờn ca tài tử ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nổi trội hơn cả vẫn là CLB của anh Mai Hoàng. Mỗi khi tôi qua lại đường Lê Trung Kiên đều bắt gặp nhiều anh chị em đến đây để so đàn, so tiếng hát với làn điệu ngũ cung hò xự xang xê cống. Có thể khẳng định, cải lương và đờn ca tài tử vẫn sống mãi trong lòng những người dân Phú Yên cùng với tuồng, bài chòi và những loại hình nghệ thuật khác.
“Ngọn lửa” sân khấu truyền thống được nhen nhóm, ánh đèn sân khấu được thắp sáng là từ niềm đam mê nghệ thuật của các nghệ sĩ, nghệ nhân và sự ủng hộ của những tấm lòng yêu nghệ thuật sân khấu cùng sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền địa phương và ngành Văn hóa. Nếu tiếp tục được cơ quan chức năng quan tâm, đầu tư thì chắc chắn rằng sân khấu truyền thống sẽ khởi sắc và phát triển bền vững hơn.
LÊ VĂN HIẾU
Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tại Phú Yên