Những ngày này, khi những cơn gió se lạnh đã ùa về, len lỏi vào từng ngõ ngách, các thế hệ học sinh lại nô nức chuẩn bị cho Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. “Có một nghề mang tên là nghề giáo/ Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/ Người ta bảo đó là nghề trong sạch nhất/ Có một nghề không trồng cây vào đất/ Mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa thơm” (GS-TSKH Đinh Văn Nhã).
Không chỉ gửi đến các thầy, các cô những bó hoa tươi thắm, những lời chúc đầy cảm động, mà các thế hệ học trò còn gửi đến người thầy, người cô yêu quý với những giai điệu dạt dào tình cảm, chất chứa những yêu thương, hoài bão thay lời tri ân.
Những ca khúc vượt thời gian
Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã thuộc nằm ca khúc Bụi phấn của nhạc sĩ Vũ Hoàng: ... Em yêu phút giây này/ Thầy em, tóc như bạc thêm/ Bạc thêm vì bụi phấn/ Để cho em bài học hay/ Mai sau lớn nên người/ Làm sao có thể nào quên/ Ngày xưa thầy dạy dỗ/ Khi em tuổi còn thơ... Có tài liệu cho rằng, ca khúc Bụi phấn ra đời từ năm 1982. Ca khúc được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của tác giả Lê Văn Lộc.
Với ca từ mềm mại, ngắn gọn nhưng cô đọng và da diết, hình ảnh người thầy hiện lên qua ca khúc thật giản dị với niềm vui say mê lao động: Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi/ Có hạt bụi nào rơi trên bục giảng/ Có hạt bụi nào vương trên tóc thầy... Một hình ảnh đẹp mà bất cứ người học trò nào cũng khó có thể quên được, để mỗi khi ca khúc được cất vang khiến bất cứ ai cũng phải xúc động, bùi ngùi khi nhớ về những người thầy, người cô đã từng dạy dỗ mình.
Ca khúc nổi tiếng, được yêu thích không kém Bụi phấn về thầy, cô giáo vì sự nghiệp trồng người phải kể đến, đó là Bài học đầu tiên. Ca khúc của nhạc sĩ Trương Xuân Mẫn đã ghi dấu ấn đậm sâu và trở thành một bài hát quen thuộc của biết bao thế hệ học sinh Việt Nam. Bằng lời ca trong trẻo, da diết: Thưa thầy em đã thuộc bài học sáng nay/ Trong bài giảng có bụi phấn trắng bay bay trên tóc thầy/ Giọng thầy như tiếng hát/ Lời thầy như bài thơ/ Cho con những ước mơ/ Tới chân trời rộng mở… đã đưa ta về với lần đầu tiên đến trường, lần đầu tiên nghe bài giảng của thầy, cũng là lần đầu tiên thầy đưa ta tới những ước mơ về tương lai với những bài học đầu tiên về tình yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, tiếp nối cha anh để hướng tới tương lai xây dựng đất nước đẹp giàu... như chính tên gọi của nó.
Trong số những bài hát về thầy cô và mái trường, Mái trường mến yêu của nhạc sĩ Lê Quốc Thắng là một trong những tác phẩm tiêu biểu. Với giai điệu nhẹ nhàng, lời hát dễ thuộc, ca khúc phù hợp trong bất cứ trường học nào dành cho lứa tuổi học trò: ... Ôi hàng cây xanh thắm dưới mái trường mến yêu/ Có loài chim đang hót âm thầm tựa như nói/ Vì hạnh phúc tuổi thơ, cho đời thêm sức sống/ Thầy dìu dắt chúng em với tấm lòng thiết tha... Và còn rất nhiều ca khúc hay, xúc động khác, được lưu lại ở một vị trí đặc biệt trong tâm trí của học trò, như: Ơn thầy thầy của chúng em (Hoàng Hiệp), Bông hồng tặng cô (Trần Quang Huy), Con đường đến trường (Phạm Đăng Khương), Khi tóc thầy bạc trắng (Trần Đức), Tháng năm học trò (Nguyễn Đức Trung)...
Gửi yêu thương đến thầy cô
La Thị Huyền Mi, học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh chia sẻ, những ngày này, Huyền Mi thường được nghe các bài hát hay, nổi tiếng về thầy cô giáo. Nhưng có lẽ, ấn tượng sâu đậm nhất là ca khúc Đi học (Nguyễn Ngọc Thiện): Ngày đầu tiên đi học/ Mẹ dắt tay đến trường/ Em vừa đi vừa khóc/ Mẹ dỗ dành yêu thương/ Ngày đầu tiên đi học/ Em mắt ướt nhạt nhòa/ Cô vỗ về an ủi/ Chao ôi sao thiết tha.... “Những ca từ ấy em thuộc từ khi học tiểu học vì quá thích, quá hay. Khi nghe đến, tự nhiên nhớ lại tâm trạng bỡ ngỡ, lạ lẫm của mình ngày đầu đến lớp, được bảo bọc, vỗ về bởi cô giáo dịu dàng như người mẹ hiền thứ hai”, Huyền Mi nói.
Còn Nguyễn Thị Ngọc Anh, cựu học sinh Trường THPT Lê Thành Phương (huyện Tuy An) xúc động mỗi lần nghe lại những giai điệu đặc biệt này: “Giờ đây, tôi mới cảm nhận hết tình cảm, sự quan tâm chăm sóc của thầy cô khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi chia tay thầy cô, chia tay mái trường để bước vào đời, ngoài hành trang là kiến thức, tôi còn mang theo cả tình yêu thương, sự kỳ vọng của các thầy cô. Làm sao chúng ta có thể kể hết công ơn của thầy cô, người đã dìu dắt chúng ta khôn lớn từ những bước đi đầu đời. Và nếu được ví như một nốt nhạc thì thầy cô sẽ là nốt trầm xao xuyến êm đềm trong lòng người. Nếu được ví như một nhạc cụ thì thầy cô sẽ là sáo vi vu với những giai điệu nhẹ nhàng, khó quên. Nếu ví như một thứ vật chất không tồn tại thì thầy cô sẽ là những cơn gió thoảng qua mang lời thì thầm bên tai với những âm thanh yêu thương vọng mãi trong đời”.
Cô Đoàn Thị Bích Thảo, giáo viên Trường phổ thông Duy Tân, chia sẻ: “Gần tới ngày 20/11, hồi ức của những năm tháng học trò lại ùa về trong tôi. Thông qua những ca khúc hát về thầy cô, mái trường, tôi muốn gửi lời tri ân đến thầy cô giáo cũ, cũng như ngôi trường thân yêu - nơi đã chắp cánh cho ước mơ trở thành nhà giáo của mình”.
THIÊN LÝ