Trong ký ức của các học trò, nhà giáo Cao Văn Tín có vóc dáng bệ vệ, nụ cười đôn hậu và đôi mắt khắc khoải buồn. Hơn 20 năm trước, ông đã khước từ văn mẫu và khuyến khích học trò sáng tạo… Khi bạo bệnh, ông tựa vào gia đình và thi ca để đối mặt với định mệnh trớ trêu. Nào hay cơn gió vô tình là tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ cuối cùng của thầy Cao Văn Tín.
Thầy Cao Văn Tín đích thực là một nhà thơ với những câu thơ thật run rẩy đầy cảm xúc và những liên tưởng xa rộng. |
Nhà giáo Cao Văn Tín sinh năm 1955, quê Đông Hòa. Ông có hơn 40 năm dạy học cho đến khi nghỉ hưu. Trong ký ức của các học trò, thầy Cao Văn Tín có vóc dáng bệ vệ, nụ cười đôn hậu và đôi mắt khắc khoải buồn. Điều đặc biệt ở thầy Cao Văn Tín là từ hơn 20 năm trước, ông đã nhìn ra sự lỗi thời của văn mẫu, đã khước từ văn mẫu và khuyến khích học trò sáng tạo. Ông để lại ấn tượng sâu sắc khi đọc thơ của mình để minh họa cho bài giảng, trong giờ giảng văn Người thiếu phụ Nam Xương. Trong các lớp học trò từng được ông dạy môn Văn ở bậc THCS, có người sau này theo nghề cầm bút, trở thành nhà thơ, nhà báo nổi tiếng.
Năm 2018, sau một thời gian chống chọi với bạo bệnh, thầy Cao Văn Tín qua đời. Học trò cũ đã giật mình khi biết trong di cảo của người thầy đáng kính có hơn 200 bài thơ. Nỗi nhớ đi vào thơ: Tháng chín về em có chút nôn nao/ Giờ đến lớp tiếng trống trường đã gọi/ Con đường cũ khoác thêm màu ngày mới/ Áo học trò trắng quá tựa sao rơi… (Bài thơ tháng chín). Kỷ niệm đi vào thơ: Em về tinh khôi/ Theo mây mùa hạ/ Anh - gió thu về/ Chiều xào xạc lá/ Công viên ghế đá/ Níu chân ai ngồi… (Em về tinh khôi). Và tình yêu đi vào thơ. Đó là tình yêu dành cho quê nhà, cho gia đình, đặc biệt là tình yêu tràn đầy dành cho người bạn đời trước dự cảm sẽ muôn trùng cách xa:
Đưa anh về trong cơn nắng tháng ba
Chiều chếnh choáng Sài Gòn như đổ lệ
Anh biết với em
Cuộc đời là duyên nợ
Đời buồn vui san sẻ bởi bàn tay…
Dù mai này có ở nơi xa lắm
Anh vẫn sẽ là mây
thầm bước
lối em qua.
(Bàn tay)
Bìa tập thơ Nào hay cơn gió vô tình của nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín. Ảnh: YÊN LAN |
Một học trò của nhà giáo Cao Văn Tín ở Trường THCS Hùng Vương ngày ấy, giờ là nhà thơ - nhà phê bình, viết rằng: “Thầy tôi làm thơ nhiều nhất ở giai đoạn chống chọi với bạo bệnh. Ông đã tựa vào gia đình và thi ca để đối mặt với định mệnh trớ trêu. Ở lằn ranh sinh tử, phẩm chất thi sĩ của người thầy quá cố đã hiển lộ khá đầy đủ. Ông nhận ra Sông cũng nằm chờ/ Mây qua đầu ngõ… Ông đích thực là một nhà thơ với những câu thơ thật run rẩy đầy cảm xúc: Áo đỏ em ngồi/ Bối rối tầm xuân và những liên tưởng xa rộng Thuyền xa bờ, gió đẩy biển về đâu.
Dù từng ngày, từng giờ chống chọi với bạo bệnh, dù đã thấy thấp thoáng chuyến xe cuối cùng của cuộc đời, nhà giáo - nhà thơ Cao Văn Tín vẫn giữ được niềm lạc quan:
Chỉ cần một chiếc lá
Hắt hiu treo trên cành
Chỉ cần một bông hoa
Vì đời mà níu kéo.
…
Lung linh cười trong lá
Còn đọng chút sương sa
Vì đời mà san sẻ
Còn bao la nắng hồng
(Chỉ cần một chiếc lá)
Nhà giáo Nguyễn Thị Hà, vợ thầy Cao Văn Tín, chia sẻ rằng lúc còn sống, chồng bà làm thơ rất nhiều nhưng vì khiêm tốn nên không muốn công bố. Khoảng 2 năm trước khi ông mất, bà nói: “Anh làm thơ thì cũng nên đăng lên để chia sẻ với con cháu”. Từ đó ông mới chia sẻ thơ của mình. Sau khi ông mất, gia đình tìm được trong điện thoại của ông hơn 200 bài thơ và chọn lọc gần 100 bài để in trong tập Nào hay cơn gió vô tình (NXB Văn hóa - Văn nghệ TP Hồ Chí Minh). Đây là tập thơ đầu tiên và cũng là tập thơ cuối cùng của nhà giáo Cao Văn Tín. Tập thơ ra đời có sự chung tay góp sức của hai học trò từng được thầy Cao Văn Tín dạy Văn tại Trường THCS Hùng Vương hơn 20 năm trước. Trong Nào hay cơn gió vô tình, bên cạnh những bài thơ còn có một số hình ảnh kỷ niệm của thầy Cao Văn Tín cùng gia đình.
Trong chương trình Tưởng nhớ thầy Cao Văn Tín được tổ chức tại Trung tâm hội nghị Pytopia (TP Tuy Hòa) nhân ngày giỗ đầu của ông, tập thơ Nào hay cơn gió vô tình ra mắt những người thân thiết. Trong chương trình ấm áp tình cảm của bà con, đồng nghiệp, bạn bè vợ chồng thầy Cao Văn Tín và hai con trai của thầy cô, anh Cao Nguyễn Triều Duy, con trai thầy, tỏ lòng cảm ơn sự chia sẻ, động viên của bà con dòng tộc, đồng nghiệp, bạn bè cha mẹ anh… trong 2 năm qua, “để gia đình luôn cảm thấy việc ba đi xa không phải là sự mất mát mà chỉ là tạm chia xa”. Về tập thơ Nào hay cơn gió vô tình, anh Duy bày tỏ: “Tập thơ này là một món quà kỷ niệm, tri ân của gia đình, cũng là món quà chia tay của ba”.
Nhà thơ - nhà báo Trần Hoàng Nhân chia sẻ: “Đọc trong sách vở, tôi nhớ có ý như thế này: Trên đời cần ba điều để lại/ Thứ nhất là một đứa con, dù trai hay gái/ Để đời nối tiếp sinh sôi/ Một cuốn sách dù ít trang thôi/ Để đời sau biết những gì ta đã sống/ Một cái cây dù chưa tròn bóng/ Để đời sau có bóng mát tựa vào… Thầy Tín đã làm được những điều đó, đời như thế là viên mãn”.
YÊN LAN